Tháng 10/2023, Tiến sĩ Marcela Uhart - Giám đốc Chương trình Mỹ Latin tại Trung tâm Sức khỏe Động vật Hoang dã Karen C. Drayer thuộc Đại học California cơ sở Davis (Mỹ) đã chứng kiến một cảnh tượng đau lòng tại bãi biển Punta Delgada, Argentina.
Thay vì được nghe những âm thanh hải cẩu voi con gọi mẹ quen thuộc, bãi biển lẫn này "vắng lặng như tờ, và tràn ngập xác chết hải cầu". "Chúng tôi phải chứng kiến cảnh tượng hầu như tất cả hải cẩu voi con đều đã chết, số lượng ước tính lên tới khoảng 18.000 con", tiến sĩ Uhart bàng hoàng nhớ lại.
Không chỉ có hải cẩu voi, vị tiến sĩ còn phải chứng kiến những con chim nhạn - với chiếc mỏ vàng và đầu đen đặc trưng - lảo đảo, co giật trên cát. Cảnh tượng ấy cứ thế lặp đi lặp lại trong những tuần kế tiếp, dọc theo bờ biển. "Cứ như thể chim từ trên trời rơi xuống, chết cả loạt", bà cho biết với đài NPR.
![Xác hải cẩu chết hàng loạt trên bờ biển Punta Delgada (Argentina) tháng 10/2023. Ảnh: Ralph Venstreets/Đại học California cơ sở Davis](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/d2b0aa67-206d-4bfe-b2bf-9f1fc2ebecc1.jpg)
Không cam tâm đứng nhìn những sinh vật tại Punta Delgada phải chết dần chết mòn, tiến sĩ Uhart, đeo găng tay và mặc đồ bảo hộ, bắt tay vào thu thập và nghiên cứu mẫu bệnh phẩm từ những xác động vật. Bà nhanh chóng phát hiện rằng hóa ra, virus cúm gia cầm, chứ không phải một tác nhân bí ẩn nào khác, chính là nguồn cơn cho mọi thảm kịch vừa qua.
Chỉ có điều lần này, nó có thể lây lan từ loài chim này sang loài chim khác, sau đó lây sang động vật có vú biển, từ sư tử biển đến cá heo, và đôi khi lây nhiễm trở lại các loài chim.
"Chim chết vẫn có thể bay"
Virus cúm gia cầm vốn không phải là thứ mới mẻ. Chúng được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc năm 1996 và chủ yếu ảnh hưởng đến các trang trại gia cầm. Trong đó, chủng virus H5N1 là điển hình nhất vì khả năng lây từ gia cầm mắc bệnh sang người, và đã gây ra khoảng 400 ca tử vong trong những thập kỷ qua.
Tuy nhiên, từ năm 2020-2021, một biến thể mới của virus cúm gia cầm đã xuất hiện với khả năng lây lan đáng báo động. Điều khác biệt là chủng virus này đã tiến hóa để cho phép chim hoang dã có thể di cư đủ xa để lây lan sang các quần thể chim khác hoặc động vật có vú trước khi chết.
"Nếu ổ chứa tự nhiên của virus này là một loài động vật khác, chúng ta có thể chỉ thấy nó xuất hiện ở một lục địa nào đó, bởi vì động vật không bơi qua đại dương, cũng như không thể trèo qua các dãy núi", Giáo sư Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ), cho hay. "Chỉ có chim trời là loài động vật duy nhất làm được điều đó".
![Chủng virus cúm gia cầm mới có thể lây lan từ loài chim này sang loài chim khác, sau đó lây sang động vật có vú biển, và đôi khi lây nhiễm trở lại các loài chim. Ảnh: Ralph Venstreets/Đại học California cơ sở Davis](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/bird-flu-1.jpg)
Tiến sĩ Erik Karlsson, Trưởng đơn vị Virus học tại Viện Pasteur Campuchia, mô tả hiện tượng này là "chim chết vẫn có thể bay". Điều đó có nghĩa là chủng virus mới không chỉ tồn tại trong các trang trại gia cầm mà còn có thể tự duy trì trong quần thể chim hoang dã, di chuyển từ đàn này sang đàn khác mà không bị dập tắt.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu cơ chế lây lan chính xác của chủng virus cúm gia cầm mới giữa các động vật. Tiến sĩ Marcela Uhart đặt ra 2 giả thuyết, trong đó giả thuyết đầu tiên là chim ăn xác thối nhiễm virus, sau đó lây lan qua chân hoặc mỏ. Giả thuyết còn lại là khả năng động vật nhiễm bệnh thải virus qua phân vào nguồn nước, từ đó lây sang động vật khác khi uống nước.
Ở Nam Cực cũng không an toàn?
Chủng mới của virus cúm gia cầm hiện đã lan rộng từ khu vực Bắc Mỹ sang Nam Mỹ chỉ trong vòng 6 tháng, gây ra nhiều đợt chết hàng loạt không chỉ ở chim mà còn ở các loài động vật có vú như hải cẩu, hải mã, cá heo và rái cá. Thậm chí, virus này đã xuất hiện ở Nam Cực, gây lo ngại lớn vì đây là khu vực khó nghiên cứu và có nhiều loài động vật đặc hữu.
Ngay cả khi Nam Cực có các nhà nghiên cứu tại thực địa để thu thập mẫu bệnh phẩm, "bạn cũng phải chờ đợi hết tháng này qua tháng khác, cho đến khi những mẫu bệnh phẩm thực sự đến được phòng thí nghiệm, có thể ở tận bán cầu bên kia của Trái Đất", Tiến sĩ Uhart bày tỏ lo ngại. Và, vào thời điểm đó, bà dự đoán virus có lẽ đã lan rộng hơn rất nhiều.
Tác động của chủng virus mới không chỉ giới hạn ở động vật hoang dã. Đầu năm nay, trường hợp tử vong đầu tiên do cúm gia cầm ở người đã được ghi nhận tại bang Louisiana (Mỹ). Phân tích di truyền cho thấy virus có khả năng thay đổi nhanh chóng trong cơ thể người nhiễm. Dù hiện tại chủng virus này chưa dễ dàng lây từ người sang người, nhưng mỗi ca nhiễm ở động vật có vú là một cơ hội để nó tiến hóa và thích nghi hơn với việc lây nhiễm sang người.
![Tiến sĩ Marcela Uhart và cộng sự bắt tay vào thu thập và nghiên cứu mẫu bệnh phẩm từ những xác động vật trên bãi biển Punta Delgada. Ảnh: Ralph Venstreets/Đại học California cơ sở Davis](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/bird-flu-5.jpg)
Theo Tiến sĩ Michelle Wille từ Đại học Melbourne (Australia), không ai biết chính xác có bao nhiêu động vật hoang dã đã chết vì virus này. Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không theo dõi sát sao hành trình của virus trong tự nhiên, con người sẽ không được chuẩn bị tốt để đối phó với đại dịch cúm gia cầm tiềm tàng.
Dù là người đã nghiên cứu virus cúm từ năm 1980, Giáo sư Michael Osterholm vẫn thừa nhận có những ngày ông cảm thấy mình biết về cúm ít hơn cả 10 năm trước, đặc biệt là với cúm gia cầm. "Kể từ khi H5N1 xuất hiện, tôi luôn phải ngủ với một mắt mở", ông thổ lộ.