Cúm A/H5N1 nguy hiểm ra sao?

Hà Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam có ca nhiễm cúm A/H5N1 tử vong, các chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ xâm nhập Việt Nam gây ra những hệ lụy khó lường.

Rất đáng lo ngại

Tỉnh tỉnh Prey Veng ở Campuchia - sát với biên giới Việt Nam đã ghi nhận 2 ca nhiễm cúm H5N1 trong một gia đình, trong đó bé gái 11 tuổi tử vong. WHO đang tiếp tục làm việc với giới chức y tế Campuchia để khẩn trương tìm biện pháp khoanh vùng dập dịch. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ dịch cúm gia cầm trên người xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Con đường lây lan dịch cúm gia cầm có thể xảy ra qua giao thương giữa người dân hai nước, buôn lậu gia cầm qua biên giới, cùng với đó là nguồn lây từ chim hoang dại di chuyển giữa hai nước.

Cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác lây sang cho con người.
Cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác lây sang cho con người.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), virus H5N1 có thể gây ra bệnh cúm A/H5N1 nặng với tỷ lệ tử vong cao. Với khả năng tiến triển nhanh, H5N1 có thể dễ dàng gây ra các đợt dịch cúm lớn nếu không kiểm soát chặt chẽ.

Cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong. Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỉ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi. Ở người, tỉ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A/H5N1, A/H5N6 và A/H7N9 cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B. Tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60%.

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm A H5N1

Bệnh cúm A H5N1 có 3 giai đoạn phát triển:

Đầu tiên là thời gian ủ bệnh, không có dấu hiệu. Virus cúm có thể ẩn giấu trong cơ thể từ 2-8 ngày, tuy nhiên cũng có thể kéo dài tới 17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

Tiếp theo là giai đoạn bệnh khởi phát. Lúc này người nhiễm bệnh dần xuất hiện các triệu chứng như sốt cao,ho khan, nhức mỏi cơ thể, chán ăn,…

Cuối cùng là thời điểm bệnh bước vào giai đoạn toàn phát. Các triệu chứng cúm A H5N1 dần trở nên rõ ràng và ở mức độ nặng hơn. Người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức, đau đầu, đau hốc mắt hay đau dữ dội vùng thắt lưng. Nếu không được chăm sóc y tế đúng cách sớm sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.

Phòng chống cúm gia cầm ra sao?

Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Những người dân sát biên giới Campuchia có nguy cơ tiếp xúc và ăn gia cầm mắc bệnh rất lớn, vì vậy để tránh nhiễm bệnh cần tuyệt đối không ăn, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch từ Campuchia sang Việt Nam, không buôn bán, vận chuyển ăn gia cầm ốm chết, vì nó rất nguy hiểm, nguy cơ bị lây nhiễm cúm A/H5N1.

Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, cần cách ly tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu trang y tế và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.