Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến dầu Nga - Saudi liệu có bùng phát trở lại sau thỏa thuận của OPEC+?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Moscow và Riyadh gạt bỏ được bất đồng và những toan tính riêng để đạt sự đồng thuận trong việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ có ý nghĩa “sống còn” đối với nhiều quốc gia trong và ngoài OPEC.

Nga - Saudi chấp nhận một bước lùi
Đúng như kỳ vọng của thị trường và các nhà đầu tư, sau hơn 5 tuần căng thẳng trong cuộc đấu giành thị phần, Ả Rập Saudi và Nga, hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, hôm 12/4 đã đạt được thỏa thuận cắt giảm nhiều chưa từng có trong  lịch sử: 9,7 triệu thùng dầu/ngày, qua đó mở ra hy vọng giá dầu thế giới sẽ sớm phục hồi trở lại sau khi lao dốc về mức đáy kể từ năm 2002.
 Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Quốc vương Ả Rập Saudi Salman tại cuộc gặp hồi năm 2017.
Đây là kết quả sau một tuần đàm phán căng thẳng và hơn 1 tháng vận động “con thoi” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với những cú điện đàm riêng với tổng thống Nga Vladimar Putin, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman, với G20 vả cả Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador.
Theo thỏa thuận cuối cùng, nhóm OPEC+ nhất trí giảm gần 10 triệu thùng dầu/ngày từ đầu tháng 5 đến tháng 6/2020 để cân bằng nguồn cung - cầu dẩu mỏ. Mức cắt giảm nguồn cung sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 7 đến cuối năm 2020 và giảm tiếp 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.
Đặc biệt Ả Rập Saudi sẽ duy trì sản lượng ở mức 8,5 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ năm 2011, sau khi bất ngờ nâng sản lượng lên mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày như một biện pháp trả đũa với Nga.
Đây có thể xem là một sự nhượng bộ đáng kể của phía Riyadh và cũng là một sự lùi bước của tổng thống Nga Vladimir Putin. Về cơ bản, kết quả lần này không khác gì mấy so với nội dung đã được các bên bàn thảo trong cuộc họp thất bại của OPEC+ hồi đầu tháng 3, khi đó Nga không chấp thuận tăng cường cắt giảm sản lượng, khiến Ả Rập Saudi “khơi mào”  cuộc chiến dầu khí khi thông báo tăng tối đa sản lượng và giảm mạnh giá dầu, khiến giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng vào cuối tháng 3.
Quyết định hợp tác trở lại cho thấy sự nhượng bộ của cả hai ông lớn dầu khí. Nó cũng cho thấy cú giảm sốc xuống 20 USD/thùng của giá dầu trong một thời gian rất ngắn đã thay đổi thái độ của cả hai nước, vốn có nền kinh tế phụ thuộc chính vào dầu mỏ. Mặc dù có giá thành sản xuất dầu rất thấp nhưng Ả Rập Saudi có lẽ cũng không dám "chơi tới bến" với Nga.
Hơn thế, Ả Rập Saudi là đồng minh của Mỹ và đương nhiên không thể bỏ qua thái độ của Nhà Trắng, nhất là khi ông Trump đã có những cuộc gọi trực tiếp và cần sự hỗ trợ để tránh một thảm họa cho ngành năng lượng trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Bên cạnh đó, sự thỏa hiệp giữa nhà sản xuất dầu lớn thứ hai và thứ ba thế giới thu hút sự quan tâm trên thị trường bởi đây là lần đầu tiên, các nền kinh tế lớn như Đức và Nhật Bản lên tiếng ủng hộ quyết định của 23 nước tham gia OPEC+. Trong quá khứ, các thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu mỏ chỉ nhận được sự chú ý từ các quốc gia sản xuất “vàng đen”.
Cạnh tranh gay gắt
Giới quan sát nhận định rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng vừa đạt được hôm 12/4 mới chỉ tạm dừng căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Nga, nhưng cuộc chiến giành thị phần toàn cầu của hai quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Bloomberg nhận định cạnh tranh khốc liệt chính là nguyên nhân tại sao Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo của OPEC, hồi giữa tháng này lại giảm giá bán chính thức cho khách hàng châu Á trong tháng 5 tới nhiều hơn dự kiến.
Theo Bloomberg, so với tháng trước, công ty dầu mỏ Saudi Aramco của vương quốc dầu mỏ đã giảm giá bán chính thức của sản phẩm dầu thô Arab Light giao tháng 5 cho khách hàng châu Á thêm 4,2 USD/thùng, cao hơn mức giảm dự kiến trước đó là 3,63 USD/thùng. Động thái mới nhất này vẫn được Riyadh thực hiện dù đã đạt được thỏa thuận giảm sản lượng với các nhà sản xuất trong liên minh OPEC+ nhằm hỗ trợ giá dầu.
Các sản phẩm dầu thô như Urals của Nga, Mars của Mỹ và một số loại khác của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã được chào mời cho khách hàng với nhiều ưu đãi như thanh toán khi giao hàng, ngày nhận hàng linh hoạt trong bối cảnh thương gia cố gắng chuyển các siêu tàu chứa đầy dầu thô chưa bán được đến thị trường châu Á.
Chiến lược gia Michael Hsuel tại ngân hàng Deutsche Bank AG, nhận định rằng mức giá chào bán mới nhất của Ả Rập Saudi cho thấy thị trường dầu mỏ vẫn còn nguy cơ mất kiểm soát nghiêm trọng. "Điều đó cho thấy cuộc chiến giá dầu sẽ thúc đẩy thương nhân xuất khẩu một phần dầu thô chưa bán được đến thị trường châu Á", ông Hsuel lưu ý thêm.
 OPEC+ hôm 12/4 đạt được thỏa thuận cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng dầu/ngày.
Trên thực tế, giá dầu chưa phục hồi nhiều, thậm chí tiếp tục sụt thê thảm  sau quyết định mới nhất của OPEC+ do thị trường vẫn đang chịu tác động nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19. Trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI đã hết hạn vào cuối phiên ngày 20/4. Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục của giá dầu này kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983. Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 6 sụt 4,60 USD (tương đương 18,3%) xuống 20,03 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 6 cũng lùi 2,51 USD (9%), xuống còn 25,57 USD/thùng. 
Giới phân tích cho rằng quyết định cắt giảm sản xuất được OPEC+ đưa ra quá muộn và chưa đủ để bù đắp nhu cầu sụt giảm hơn 1/3 do hàng loạt nước siết chặt hoạt động đi lại để ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan. “Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sụt giảm khoảng 25-35 triệu thùng/ngày, gấp 3,5 lần so với mức cắt giảm của nhóm OPEC+. Điều này có nghĩa là động thái cắt giảm sản xuất của liên minh dầu nếu được thực thi đầy đủ, cũng chỉ là “liều thuốc giảm đau” tạm thời cho giá dầu, tình trạng dư thừa nguồn cung dầu vẫn chưa thể chấm dứt trong quý II” - chuyên gia hàng hóa Caroline Bain của Capital Economics cho biết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Bain, thị trường năng lượng sẽ cân bằng hơn trong nửa cuối năm nay nếu các nước khôi phục hoạt động kinh tế và sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sụt giảm đáng kể.
Việc cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng/ngày cho đến nay chưa chứng minh được hiệu quả tích cực trên thị trường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng thất bại trong việc tái cân bằng cung cầu thị trường dầu mỏ sẽ làm lan rộng nỗi sợ hãi trong một ngành công nghiệp vốn đã phải vật lộn để thích ứng với thực trạng giá “vàng đen” lao dốc hơn 50% kể từ đầu năm.
Không chỉ các cơ sở sản xuất truyền thống, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ cũng đang phải đối mặt với các vụ phá sản trên diện rộng, trong khi cả ngành công nghiệp rộng lớn đối mặt nguy cơ buộc phải ngừng hoạt động sản xuất. Điều này có thể gây thiệt hại lâu dài bởi nguồn dầu dự trữ được dự đoán sẽ tràn ngập trên toàn cầu trong vòng vài tháng tới.
Điều quan trọng nhất đối với thị trường dầu mỏ là chờ xem các nước sẽ cụ thể hóa được thỏa thuận này như thế nào, nhất là lộ trình thực hiện và chế tài nếu có nước vi phạm. Các thỏa thuận trước đây của OPEC+ đã cho thấy việc đạt được thỏa thuận đã khó, việc thực hiện lại càng khó khăn hơn khi nước nào cũng muốn bán ra nhiều dầu, đồng nghĩa với việc có thêm ngoại tệ, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.