Giảm 10 - 20%
Sau khi giá xăng, dầu liên tiếp giảm, Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các DN kinh doanh vận tải rà soát chi phí đầu vào, kê khai giảm giá cước; lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định. Từ ngày 20/8, Công ty CP Xe khách Hà Nội cũng triển khai giảm giá trên hàng loạt tuyến buýt kế cận và xe khách liên tỉnh.
Cụ thể, tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Quế Võ (Bắc Ninh) áp dụng mức giá 55.000 đồng/vé, giảm 5.000 đồng (tương đương giảm 8,3%); tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bắc Giang áp dụng mức giá 85.000 đồng/vé, giảm 5.000 đồng (5,6%); tuyến Bến xe Mỹ Đình - Lạng Sơn và Bến xe Mỹ Đình - Bãi Cháy (Quảng Ninh) cùng có mức giá 110.000 đồng/vé, giảm 10.000 đồng (8,3%).
Tương tự, nhiều hãng taxi đã đồng loạt giảm giá. Ông Nguyễn Anh Quân - Tổng Giám đốc G7 taxi cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ, báo cáo việc điều chỉnh giá cước sau khi giá xăng dầu liên tục giảm sâu. Từ ngày 22/8, giá cước taxi của hãng đã được giảm từ 5 - 15% cho tùy từng loại xe”.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, đối với loại hình có tính cạnh tranh cao như taxi, xe khách… việc giảm cước được thực hiện nhanh chóng hơn. Các hiệp hội ngành nghề cũng có vai trò rất tích cực trong việc kêu gọi DN giảm cước ngay khi giá nhiên liệu hạ nhiệt.
Trong khi đó, cước vận tải hàng hóa lại giảm khá chậm. Ông Đỗ Văn Mão - Giám đốc Công ty vận tải Hương Bổng cho biết: “Trước thực tế giá xăng dầu liên tục có những điều chỉnh, DN đã có những cân đối, điều chỉnh giá cước vận tải. Cụ thể, từ ngày 25/8, chúng tôi đã điều chỉnh giảm giá cước từ 10 - 15% tùy theo loại xe và cung đường vận chuyển”.
Theo vị giám đốc này, DN đã điều chỉnh giảm giá cước 2 lần trong tháng 8, đến nay tổng mức giảm đã gần 20%. Việc điều chỉnh giá cước, nhằm góp sức cùng hạ nhiệt giá cả hàng hóa trên thị trường.
Ông Mão lấy ví dụ, trước đây, một chuyến xi măng vận chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội mất khoảng 3,5 triệu đồng tiền cước, thời điểm giá xăng tăng cao, chi phí này tăng lên 5 triệu đồng. Sau nhiều đợt giảm giá xăng dầu, đến nay, chi phí vận chuyển cho cùng quãng đường hết khoảng 4,5 triệu đồng, giảm khoảng 10% so với thời điểm gần đây.
Đón đầu biến động
Động thái giảm cước của các DN kinh doanh vận tải cả trên lĩnh vực hàng hóa lẫn hành khách nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế điều chỉnh cước vận tải vẫn còn khá chậm, không tương đồng với biến động giá nhiên liệu.
Trên thực tế khi giá nhiên liệu tăng, DN vận tải xin tăng cước nhưng khi xăng dầu giảm, có đơn vị cho rằng do thủ tục điều chỉnh phức tạp nên kê khai giảm cước chậm trễ. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, một số đơn vị vận tải kê khai giảm cước Sở GTVT Hà Nội nhưng một số khác lại kê khai tại địa phương nên nhiều trường hợp phải có thời gian đốc thúc mới giảm cước.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng: “Xăng dầu đang chiếm khoảng 30 - 40% chi phí đầu vào của vận tải, mỗi hai tuần sẽ do cơ quan quản lý giá thực hiện điều chỉnh. Nhưng cước vận tải lại liên quan đến nhiều thủ tục khác, kê khai với nhiều đơn vị nên khó mà theo kịp dao động của giá xăng dầu. Đó là vấn đề cần xem xét lại”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có một cơ quan quản lý tập trung cước vận tải, đưa ra những khung biến động cước phù hợp cho từng giai đoạn, song hành với giá xăng dầu để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ.
Trao đổi về vấn đề này, TS kinh tế Trần Đức Dương cho rằng, đối với các DN chạy xe hợp đồng thuê nguyên chuyến chạy từng cuốc, giá cước có thể được điều chỉnh giảm ngay tùy vào thỏa thuận giữa nhà xe và khách hàng. Tuy nhiên, đối với taxi, xe chạy tuyến cố định, chạy liên tỉnh thuộc đối tượng phải kê khai và niêm yết giá thì khi muốn điều chỉnh tăng/giảm giá vé, DN phải tự kê khai, gửi hồ sơ đến Sở Tài chính, Sở GTVT; khi hồ sơ hoàn tất, DN gửi cho bến xe để hỗ trợ niêm yết, công khai.
Nhiều chuyên gia chung nhận định, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra đối với những DN vận tải cố tình chây ì không giảm giá cước khi giá xăng, dầu giảm sâu. Tuy nhiên, việc tăng, giảm giá cước vận tải theo giá xăng, dầu chỉ là giải pháp nhất thời. Để khách hàng được đảm bảo quyền lợi, DN có thể yên tâm hoạt động kinh doanh, điều cốt yếu là giá xăng, dầu phải được ổn định.
Để hài hòa giữa lợi ích của DN cũng như người dân sử dụng dịch vụ, trước mỗi kỳ biến động giá nhiên liệu, DN vận tải sẽ phải nghe ngóng thêm để đánh giá xu hướng biến động và cung - cầu của thị trường để đưa ra quyết định điều chỉnh giá cước sao cho phù hợp.
TS Trần Đức Dương