KTĐT - Các cô, các bác ở đây vẫn cúng giao thừa theo giờ Việt Nam. Mùa đông, Đức kém Việt Nam sáu tiếng, tức là họ cúng vào lúc 6h tối. Nhiều người vội về sớm để luộc gà, thổi xôi, thắp hương cho kịp giờ giao thừa như ở quê nhà. (Ngọc Vinh, Ilmenau, Đức)
Những tia nắng giữa tháng một như tạm đẩy lùi cái giá lạnh âm độ của mùa đông ở Ilmenau, giúp kéo dần mùa xuân như xích lại gần hơn chút ít. Tiết trời đã ấm lên, tuyết trên đường đã tan hết, trơ lại những viên đá răm chống trơn trượt được rải ra từ mấy tháng trước. Bên lề đường thi thoảng còn thấy những ụ tuyết già trơ trơ không chịu tan, rắn như đống vữa khô ở các công trường xây dựng. Đám cỏ già dập úa mấy hôm trước sâm sấp nước tuyết tan giờ đã ngóc đầu xanh dần trở lại.
Còn mấy ngày nữa là đến Tết ở nhà, chắc không khí đón Tết đã nhộn nhịp khắp phố phường rồi, khác hẳn khung cảnh ảm đạm nơi đây mặc dù đã khá hơn hồi trước khi tuyết tan. Tôi còn nhớ lắm những buổi thả cá chép ở hồ Thủ Lệ dịp ông Công ông Táo, những đêm giao thừa đi xe máy lang thang khắp phố phường Hà Nội, hít thở không khí năm mới đang đến rất gần, ngắm nhìn pháo bông rực rỡ bên hồ Ngọc Khánh phút giao thừa, bẻ chút cành lộc về cho mẹ lấy may, xông đất mấy bác hàng xóm nhận tiền lì xì.
Đối với tôi Tết là thế, là những dịp ngồi xem bố mẹ gói bánh chưng trên tầng thượng, hay trông nồi bánh chưng sôi lục sục trên lò than tổ ong ba lõi cùng anh chị lúc nửa đêm. Rồi bữa cơm tất niên, mồng một tràn tiếng cười hạnh phúc bên gia đình. Mồng ba mồng bốn bạn bè rủ đi chơi chúc Tết loanh quanh. Biết bao ký ức, kỷ niệm cứ ùa về mỗi dịp giáp tết xa quê này. Ba năm không phải là dài, nhưng nói ba cái Tết xa gia đình sao mà nó lâu và dài đằng đẵng như thế.
Còn nhớ cái Tết đầu tiên một mình xa nhà trong ký túc xá, chả có gì ngoài con gà già luộc khô quắt và hai chai bia ướp lạnh. Ngồi ăn cái Tết đạm bạc thui thủi một mình, tôi thả hồn vào chương trình VTV4 phát sóng trên Internet để vay mượn chút cái hân hoan, nhộn nhịp từ quê nhà qua những bản tin đêm giao thừa. Vậy là cái Tết nhứ nhất trôi qua thật chóng vánh với một con gà và hai chai bia không để lại ấn tượng gì.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cái Tết thứ hai chợt đến cùng với mùa thi học kỳ, trong khi những cây thông trước sân ký túc xá vẫn chưa chịu rũ bỏ đi chiếc áo bông trên mình làm bằng tuyết trắng. Chính vì thế mà hình ảnh cây thông trắng đã dần đi vào câu đối tết của anh em sinh viên nơi đây:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây thông, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Cây thông có, pháo có, bánh chưng sẽ có. Một cái tết vui vẻ ấm cúng bắt đầu từ buổi gói bánh chưng bên nhà anh Long. Đúng là giờ bên tây cái gì cũng sẵn, lá dong, dây lạt, đỗ xanh, chả thiếu thứ gì, chả còn gì ngăn cản anh em "gói" nên cái Tết quê nhà mặc dù đang trên "sân khách":
Bánh chưng anh gói, em xem,
Hương vị ngày tết ngập tràn phố Ilm.
Từ "anh" thực ra là chỉ anh Đông, người duy nhất biết gói bánh chưng, còn "em" là đại đa số anh em sinh viên lóng ngóng ngồi xem tập gói theo. Vừa gói vừa bật Youtube xem các nghệ nhân gói làm mẫu. Sản phẩm đầu tiên thường là những cái bánh ngộ nghĩnh, không ngược lá thì cũng bị bục do lá mỏng. Ai cũng vui vẻ cười đùa mải miết tập gói, điều mà nhiều bạn chưa từng trải nghiệm vì từ trước tới nay toàn ăn bánh chưng đặt sẵn. Lại có cả trường hợp, một cô bạn sinh viên sang Đức từ hồi nhỏ, hồn nhiên gọi dây lạt thành dây "nạt", khiến anh em không ai nhịn nổi cười. Sau buổi gói bánh chưng hôm đó là đến lúc phân công làm cỗ tết. Mỗi khu nhà được phân công làm một món. Nhóm làm nem, nhóm nấu canh măng, nhóm thì xào thịt bò, đồ xôi. Nói chung là những món ăn truyền thống cho ngày Tết. Năm đó chúng tôi ăn Tết sớm một tuần, cái Tết thứ hai xa nhà nhưng thật đầm ấm tình thân bạn bè.
Một tuần sau tôi có dịp theo chân thằng bạn đến ăn Tết với gia đình ông anh họ của nó ở phố huyện Stadtilm, cách nơi tôi ở 40 phút đi tầu và vài chục phút đi bộ. Đó là cái Tết của một gia đình người Việt ở Stadtilm nhưng có lẽ nó cũng giống như bao cái Tết của những gia đình người Việt khác đang sinh sống trên nước Đức này. Theo lời của chị Quang, vợ anh họ thằng bạn tôi, kể: tết năm nào mà rơi vào cuối tuần thì thật vui chứ rơi vào ngày thường thì chỉ có thể thắp hương cúng cụ qua loa thôi rồi đợi đến cuối tuần mới tập trung bạn bè ăn Tết bù.
Có một điều hay là các cô các bác ở đây vẫn cúng giao thừa theo giờ Việt Nam. Mùa đông thì Đức kém Việt Nam sáu tiếng, tức là họ cúng giao thừa vào lúc sáu giờ tối theo giờ địa phương. Nhiều người đi làm vội về sớm để luộc gà, thổi xôi, thắp hương cho kịp giờ giao thừa như ở quê nhà. Hôm đó nhìn thấy con gà cúng còn nguyên con, đầu mỏ ngậm trái ớt trên bàn thờ, tôi lấy rất làm ngạc nhiên, vì siêu thị chỉ toàn bán gà non hoặc gà già làm sẵn đã chặt đầu chặt chân. Hỏi ra mới hay, anh Sinh, chồng chị Quang, và ông bạn đã phóng xe đến tận các trang trại chăn nuôi để bắt gà. Mấy con gà đẻ này thường nhập từ Pháp, mỗi con mới xấp xỉ hơn cân, thịt ăn rất thơm ngon không thua kém gì gà ta.
Ngoài gà ra còn có giò lụa, giò thủ, nem rán, canh măng, xôi gấc, thôi thì chả thiếu thứ gì. Nói đến giò thủ thì cũng cả là sự sáng tạo nhanh nhẹn, những cây giò không được gói bọc bằng lá chuối mà là từ các chai nước khoáng thuôn dài cắt đầu. Ăn xong bữa cơm tất niên, chúng tôi còn bị "nhồi" thêm món bánh trôi tàu đến là ngon, nhưng mà đã no quá rồi.
Khi viết những dòng này thì tuyết đang rơi trở lại, mùa xuân vẫn chưa đến Ilmenau nhưng chắc hẳn mùa xuân đã đang về trong lòng mỗi người Việt xa quê trên nước Đức này. Hương vị Tết ở quê nhà có thể là ở cành đào, cây quất bình hoa hay mâm ngũ quả. Còn đối với sinh viên du học chúng tôi thì đó là cái lịch, kế hoạch chuẩn bị cho buổi đón Tết Nguyên Đán cuối tuần tới. Nhưng có một điểm giống nhau là dù ở đâu thì những người Việt đều cảm thấy bồi hồi khi chờ đón thời khắc giao thừa, mong ước cho cuộc sống nhiều niềm vui, chúc cho nhau sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng.