80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thực phẩm bẩn và hàng giả hoành hành: Đi tìm những khoảng tối

Bài cuối: Nền tảng là niềm tin của Nhân dân

Kinhtedothi - Với 3 bài viết, trong các vấn đề được trình bày, chúng tôi đã phần nào làm rõ những khoảng tối tồn tại trong thời gian qua dẫn đến thực trạng thực phẩm bẩn, hàng giả hoành hành, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng và sự an toàn của xã hội. Đã đến lúc cần quyết liệt loại trừ thực phẩm bẩn, hàng giả ra khỏi đời sống.

Nhiều biện pháp đã và đang được triển khai, một số vụ việc có tính chất điển hình đã được đưa ra trước ánh sáng pháp luật. Điều đó cho thấy bộ máy công quyền hoàn toàn có thể hoạt động trơn tru và hiệu quả. Xét theo chiều sâu của vấn đề, hiệu quả thu được trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, hàng giả cũng chính là thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng và củng cố lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước.

Hơn bao giờ hết, thời điểm hiện nay có đầy đủ điều kiện chín muồi để chúng ta thực hiện cuộc chiến với thực phẩm bẩn, hàng giả, xây dựng thị trường lành mạnh trong một xã hội an toàn, phục vụ đất nước chuyển mình bước vào giai đoạn phát triển mới trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ Nghị quyết…

Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết số 57, 59, 66, 68 được coi là “bộ tứ trụ cột” giúp đất nước cất cánh. Trong đó, theo Tổng Bí thư Tô Lâm: "Nghị quyết 66-NQ/TW chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì Nhân dân phục vụ, đồng thời tạo ra động lực bền vững cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh trong thế kỷ XXI".

Sau những biện pháp quyết liệt trong công tác chống hàng giả, thực phẩm bẩn, người tiêu dùng Hà Nội ngày càng tin tưởng hơn vào chất lượng hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn. Ảnh: Phạm Hùng

Đánh giá về thực trạng hiện nay, Nghị quyết 66-NQ/TW nhận định, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư. Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà. Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả…

Từ đó, Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm chỉ đạo và 7 nhiệm vụ giải pháp lớn. Trong đó, từng vấn đề được nêu hết sức cụ thể. Xin nêu một số dẫn chứng:

Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.

Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, DN trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên của các Bộ, ngành T.Ư. Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình; gắn với công tác đánh giá, khen thưởng, sử dụng cán bộ và có chế tài, biện pháp xử lý đối với người không thực hiện đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.

QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại siêu thị trên địa bàn phường Nghĩa Đô, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Như vậy, “Những lỗ hổng, “con voi” chui lọt; các “Vùng trắng” trong kiểm tra, giám sát; sự đùn đẩy “quả bóng” trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng; những chồng chéo trong công tác quản lý; các quy định, hướng dẫn thiếu tính thực tiễn; cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân… là những vấn đề chúng tôi đã nêu khi loạt bài này khởi đăng đều bắt buộc phải giải quyết theo đúng tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành và chính quyền các cấp.

Đến mô hình hoạt động

Ngày 1/7/2025 là mốc thời gian đánh dấu tiến trình cải cách hành chính mang tính đột phá nhất trong nhiều thập kỷ - tái thiết toàn diện hệ thống chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, đồng thời tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên toàn quốc. Từ 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trên cả nước chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh; từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã của cả nước giảm còn 3.321 đơn vị, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu.

Giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, đây không đơn thuần là một cuộc sắp xếp lại địa giới hành chính hay một bước tinh giản bộ máy theo nghĩa hẹp, mà là sự kiện chính trị trọng đại, có tính lịch sử của Việt Nam. Đây còn là mô hình tổ chức chính quyền mới, được cho là phù hợp với xu thế quốc tế.

Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các quyết định liên quan đến đời sống người dân bao gồm 1.060 nhiệm vụ trải rộng trên các lĩnh vực đều được giải quyết trực tiếp ở cấp xã/phường - nơi gần dân nhất, sát dân nhất. Việc này không chỉ cắt giảm thủ tục trung gian, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, mà còn góp phần tăng quyền chủ động cho chính quyền cấp xã, phường. Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đây là bước chuyển quan trọng từ mô hình “chính quyền quản lý” sang mô hình “chính quyền phục vụ”, lấy người dân là trung tâm, chủ động nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh và liên quan đến cá nhân, tổ chức ngay từ cơ sở.

Người dân kỳ vọng sự đổi mới lần này sẽ không dừng lại ở tổ chức bộ máy, mà đi vào hành động cụ thể, hiệu quả, thực chất, trong đó có công tác quản lý ATTP cũng như siết chặt quản lý thị trường, tuyên chiến với hàng giả, hàng nhái. Niềm tin đang được đặt vào cấp chính quyền gần dân nhất, nơi hiểu rõ nhất những bất cập kéo dài bấy lâu nay và cũng là nơi có thể phản ứng, hành động nhanh nhất, từ việc kiểm tra một chợ dân sinh, giám sát một bếp ăn tập thể, đến xử lý hàng giả len lỏi trong từng khu tập thể, ngõ, phố, xóm, làng.

Tại Hà Nội, chính quyền cơ sở đã vào việc ngay từ mốc thời gian 1/7/2025. Chủ tịch UBND phường Phú Diễn, TP Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho biết: để bảo đảm ATTP, phường Phú Diễn đã ban hành kế hoạch và lập các đoàn kiểm tra ATTP các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn trường học thuộc trách nhiệm quản lý; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường khu vực lên kế hoạch kiểm tra đột xuất, thường xuyên về hàng nhái, hàng giả… trên địa bàn.

Trong cuộc họp mới đây về công tác ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà giao trách nhiệm cho UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp xã, phường không còn là người “truyền đạt mệnh lệnh” từ cấp trên, mà trở thành người ra quyết định, chủ động kiểm tra, xử lý và chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ dưới sự giám sát của Nhân dân về hiệu quả quản lý trên địa bàn mình phụ trách.

Nhân viên lấy mẫu thực hiện xét nghiệm ATVSTP tại chợ Tây Mỗ. Ảnh: Phạm Hùng

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học phân tích: “Đây là thời điểm vàng để cải cách công tác quản lý ATTP nói riêng và quản lý chất lượng hàng tiêu dùng trên thị trường nói chung. Kỳ vọng đang đặt lên vai chính quyền địa phương, nơi gần dân, sát dân nhất. Nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ và đồng lòng từ hệ thống chính trị, bước chuyển lần này sẽ không chỉ giúp người dân yên tâm về bữa ăn mỗi ngày, mà còn là minh chứng rõ ràng cho một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và nhân văn.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích thêm, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là sự thay đổi về tổ chức hành chính, mà còn đòi hỏi sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy điều hành và văn hóa trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt khi đối mặt với các vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội như thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Xây dựng bộ máy liêm chính là nền tảng của niềm tin

Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc sẽ là một phép thử quan trọng trong công cuộc đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đối với đạo đức và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ các cơ quan công quyền, hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như trách nhiệm, đạo đức của từng cá nhân trong xã hội.

Khi lòng tin của người tiêu dùng bị tổn hại, điều họ cần không chỉ là các đợt kiểm tra hay những chỉ đạo qua các cấp bằng văn bản, mà là hoạt động của một bộ máy quản lý thực sự liêm chính, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, không bao che, dung túng, tiếp tay cho sai phạm tồn tại và lộng hành.

Từ những vụ việc rúng động vừa qua cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến nạn thực phẩm bẩn và hàng giả tràn lan là do một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, địa phương, thậm chí ở cấp cao hơn là bộ, ngành… thiếu trách nhiệm, thậm chí có tiêu cực. Họ có thể làm ngơ trước các dấu hiệu sai phạm, bỏ qua quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc bảo kê cho các đầu nậu, cơ sở sản xuất vi phạm.

Liêm chính không phải là khẩu hiệu, mà là hành động, là nền tảng cho niềm tin của người dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của Nhà nước, niềm tin cho một xã hội an toàn và lành mạnh, hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó có bảo đảm quyền lợi cho mỗi công dân. Mỗi đợt ra quân, mỗi chiến dịch hành động sẽ chỉ là hình thức nếu không có một bộ máy liêm chính, minh bạch, xác định rõ trách nhiệm của từng vị trí việc làm trong các cơ quan công quyền. Việc này không chỉ nhằm xây dựng một xã hội an toàn mà còn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giảm gánh nặng cho chi phí từ ngân sách trong việc chăm lo sức khỏe của Nhân dân.

Hoạt động mua bán thực phẩm tại chợ dân sinh trên địa bàn. Ảnh: Phạm Hùng

Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện”, “như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày”. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở phải tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở, từ chi bộ… Tăng cường ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính, xử lý hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN, “tham nhũng vặt”; khắc phục bệnh “sợ trách nhiệm”, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm.

Cuối cùng, theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, không thể phủ nhận nỗ lực của các lực lượng chức năng trong thời gian qua, nhưng đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận: niềm tin người tiêu dùng không thể được xây dựng lại bằng những đợt ra quân theo kiểu “làm rầm rộ rồi thôi”. Giải pháp cần thiết lúc này là thiết lập một hệ thống kiểm soát và giám sát bền vững, hoạt động xuyên suốt, không phụ thuộc vào chiến dịch hay cao điểm.

Muốn làm được điều đó, cần sự thay đổi ở 3 cấp độ: thể chế, công nghệ, và nhận thức xã hội. Về thể chế, các quy định xử phạt cần đủ sức răn đe. Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được rà soát, cập nhật theo hướng thắt chặt hơn, đồng thời phân cấp rõ trách nhiệm giữa T.Ư và địa phương khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Về công nghệ, đã đến lúc Việt Nam cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm bắt buộc đối với thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Công nghệ blockchain, mã QR,… không còn xa lạ, vấn đề chỉ là quyết tâm và năng lực triển khai đồng bộ.

Về nhận thức xã hội, người tiêu dùng cần được đặt vào vai trò trung tâm của hệ thống giám sát. Một cơ chế báo cáo vi phạm đơn giản, bảo mật sẽ khuyến khích người dân tham gia chống hàng giả, thay vì chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Những chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về đấu tranh chống thực phẩm bẩn, hàng giả:

- Ngày 17/4, phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, mất ATTP là vấn đề đáng báo động. Vấn đề này Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, trên tinh thần là không thể để những thực phẩm, dinh dưỡng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường và ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của Nhân dân.

- Ngày 16/6, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt về việc chống hàng giả, đặc biệt các sản phẩm thuốc, thực phẩm tuyệt đối không được làm giả.

- Ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri 11 phường tại TP Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, một lần nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định không thể chấp nhận hàng giả, nhất là thực phẩm giả, thuốc giả, yêu cầu phải tuyên chiến với loại tội phạm này để bảo đảm sức khỏe Nhân dân.

- Ngày 7/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực họp phiên thứ 28 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo T.Ư đã thống nhất đưa 6 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo, trong đó có 2 vụ liên quan đến hàng giả, thực phẩm giả.

7 “siêu thực phẩm” giải độc gan bán đầy chợ mà ít người biết

7 “siêu thực phẩm” giải độc gan bán đầy chợ mà ít người biết

Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm 'tiếp tay' cho nguyên liệu kém chất lượng như thế nào?

Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm 'tiếp tay' cho nguyên liệu kém chất lượng như thế nào?

Mỹ tiên phong "khai tử" màu thực phẩm

Mỹ tiên phong "khai tử" màu thực phẩm

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm

Bài 3: Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm

17 Jul, 05:47 AM

Kinhtedothi - Trước tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa… diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm trên phạm vi toàn quốc.

Bài 2: Những lỗ hổng, “con voi” chui lọt

Bài 2: Những lỗ hổng, “con voi” chui lọt

16 Jul, 10:07 AM

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn, hàng giả không thể ngang nhiên tồn tại, lưu thông nếu cơ quan chức năng siết chặt quản lý. Những “cánh cửa” cấp phép, kiểm tra, hậu kiểm… nhiều khi đã bị vô hiệu hóa bởi một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, bị mua chuộc hoặc ngó lơ có chủ đích. Khi người dân mua phải thực phẩm bẩn, hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm chức năng (TPCN} giả, không chỉ sức khỏe bị tổn hại, tính mạng bị đe dọa, mà hơn thế, niềm tin vào thể chế, vào hệ thống quản lý Nhà nước bị tổn hại nghiêm trọng.

Thực phẩm bẩn và hàng giả hoành hành: Đi tìm những khoảng tối

Thực phẩm bẩn và hàng giả hoành hành: Đi tìm những khoảng tối

15 Jul, 10:00 AM

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn và hàng giả – những thứ đang âm thầm gặm nhấm sức khỏe người dân và phá hoại lòng tin vào kỷ cương pháp luật – đã không còn là câu chuyện của những vụ vi phạm lẻ tẻ. Trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp các vụ án lớn được phát hiện, từ đó bộc lộ kẽ hở của pháp luật và đâu đó xuất hiện bóng dáng những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay hoặc làm ngơ vì lợi ích riêng.

Tạm giữ 13 tấn chân gà ngâm hóa chất

Tạm giữ 13 tấn chân gà ngâm hóa chất

14 Jul, 03:47 PM

Kinhtedothi – Công an tỉnh Thanh Hoá vừa phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện, tạm giữ hơn 13 tấn chân gà đông lạnh được ngâm hóa chất. Số hàng này đang chuẩn bị phân phối cho các tiểu thương để bán ra thị trường.

5 lưu ý khi sử dụng mỡ lợn để trở thành "thực phẩm vàng"

5 lưu ý khi sử dụng mỡ lợn để trở thành "thực phẩm vàng"

10 Jul, 04:47 PM

(Tieudung.vn) - Theo quan niệm của Đông y, mỡ lợn có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết nhuận táo, hành thủy tán phong, giải độc. Mỡ lợn không chỉ là thực phẩm để xào, rán, nấu các món ăn hàng ngày mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Do là chất béo, loại thực phẩm này có thể trở thành con...

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ