Sống vui, khỏe, có ích nhờ lương hưu
Tham gia BHXH bắt buộc được gần 12 năm, vừa qua, bà Hà Thị Thúy (58 tuổi, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) quyết định đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho hơn 8 năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí. Bà Thúy chia sẻ, bà biết tới chính sách BHXH tự nguyện thông qua phường, từ những tờ rơi của cơ quan BHXH.
“Tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện hiện nay rất đa dạng, ưu việt, có nhiều lợi ích, với các mức đóng khác nhau, tùy theo thu nhập của mỗi người. Tôi nghĩ, sau khi về hưu mình sẽ được một khoản tiền (lương hưu) cố định hàng tháng.
Hơn nữa, khi đi khám chữa bệnh, tôi lại có bảo hiểm y tế (BHYT), không phải phụ thuộc vào con cháu. Thế nên, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện 1 lần, với mức đóng 5 triệu đồng/tháng.
Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã ra một quyết định nhân văn rất hoàn thiện, tạo cơ hội cho người dân được tham gia BHXH, được hưởng lương hưu, để khi về già, khoản lương hưu này giúp ích rất nhiều, từ các chi phí sinh hoạt của bản thân mình, không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Cũng chính vì lý do đó, tôi quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho con gái mình” – bà Thúy cho hay.
Vui mừng về quyết định chính xác của mình, bà còn vui hơn khi lần nhận lương hưu đầu tiên trong tháng 8/2023 lại trùng với lần chi trả theo mức mới.
Bà Thúy bày tỏ: “Có đợt lương hưu mới qua hình thức nhận tiền qua thẻ ATM, tôi rất mong ngóng xem lương của tôi tăng được bao nhiêu phần trăm, tăng được bao nhiêu tiền. Tôi rất phấn khởi. Bởi với người cao tuổi như tôi thêm được đồng lương hưu nào hay đồng đó, giúp cuộc sống ngày càng được nâng cao”.
Tương tư, ông Nguyễn Đức Sản (trú tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, bản thân ông đã tham gia BHXH tự nguyện đã được gần 16 năm. Nay chỉ còn thiếu gần 4 năm nữa là ông được hưởng chế độ hưu trí. Nhận thấy lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, cuộc sống đỡ vất vả phần nào nên ông Sản đã vận động cả gia đình tham gia BHXH và BHYT hộ gia đình.
“Trước đó, tôi được hưởng mức lương hưu hơn 1,8 triệu đồng, sau khi lương tăng theo Nghị định 42, tôi được lĩnh lương mới hơn 2 triệu đồng. Tăng lương hưu là một chính sách tốt, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tôi rất vui khi lương tăng, điều đó thể hiện sự quan tâm, động viên đúng lúc, kịp thời của Đảng và Nhà nước khi nền kinh tế đang khó khăn, nhất là với những người cao tuổi” – ông Sản xúc động chia sẻ.
Ông Sản đề xuất cơ quan BHXH cần đẩy mạnh tuyên truyền, đi sâu, đi sát vào từng thôn, từng xóm để người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.
Phó Giám đốc BHXH quận Bắc Từ Liêm Đỗ Quang Đạo cho biết, hiện nay, việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH của quận thực hiện qua đơn vị dịch vụ là cơ quan Bưu điện, quận Bắc từ Liêm do Bưu điện Trung tâm 4 thực hiện. Các kỳ chi trả hằng tháng, BHXH quận đều cử viên chức quản lý phường giám sát quá trình chi trả cho người hưởng, kịp thời tiếp nhận, xử lý hoặc phản ánh với BHXH Hà Nội, các vướng mắc phát sinh trong quá trình chi trả.
Tháng 8/2023, BHXH quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Bưu điện Trung tâm 4, UBND 13 phường thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho 20.706 người với số tiền hơn 145 tỷ đồng/tháng. Trong đó, chi tiền mặt cho 12.002 người với số tiền là hơn 74 tỷ đồng/tháng; chi qua ATM cho 8.704 người với số tiền hơn 71 tỷ đồng/tháng.
Trong 20.706 người hưởng lương hưu trên địa bàn quận, có 5.477 người hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước; nguồn quỹ BHXH là 14.884 người; nguồn quỹ BHXH tự nguyện là 345 người tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Cũng theo ông Đạo, thời gian qua, để gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH quận đã tích cực tuyên truyền dưới nhiều hình thức theo kịch bản truyền thông đã xây dựng theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH Hà Nội.
Từ đầu năm đến nay, BHXH quận phối hợp Bưu điện Trung tâm 4 tổ chức 2 lễ ra quân tuyên truyền về BHXH, BHYT. Phát tờ rơi về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến các tổ dân phố trên địa bàn 13 phường khoảng 15.000 tờ rơi từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, BHXH quận phối hợp với UBND các phường phát thanh khoảng 1.500 lượt trên Đài phát thanh các phường về “Những điều cân biết về BHXH tự nguyện”; “Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình”; “ Những điều cần biết về BHYT học sinh sinh viên”...
Tuyên truyền cổ động thông qua 227 băng zôn, áp phích vào các ngày thành lập BHXH 16/2; ngày BHYT 1/7 .... trên các trục đường chính của quận, các trạm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh; phối hợp các nhóm tư vấn trực tiếp tại các khu nhà ở, chợ và hộ gia đình thông qua tư vấn 1/1…
Đặc biệt, cơ quan BHXH đã phối hợp với tổ chức dịch vụ thu tổ chức hội nghị khách hàng để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
BHXH Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 7, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 1,98 triệu người, đạt 93,76% kế hoạch, chiếm 42,1% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Số người tham gia BHXH tự nguyện là 76.811 người, đạt 78,79% kế hoạch, chiếm 1,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT là 7,76 triệu người, đạt 97,98% kế hoạch, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,2% dân số.
Thời gian qua, BHXH TP Hà Nội luôn chú trọng mở rộng và phát triển tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT- là cánh tay đắc lực của cơ quan BHXH trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Đặc biệt, những năm qua, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Để mở rộng “lưới” an sinh, các tổ chức hội, đoàn thể, cơ sở tích cực vào cuộc, đến từng nhà, vận động từng người tham gia các chính sách.
Với BHXH tự nguyện, Hà Nội hiện là địa phương hỗ trợ mức đóng cho người tham gia cao nhất cả nước, gấp 2 lần so với quy định chung (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 60%; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%, các trường hợp khác được hỗ trợ 20%).
Theo hướng này, năm 2022, Hà Nội hỗ trợ thêm cho 44.635 người tham gia với số tiền 8,2 tỷ đồng từ ngân sách TP. Về BHYT hộ gia đình, Hà Nội hiện có hơn 1,54 triệu người tham gia, bằng gần 20% tổng số người tham gia BHYT của TP.
Giám đốc BHXH Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, phấn đấu đến cuối năm 2023, số người tham gia BHXH tự nguyện ở Hà Nội đạt 2% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT hộ gia đình đạt hơn 20% tổng số người tham gia BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, thực hiện Nghị định 42 của CP, tổng số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đợt tháng 8/2023 là khoảng gần 21.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 18.600 tỷ đồng chi trả theo mức hưởng mới của tháng 8/2023 và hơn 2.100 tỷ đồng chi trả phần chênh lệch tăng thêm chưa lĩnh của tháng 7/2023 cho người hưởng.
Việc chi trả này được áp dụng đối với cả 2 hình thức nhận tiền qua thẻ ATM và nhận tiền mặt tại Bưu điện. Nhận mức chi trả cao hơn so với trước đây, người cao tuổi thụ hưởng bày tỏ rất phấn khởi. Từ tháng 9/2023 trở đi, cơ quan BHXH thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp hằng tháng theo lịch cũ thường kỳ như tháng 7/2023.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chiến lược. BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các địa phương thường xuyên trao đổi, học hỏi các mô hình, cách làm hay để áp dụng vào địa phương mình.
BHXH tự nguyện là chính sách xã hội quan trọng, đã mang đến cơ hội cho hàng chục triệu người dân, lao động tự do được đảm bảo về an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Rủi ro, ốm đau, bệnh tật và mất sức lao động không trừ một ai, do đó tham gia BHXH tự nguyện là cách để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.
Người dân tham gia BHXH tự nguyện để “tích lũy khi trẻ, an khỏe khi già” đồng thời chung tay với chính quyền địa phương cùng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Với ý nghĩa nhân văn và lợi ích thiết thực này, chính sách BHXH tự nguyện đang dần trở thành sự lựa chọn tối ưu với người lao động tự do.