Cùng chơi với trẻ những năm đầu đời

TS Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nghiên cứu cho thấy, khi cha mẹ dành thời gian chơi các trò chơi với trẻ, chúng sẽ lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc, thông minh, có năng lực và kiên cường.

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi phát triển mạnh với các trò chơi vui tươi thay đổi khi chúng lớn lên.

Đương nhiên cha mẹ lúc nào cũng cần dành thời gian cho con trẻ. Nhưng tại sao chơi lại quan trọng trong vài năm đầu đời của trẻ?

Hơn một triệu kết nối thần kinh mới được tạo ra trong não trong vài năm đầu đời. Những kết nối thần kinh này thông qua hoạt động, đặc biệt là chơi các các trò chơi cùng bố mẹ, làm cho chúng hoạt động hiệu quả hơn. Các quá trình này thực sự xây dựng bộ não và giúp hướng dẫn cách thức hoạt động của bộ não trong phần đời còn lại của đứa trẻ đó.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển mạnh với sự chăm sóc chu đáo. Các tương tác qua lại, trong đó trẻ và người chăm sóc phản ứng và tương tác với nhau theo cách yêu thương, nuôi dưỡng sẽ giúp một bộ não khỏe mạnh và một đứa trẻ hạnh phúc. Để từ đó, những đứa trẻ sẽ có cơ hội tốt hơn để lớn lên thành một người trưởng thành khỏe mạnh, hạnh phúc, có năng lực và thành công.

Khi chơi với trẻ, cha mẹ cần toàn tâm, toàn ý, cất bỏ điện thoại xuống. Sự tương tác hai chiều của cha mẹ và trẻ không nhất thiết phải bình đẳng; chúng ta có thể nói thành câu, trẻ chỉ cần mỉm cười để đáp lại.

Các trò chơi cũng nên phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ: Sơ sinh, từ 6 - 9 tháng tuổi, 9 - 12 tháng…

Trẻ 6 - 9 tháng tuổi đang học cách bắt chước và xây dựng ngôn ngữ. Chúng cũng bắt đầu học chuyển động và khám phá thế giới xung quanh. Ở độ tuổi này, cha mẹ có thể chơi trốn tìm với trẻ bằng cách giấu đồ chơi dưới chăn, sau đó "tìm" chúng hoặc để bé tìm.

Cha mẹ cũng cần có những cuộc trò chuyện qua lại với trẻ. Phần đóng góp của em bé có thể chỉ là âm "ma" hoặc "ba"... Bạn có thể lặp lại âm thanh tương tự hoặc giả vờ rằng em bé của bạn đang nói điều gì đó.

Chơi trò chơi bắt chước: Ví dụ nếu bé lè lưỡi, bạn cũng làm theo. Những đứa trẻ lớn hơn sẽ bắt đầu có thể bắt chước những thứ như vỗ tay hoặc đập mạnh và thích khi người lớn làm điều đó với chúng.

Chơi các trò chơi đơn giản với các đồ vật, chẳng hạn như cho đồ chơi vào thùng và lấy chúng ra, hoặc thả chúng xuống và nói "bùm!".

Trong khoảng thời gian từ 12 - 18 tháng tuổi, trẻ mới biết đi đang đạt được nhiều kỹ năng ngôn ngữ và vận động hơn, đồng thời thích bắt chước. Cha mẹ có thể: Chơi với các khối hình, xây dựng những thứ đơn giản và cùng nhau phá dỡ chúng; chơi trò tưởng tượng với búp bê hoặc thú nhồi bông, hoặc giả vờ gọi điện thoại; chơi một số trò trốn tìm thô sơ, chẳng hạn như giấu mình dưới một tấm chăn bên cạnh em bé.

Cha mẹ có thể cùng trẻ đi chơi và khám phá thế giới. Ngay cả việc đi đến cửa hàng tạp hóa cũng có thể là một cuộc phiêu lưu đối với em bé. Cha mẹ kể lại mọi chuyện. Đừng lo lắng về việc sử dụng những từ mà bé không hiểu; dần dần chúng sẽ làm được, và nghe được nhiều từ khác nhau sẽ tốt cho chúng.

Trẻ lớn hơn, 2 hoặc 3 tuổi, có thể chơi các phiên bản phức tạp hơn của những trò chơi nói trên.

Cha mẹ thường có rất nhiều công việc nên thật bận rộn khi phải chăm sóc và chơi với con trẻ. Tuy nhiên, xin đừng nghĩ nuôi con chỉ cần cho chúng ăn, ngủ… là đủ. Cha mẹ chơi với con cũng là một sự đầu tư cho tương lai của con và là một cách tuyệt vời để xây dựng mối quan hệ với con, khiến cả hai đều vui vẻ.