Cửa hàng rau, quả sạch ở ngoại thành: Số lượng ít, vắng người mua

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi ở nội thành Hà Nội, các cửa hàng rau quả sạch phát triển rầm rộ thì khu vực ngoại thành, loại hình kinh doanh này lại khá khiêm tốn. Để mạng lưới cửa hàng rau, quả sạch ở ngoại thành phát huy hiệu quả, rất cần có chính sách hỗ trợ.

Người dân chọn mua sản phẩm tại cửa hàng kinh doanh rau quả sạch trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Ngọc Ánh
Nhiều cửa hàng rơi vào cảnh “chợ chiều”
Theo khảo sát của phóng viên, tại các huyện có rất ít cửa hàng rau quả sạch song ở những nơi đã có loại hình kinh doanh này thì nhiều cửa hàng lại rơi vào cảnh “chợ chiều”. Bà Phạm Thị Lý ở thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) cho biết, cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc của bà khai trương được gần một năm nhưng lượng khách vẫn chưa nhiều. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ từ 10 - 20kg rau quả, doanh số bán hàng thu được từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Trong khi đó, nguồn cung nông sản an toàn trên địa bàn rất dồi dào. Hiện, toàn huyện Đông Anh có 800ha trồng rau an toàn ở 7 xã và 40 hợp tác xã, DN sơ chế, tiêu thụ rau an toàn. Mặc dù nguồn cung không thiếu nhưng trên địa bàn huyện mới có 7 cửa hàng bán rau quả an toàn theo chuỗi, chủ yếu tập trung ở thị trấn Đông Anh.
Sở sẽ tiếp tục rà soát các chợ truyền thống lớn ở ngoại thành, qua đó đề nghị các địa phương khuyến khích những sạp hàng chuyển từ kinh doanh rau quả theo cách thức truyền thống sang mô hình kinh doanh rau quả sạch, đồng thời giảm 50% phí thuê mặt bằng cho hộ kinh doanh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, chỉ một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức có cửa hàng cung cấp rau quả sạch với số lượng khoảng 15 cửa hàng, còn lại các huyện khác số lượng rất khiêm tốn. Các sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng đều phải trải qua quá trình chọn lọc khắt khe, đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát ATTP của các cơ quan chức năng nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn song doanh số kinh doanh vẫn chưa như mong đợi. Nguyên nhân là do người dân vẫn giữ thói quen “tự cung tự cấp”. Bên cạnh đó, do mặt bằng thu nhập trung bình nên phần lớn người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại các chợ truyền thống.

Cần hỗ trợ nhiều hơn

Thực tế cho thấy, cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về sử dụng rau quả, thực phẩm an toàn, cần xem xét hỗ trợ người có nhu cầu mở cửa hàng bán nông sản về mặt bằng, kệ trưng bày hàng hóa, biển cửa hàng và giới thiệu nguồn thực phẩm an toàn tại các địa chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ. Về phía chủ cửa hàng bán rau quả sạch, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như kinh doanh sản phẩm, hàng hóa phải là nông sản sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.

Để các cửa hàng kinh doanh rau, quả sạch ở ngoại thành phát huy hiệu quả, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho rằng, cần tiếp tục xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy mạnh mối liên kết giữa các hợp tác xã sản xuất rau quả sạch và DN trong kinh doanh nông sản theo chuỗi. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 2 cửa hàng rau quả sạch được huyện hỗ trợ thành lập, bước đầu phát huy hiệu quả. Vì vậy, Thanh Trì sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân địa phương thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn các sản phẩm rau, củ, quả sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, để người dân ưu tiên mua nông sản rõ nguồn gốc, sản phẩm bảo đảm an toàn, việc phát triển cửa hàng phân phối rau, quả sạch có chứng nhận an toàn tại các huyện là cần thiết. Thời gian tới, trên cơ sở Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội” và các chương trình phát triển chuỗi cửa hàng nông sản sạch, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các địa phương khảo sát, hỗ trợ, tuyên truyền, triển khai thêm các cửa hàng nông sản an toàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần