Bệnh viện tại Mỹ quá tải
Nhiều nước trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm cúm tăng đột biến thời gian gần đây, trong đó Mỹ trải qua dịch cúm mùa tồi tệ nhất trong 15 năm qua, còn Thái Lan đã có gần 100.000 người mắc.
Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát dịch cúm nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19. Một số bệnh viện ở bang Bangalore, miền Nam Ấn Độ, báo cáo số ca mắc nhiễm trùng hô hấp trong tháng 1 tăng 20% so với năm ngoái.
Mỹ cũng đang trải qua dịch cúm tồi tệ nhất trong 15 năm qua và số ca mắc chưa có dấu hiệu giảm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Mùa cúm năm nay, nước Mỹ đã báo cáo ít nhất 24 triệu ca bệnh, 310.000 ca nhập viện và 13.000 ca tử vong. Số ca tử vong do mắc cúm hàng tuần tại Mỹ đã vượt qua số người chết vì nhiễm Covid-19 vào tháng 3/2020.
Theo báo cáo của CDC, trong tuần tính đến ngày 25/1, gần 1,7% tổng số ca tử vong trên toàn quốc được ghi nhận do nhiễm cúm, cao hơn mức 1,5% số người không qua khỏi vì mắc Covid-19.
Tiến sĩ Ryan Maves, chuyên gia về chăm sóc tích cực tại Trường Y Wake Forest, nói với đài CNN rằng mức độ nghiêm trọng của mùa cúm năm nay khiến ông liên tưởng đến đại dịch cúm năm 2009, khi virus H1N1 xuất hiện tại Mexico và nhanh chóng lây lan khắp thế giới.
"Về số lượng bệnh nhân nhập viện, bệnh viện đang chật kín. Chúng tôi chưa phải đưa bệnh nhân ra bãi đỗ xe, nhưng tình trạng quá tải là rõ ràng. Đồng thời, xuất hiện nhiều trường hợp hiếm gặp trong vài năm trở lại đây, chẳng hạn bệnh nhân trưởng thành cần hỗ trợ ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể)” chuyên gia Maves lưu ý thêm.
Tiến sĩ Buddy Creech, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết: "Tại Mỹ, cứ vài năm một lần, lại xuất hiện một chủng cúm đặc biệt khó kiểm soát".
Năm nay, hai chủng cúm A - H1N1 và H3N2 - đang gây ra tình trạng dịch cúm nghiêm trọng. Điều bất thường là cả hai xuất hiện với tỷ lệ gần như ngang nhau.
Trong khi đó, tại Nhật Bản - nơi “đại S” Từ Hy Viên qua đời sau khi mắc cúm mùa, cúm A H1N1 đang hoạt động mạnh mẽ nhất sau 25 năm. Bộ Y tế nước này ghi nhận khoảng 9,5 triệu ca cúm từ tháng 9/2024 đến cuối tháng 1 năm nay. Các khu vực đông dân như Tokyo, Osaka và Fukuoka bị ảnh hưởng nặng nề.
Bộ Y tế công cộng Thái Lan hôm 17/2 cảnh báo, dịch cúm đang lây lan nhanh chóng với 4 tỉnh ở vùng Đông bắc nước này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin, số ca nhiễm đang tăng mạnh trong tháng 2 này. Tính đến ngày 15/2, tổng số ca nhiễm đã tăng lên 99.057 ca với 9 trường hợp tử vong.
Số liệu từ Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho thấy, số ca cúm ở Thái Lan đã tăng đều đặn từ khoảng 472.000 ca vào năm 2023 lên 668.000 ca vào năm ngoái. Với đà lây lan hiện tại, số ca cúm năm nay có thể còn cao hơn. Hiện tại, chủng virus chính đang lưu hành tại Thái Lan là H1N1.
Theo Bangkok Post, 4 tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất gồm Nakhon Ratchasima, Surin, Buri Ram và Chaiyaphum, với tổng số khoảng 6.938 bệnh nhân. Hầu hết ca bệnh được phát hiện trong trường học, trong đó trẻ em ở độ tuổi 5-9 tuổi là nhóm dễ mắc bệnh nhất.
“Các nhân viên y tế đang khẩn trương cung cấp vaccine cho các nhóm dễ bị tổng thương, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Những người có triệu chứng cúm nên ở nhà để tránh lây lan virus,” ông Thepsutin khuyến cáo.
Vì sao dịch cúm nghiêm trọng hơn
Giới chuyên gia nhận định có nhiều yếu tố khiến dịch cúm năm nay bùng phát mạnh hơn các năm trước.

Thứ nhất, suy giảm miễn dịch cộng đồng sau nhiều năm thực hiện giãn cách vì Covid-19 đã khiến virus cúm dễ lây lan hơn. Thứ hai, tỷ lệ tiêm vaccine cúm tại nhiều nước vẫn chưa đạt mức tối ưu.
CDC cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine cúm tại Mỹ thấp hơn so với năm 2023. CDC báo cáo, tính đến ngày 30/11/2024, chỉ có hơn một phần ba trẻ em ở Mỹ (khoảng 37%) đã tiêm vaccine cúm, giảm so với mức 43% vào cùng thời điểm năm trước đó.
Thêm vào đó, vaccine có thể ít hiệu quả hơn đối với các chủng cúm mới trong năm nay.
Theo báo cáo của CDC đưa ra hồi tháng 10/2024, hiệu quả của vaccine cúm trong việc ngăn ngừa việc trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện có thể chỉ đạt 39%. Trong khi đó, tỷ lệ này trong năm 2023 đạt tới 61%.
Các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển một loại vaccine cúm hiệu quả hơn. Một loại vắc-xin kích thích các kháng thể chống lại nhiều chủng cúm khác nhau có thể tạo ra một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn, theo các nhà nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
Hiện còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của vaccine với mùa dịch cúm phức tạp năm nay. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần trong những khu vực có nguy cơ cao.