KTĐT - Hiện nay, châu Á đang bước trên con đường khôi phục kinh tế, điều đó sẽ giúp họ lấy lại được sự vinh quang và huy hoàng đã có trước đây.
Cục diện thế giới bao gồm cục diện kinh tế và cục diện chính trị. Cục diện kinh tế thế giới biến đổi nhanh hơn cục diện chính trị thế giới. Sức mạnh kinh tế từ nam chí bắc là nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự biến đổi của cục diện kinh tế thế giới hiện nay.
Phía nam chỉ các nước phương nam, tức là các nước đang phát triển lần lượt giành được độc lập và chủ quyền thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai. Phía bắc chỉ các nước phương bắc, tức là các nước phát triển tập trung trong tổ chức hợp tác kinh tế (OECD) của “câu lạc bộ những nước giàu”.
Mối quan hệ nam bắc thể hiện ở sự hợp tác và đấu tranh lẫn nhau về các phương diện như chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật và an ninh, quân sự, trong đó, nổi bật nhất là sự đối trọng ngày một rõ rệt về thực lực kinh tế nam bắc. Cùng với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ngày càng nhanh so với các nước phát triển, khoảng cách nam bắc sẽ ở xu thế thu hẹp, cục diện kinh tế thế giới sẽ có biến đổi.
Châu Á đi đầu trỗi dậy
Diện tích khu vực châu Á chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền toàn thế giới, dân số chiếm khoảng 3/5 tổng dân số toàn thế giới, có thể coi là khu vực lớn nhất thế giới, đã có thời kỳ huy hoàng trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới. Nhưng đi đôi với cuộc cách mạng công nghiệp, phương Tây đã tiến hành mạnh mẽ cuộc bành trướng và xâm lược thực dân với quy mô lớn toàn thế giới. Phải đến sau thế chiến thứ hai, do tác dụng tổng hợp của nhiều nhân tố, châu Á trở thành vùng đất đầu tiên xuất hiện nhiều quốc gia và khu vực phát triển theo mô hình nhảy vọt.
Những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore ra sức phát triển theo mô hình kinh tế hướng ngoại, liên tiếp trở thành những “con rồng”, được thế giới ca ngợi là “nhóm kinh tế công nghiệp mới nổi” (NIES) của châu Á. Trong 10 năm từ năm 1977-2007, các quốc gia và khu vực châu Á đã khắc phục ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng tài chính, vượt lên thành khu vực phát triển kinh tế toàn cầu nhanh nhất và năng động nhất, tốc độ tăng trưởng GDP của nhóm kinh tế mới nổi ở châu Á bình quân vượt 9%/năm, mức độ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới ngày càng lớn.
Trong Báo Thương mại của Nhật Bản ngày 4/4/2008 cho hay, năm 2007, tổng sản phẩm quốc nội GDP danh nghĩa của 10 quốc gia và vùng lãnh thổ chủ yếu ở châu Á là Trung, Nhật, Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Đông Nam Á đã đạt tới 11.700 tỷ USD, gấp 6 lần năm 1980. Nhóm kinh tế mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ đã thay thế Nhật Bản trở thành động lực phát triển kinh tế châu Á, không coi Nhật Bản là con chim đầu đàn nữa. Trong cuốn “Xu hướng lớn châu Á”, tác giả John Naisbitt chỉ ra, 150 năm nay, phương Tây đã được hưởng sự tiến bộ và phồn vinh, còn châu Á lại gặp nghèo khó và đói kém.
Hiện nay, châu Á đang bước trên con đường khôi phục kinh tế, điều đó sẽ giúp họ lấy lại được sự vinh quang và huy hoàng đã có trước đây.
Bước phát triển thần tốc của những nước lớn mới nổi
Ngay từ đầu thế kỷ 21, O’Neal - chuyên gia kinh tế cao cấp, chủ nhiệm phòng nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tập đoàn Goldman Sachs - Mỹ đã bắt đầu quan tâm và nghiên cứu triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil, đồng thời đưa ra báo cáo nghiên cứu “Giấc mộng BRICs- con đường đến năm 2050” công bố năm 2003, đã trình bày khái niệm “BRICs”.
BRICs đều là nước lớn, mặc dù trong cuộc khủng hoảng tài chính ít thấy trong lịch sử này, kinh tế Nga bị suy thoái nghiêm trọng, kinh tế Brazil rơi vào tăng trưởng âm, nhưng do sức lôi kéo của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, nên tỉ trọng tổng thể kinh tế và GDP của BRICs vẫn tăng từ 13% năm 2007 lên 15% năm 2009, trở thành một phần không thể coi nhẹ của thế giới, đã nhanh chóng làm biến đổi cục diện kinh tế nam bắc.
Tiếp sau BRICs, năm 2007 tập đoàn Goldman Sachs - Mỹ đưa ra khái niệm “11 nước kim cương” (Philippines, Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Mexico, Nigeria, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam), chỉ ra trong thời gian 4 năm từ năm 2004-2007, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của 11 nước này ước bình quân là 5,9%, gấp hơn 2 lần tỉ lệ tăng trưởng bình quân của các nước châu Âu. Trung tâm nghiên cứu BRICs của Nhật Bản năm 2007 thì đưa ra một danh từ chuyên môn mới là “năm nước triển vọng” (VISTA), nhằm chỉ Việt Nam, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, cho rằng năm nước này có tiềm năng phát triển rất lớn, trong mấy chục năm tới, kinh tế của các nước này sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.
Theo dự đoán của Trung tâm nghiên cứu BRICs Nhật Bản, trong khoảng thời gian từ năm 2005-2050, mô hình kinh tế tập đoàn 7 nước phương Tây tính bằng đồng USD sẽ mở rộng 2,5 lần so với hiện tại, BRICs sẽ mở rộng tới 20 lần, còn VISTA có khả năng sẽ mở rộng tới 28 lần. Điều này tuy chỉ là dự đoán nhưng mặt nào đó đã phản ánh xu thế biến đổi phát triển kinh tế nam bắc trong tương lai.
Thành viên của BRICs, “11 nước kim cương” và VISTA được coi là thị trường mới nổi, nhóm kinh tế mới nổi và nước công nghiệp mới nổi hàng đầu thế giới. Hiện thị trường mới nổi hay nhóm kinh tế mới nổi đã phủ khắp ngõ ngách của châu Á, châu Phi, châu Nam Mỹ, châu Âu và Trung Đông, đã hình thành “nhóm kinh tế mới nổi”. Nhóm kinh tế mới nổi thuộc các nước đang phát triển, vì thế việc trỗi dậy và phát triển nhanh của các nước đang phát triển đã là một sự thật không cần tranh cãi. Mỗi lần đại khủng hoảng đều gây ra biến đổi lớn, dẫn đến sự điều chỉnh và biến đổi cục diện kinh tế thế giới.
Lần khủng hoảng này bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tài chính ở nước Mỹ, mô hình phát triển Anglo - Saxon của Mỹ, cơ chế sáng tạo tài chính Mỹ, vai trò của chủ nghĩa tự do mới và tổ chức tài chính quốc tế do Mỹ tiến hành… đều chịu sự nghi ngờ chất vấn rộng rãi.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Pittsburgh- Mỹ đã làm suy yếu vai trò của nhóm 8 nước. G20 sẽ bao gồm nhóm 10 nước kinh tế mới nổi được coi là “Diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế quan trọng nhất” và “Nhóm điều chỉnh mới về kinh tế thế giới”, đánh dấu ba khu vực chủ soái về kinh tế thế giới là Mỹ, Nhật, châu Âu đã không còn độc quyền trong giải quyết vấn đề lớn mang tính toàn cầu, đánh dấu tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của nhóm kinh tế lớn mới nổi, nâng cao địa vị và mở rộng tiếng nói trong hệ thống kinh tế toàn cầu, đánh dấu sự biến đổi mới của cục diện kinh tế thế giới.