Củng cố niềm tin của doanh nghiệp FDI
Kinhtedothi- Mức thuế quan đối ứng cao mà Tổng thống Mỹ Trump đưa ra ngày 2/4 đã được hoãn trong vòng 90 ngày. Cần chờ thêm tín hiệu để đánh giá dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định, quyết định đầu tư tại Việt Nam dựa trên triển vọng dài hạn.
Quyết định đầu tư dựa trên các triển vọng kinh tế dài hạn
Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng, động thái đầu tiên của các DN FDI là có thể dừng lại để xem xét. Dù vậy, ông Hùng, cho đến nay, tác động của thuế quan này vẫn chưa được thể hiện vào số liệu FDI.

Việt Nam hiện được nhiều nhà đầu tư đánh giá là điểm đến thuận lợi như chi phí lao động phải chăng, vị trí chiến lược và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh minh hoạ
“Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài luôn lập kế hoạch và ra quyết định dựa trên các triển vọng kinh tế dài hạn, họ thường nhìn về các xu hướng dài hạn hơn là những biến động trước mắt.”- ông Nguyễn Bá Hùng nói thêm.
Theo ông Lê Khánh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam, có rất nhiều lý do dẫn đến quyết định FDI đặt tại Việt Nam. Việt Nam có vị trí rất thuận lợi trong việc giao thương. Khá nhiều DN FDI đã đầu tư nhà máy hàng tỷ USD tại Việt Nam, lập kế hoạch khá dài hạn. Họ không chỉ để phục vụ riêng thị trường Mỹ mà còn cả thị trường châu Á hoặc châu Âu. Trong khi đó châu Á là thị trường ngày càng lớn. Mặt khác, ông Lê Khánh Lâm cho rằng chính sách thuế ở Việt Nam hiện tại đang rất tốt và có nhiều ưu đãi.
“Các DN FDI có thể chần chừ trong việc mở rộng và đầu tư mới nhưng khó xảy ra việc lên kế hoạch đóng cửa, giảm quy mô hoặc có kế hoạch thoái lui thì trong vài tuần gần đây. Ngoài ra, với việc Mỹ vừa ra quyết định hoãn áp thuế 90 ngày để đàm phán, hy vọng việc giữ chân FDI sẽ tiếp tục xu hướng thuận lợi tại Việt Nam”- ông Lâm kỳ vọng.
Trong các cuộc tiếp xúc gần đây với lãnh đạo các Bộ ngành của Việt Nam, các DN quốc tế cũng chia sẻ, về lâu dài, họ vẫn tiếp tục coi Việt Nam là một trong những vị trí chiến lược để mở rộng hệ thống cơ sở sản xuất.
“Việt Nam vẫn đang sở hữu một số điều kiện thuận lợi nổi bật như chi phí lao động phải chăng, vị trí chiến lược (có chung biên giới với Trung Quốc và tiếp cận thị trường ASEAN), các ưu đãi thuận lợi…Với 12 đối tác chiến lược toàn diện và 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới thương mại toàn cầu vững mạnh. Với những lợi thế chiến lược của Việt Nam sẽ đảm bảo lợi thế liên tục trong thương mại toàn cầu”- Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Vietnam cho biết.
“Đối với nhiều DN, Việt Nam là một trung tâm chiến lược, được hỗ trợ bởi khả năng cạnh tranh chi phí, nguồn lao động dồi dào và kết nối chuỗi cung ứng mà khó có thể tái tạo”- ông Dan Martin, cố vấn kinh doanh quốc tế, Công ty Dezan Shira & Associates nói.
"Cuộc khủng hoảng thuế quan lần này là một cú sốc lớn đối với Samsung, nhưng cũng là cơ hội để khẳng định mối quan hệ đối tác thực sự giữa Samsung và Việt Nam. Chúng tôi chờ đợi, kỳ vọng Chính phủ mang kết quả đàm phán tốt đẹp để giải quyết khó khăn cho các DN"- Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Na Ki Hong chia sẻ.
Hy vọng kết quả đàm phán tốt nhất
Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng tương đối nhanh với động thái công bố thuế quan mới của Mỹ. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đã gửi thông tin khẳng định “Cộng đồng DN Mỹ tại Việt Nam ghi nhận và hoan nghênh phản ứng kịp thời và hợp lý của chính phủ Việt Nam trước việc Mỹ công bố áp mức thuế mới”.
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần lãnh đạo và sự thực tế của Tổng Bí thư Tô Lâm khi chủ động đối thoại về một trong những mối quan tâm của phía Mỹ - vấn đề thuế suất đối ứng bằng đề xuất áp mức thuế đối ứng là 0%”- ông Mark Gillin, Chủ tịch AmCham Vietnam bày tỏ.
“Đây là một bước đi đầu tiên quan trọng. Phản ứng từ Tổng thống Trump cũng cho thấy khả năng đối thoại mang tính xây dựng là hoàn toàn có thể và đó cũng là con đường có triển vọng tốt nhất”- ông Mark Gillin nói thêm.
AmCham nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trì hoãn thời điểm có hiệu lực của các mức thuế mới. “Mỹ nên dành thời gian để thảo luận và cân nhắc các đề xuất thực chất, phù hợp với lợi ích của chính mình. Việc thể hiện thiện chí đối thoại thay vì áp đặt ngay lập tức sẽ gửi đi một thông điệp tích cực - rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác với những bên thiện chí”- ông Mark Gillin nói.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam Lê Khánh Lâm - kỳ vọng mức thuế Mỹ áp với Việt Nam chỉ khoảng 10 - 12% là phù hợp.
Hiện nay, hơn 50% sản lượng toàn cầu của Nike đang được sản xuất tại Việt Nam. Với Apple, ít nhất 20% iPad và khoảng 80% thiết bị liên quan đến Apple Watch hiện đang được lắp ráp tại đây.
"Tôi đã phục vụ các công ty Mỹ tìm kiếm nguồn cung ứng từ Việt Nam, có cả Walmart, Target, William Sonoma… Nhiều công ty cũng chiếm tỷ trọng rất quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm cho các cửa hàng không phải trực tiếp từ Mỹ, đang vận hành tại châu Á. 10 - 12% là mức thuế suất tôi kỳ vọng sẽ xảy ra tại Việt Nam và là mức thuế suất hợp lý để ngay cả công ty Mỹ tại Việt Nam cũng vận hành một cách hiệu quả"- ông Lâm nói.
Hiện, nhiều chuyên gia và DN quốc tế "hy vọng Việt Nam có kết quả đàm phán tốt nhất với Mỹ". Đồng thời khuyến nghị, để hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chính sách thuế của Mỹ có nhiều biến động, Việt Nam cần tiếp tục triển khai một số chính sách chiến lược. Các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm các chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư đặc biệt, đã và đang được Việt Nam thực hiện. Chính phủ Việt Nam yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục pháp lý, giảm bớt rào cản hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý đầu tư. Một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi sẽ giúp thu hút nhiều DN FDI hơn. Đó là cải thiện cơ sở hạ tầng và logistics, điều này giúp giảm chi phí vận chuyển, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực; đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao… Cải cách, đó chính là con đường để Việt Nam không chỉ tăng cường thu hút đầu tư, mà còn có thể tăng trưởng mạnh mẽ, đột phá giai đoạn tới.
Trích dẫn
Với khối DN FDI, Nghị quyết 57 giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và cam kết phát triển dài hạn của Việt Nam. Các chính sách về hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và ưu đãi đầu tư sẽ giúp Việt Nam duy trì sức hút trong khu vực. Mặt khác, việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển bền vững cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu, giúp DN FDI hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường kinh doanh minh bạch và hiện đại.

Động lực để diện mạo Thủ đô có bước đột phá
Kinhtedothi - Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hà Nội có những thời cơ mới, vận hội mới để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Gỡ rào cản, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực công
Kinhtedothi - Việt Nam cần ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có chọn lọc, thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế cũng như nhu cầu cụ thể trong khu vực công, tránh chạy theo trào lưu công nghệ, để đảm bảo hiệu quả thực sự và lợi ích công cộng.

Tạo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ trong lĩnh vực đầu tư
Kinhtedothi - Chiều 28/3, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức Hội nghị thông tin về Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong lĩnh vực đầu tư”.