Cước vận tải rục rịch... “bò” xuống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cước vận tải, đặc biệt là cước taxi đã bắt đầu giảm, nhưng mức giảm khiến người ta có cảm giác như nó đang khó nhọc “bò” xuống dần từng chút một thay vì lao vùn vụt như lúc tăng lên.

300 đồng cũng là giảm!

Từ đầu năm 2016, nhiều DN vận tải hành khách liên tỉnh đã bắt đầu giảm cước, mức giảm tương đương từ 1 - 10%; nhưng mức giảm cho tuyến ngắn hầu như không đáng kể. Ví dụ tuyến Mỹ Đình - Lai Châu giảm 30.000 đồng/vé nhưng tuyến Hà Nội - Phú Thọ chỉ giảm 1.000 đồng/vé. Dù biên độ giảm chưa thực sự khiến hành khách hài lòng, nhưng ít ra giá cước vận tải hành khách liên tỉnh còn có sự hưởng ứng với giá nhiên liệu. Trong khi đó, giá cước taxi vẫn neo chắc, bất chấp mọi tác động và phản ứng từ thị trường. Phải đến khi các cơ quan chức năng thực sự bắt tay vào cuộc kiểm tra, hối thúc, các hãng taxi mới “đành” rục rịch hạ giá.
Taxi Thanh Nga giảm cước 500 đồng/km từ 27/2.	 Ảnh: Chiến Công
Taxi Thanh Nga giảm cước 500 đồng/km từ 27/2. Ảnh: Chiến Công
Sở GTVT Hà Nội cho biết, chiều 25/2, đã có 41 DN vận tải nộp hồ sơ kê khai giảm giá cước, trong đó có: Mai Linh, ABC, Thanh Nga, Sao Hà Nội, Thủ đô sao, Ba Sao, Sông Hồng…, mức giảm phổ biến từ 300 - 700 đồng/km. Nhưng cũng còn không ít hãng taxi lớn, có ảnh hưởng tới thị trường Hà Nội như: Thành Công, VIC, Group… vẫn “cố thủ” neo giá. Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: “Không thể chấp nhận phương án chỉ giảm cước 300 đồng/km. Khi giá xăng giảm rất mạnh, các DN taxi vin vào lý do này, nguyên nhân kia để “cố thủ”; đến lúc giảm lại giảm quá ít là điều không công bằng cho thị trường và người dân”.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu rơi như diều đứt dây, dư luận xã hội tỏ ra vô cùng bức xúc, các cấp quản lý liên tục hối thúc, cuối cùng giá cước vận tải đã buộc phải nhúc nhích, hạ xuống khỏi đỉnh cao mà nó đã kiên trì cố thủ bấy lâu nay. Tuy nhiên, không quá khi nói rằng giá cước vận tải mới chỉ đang bắt đầu tiến trình “bò” xuống chậm chạp và đầy tiếc nuối.

Đùn đẩy trách nhiệm
Trong các tháng 1, 2/2016 đã có trên 100 DN vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động tại các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa niêm yết giảm giá vé từ 1 - 10%.

Trong Hội nghị diễn ra ngày 22/2 do Bộ GTVT tổ chức, hai vị Chủ tịch các Hiệp hội taxi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đưa ra hàng loạt nguyên cớ cho việc chậm giảm cước. Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình nêu ra các vấn đề: Chờ ý kiến của Sở Tài chính, chờ thay đổi bảng niêm yết, chỉnh đồng hồ, hay “giảm cước người tiêu dùng được hưởng lợi ít nhưng các DN taxi thì sống dở, chết dở vì phí chuyển đổi”. Nếu không muốn nói quá là “vừa ăn cướp vừa la làng” thì chỉ có thể nhìn nhận cách lý giải của ông Bình là “bài ca muôn thuở”, bởi không một hành động nào làm lợi cho người dân, cho xã hội mà lại bị các cơ quan chức năng trì hoãn hay gây khó dễ. Chính Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khi nghiêm khắc yêu cầu các DN taxi giảm cước đã tuyên bố: “Trong lúc chờ kiểm định lại đồng hồ, các hãng sẽ được tạo mọi điều kiện cho niêm yết bảng giá mới, thực hiện giảm cước để phục vụ hành khách”. Đối với khoản phí chuyển đổi của mỗi xe khoảng 500.000 đồng như ông Đỗ Quốc Bình nói, nếu đối chiếu với lợi nhuận các hãng thu về khi giá nhiên liệu giảm đến trên 30% hiện tại thì chỉ như “trăm cây rụng một chiếc lá” mà thôi.

Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ thì nói: “Hãng taxi đã khoán nhiên liệu cho tài xế, nên khi xăng tăng thì tài xế không chạy, xăng xuống thì lái xe được lợi chứ DN không được lợi gì ở việc này”. Không rõ khi phát ngôn điều này ông Hỷ không biết hay cố tình che đậy mối quan hệ kinh tế ngặt nghèo mà các DN taxi áp đặt lên tài xế lâu nay. Một tài xế (xin giấu tên) có xe góp vốn kinh doanh tại hãng taxi Song Mã chi sẻ: “Xe là của mình, công ty không phải trả lương, bảo hiểm tự đóng, mỗi tháng nộp cho công ty nào là: quản lý phí, phí định vị, phí gia hạn hợp đồng hàng năm… Xăng lên hay xuống, có khách hay không vẫn nộp chừng ấy, chẳng bớt được đồng nào”. Mặt khác, không ít tài xế còn phải thuê xe của DN để chạy, doanh thu chia đôi, hoặc nộp tiền thuê cố định trong khi mọi chi phí nhiên liệu, sửa chữa, rủi ro… tài xế tự chịu hết. Vậy, cái lợi mà ông Tạ Long Hỷ đề cập đến thực chất do ai được hưởng?

Việc đồng loạt hạ giá cước theo kiểu đối phó dư luận của các DN vận tải, đặc biệt là các hãng taxi đã vượt quá mức chịu đựng của hành khách cũng như các cơ quan chức năng. Ít ngày qua, nhiều DN như Mai Linh, Song Mã… đã bị xử phạt vì kê khai giảm cước chưa tương xứng, sau động thái mạnh mẽ này, ngày 27/2 giá cước taxi mới bắt đầu rục rịch “bò” xuống. Thực tế này cho thấy, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong công tác kiểm soát giá cước để bảo vệ lợi ích khách hàng, đưa giá cước vận tải về đúng vị trí tương xứng.

Cần biện pháp mạnh với các doanh nghiệp chây ỳ
Chiều 26/2, liên ngành Sở Tài chính, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và xử phạt 30 triệu đồng đối với Công ty CP Mai Linh Đông Đô vì giảm giá cước chưa tương xứng với mức giảm của giá xăng dầu.

Ở một diễn biến khác, trước các ý kiến cho rằng việc xăng dầu giảm giá nhưng DN vận tải chây ỳ điều chỉnh giá cước một phần do cách quản lý giá cước vận tải như hiện nay chưa sát với thực tế, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, đánh giá này là chưa chuẩn xác. Lý do là, thời gian qua, những DN chưa giảm hoặc giảm giá cước chưa tương ứng biến động giá nhiên liệu, cơ quan quản lý Nhà nước đã có những biện pháp điều hành mạnh để yêu cầu đơn vị vận tải giảm giá cước. Đây là biện pháp hành chính cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Theo quy định tại Luật Giá, giá cước vận tải bằng xe ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường. Do tính chất của dịch vụ vận tải ô tô, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô có nghĩa vụ kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá theo quy định.

Để khắc phục hạn chế của cơ chế thị trường, liên Bộ Tài chính - GTVT đang tổng hợp ý kiến các địa phương và cơ quan liên quan đối với dự thảo thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư liên tịch số 152/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/2/2014 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Điểm mới của dự thảo này là góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải như hướng dẫn cụ thể cách thức tiếp nhận văn bản kê khai giá trả lời đơn vị bằng hình thức thư điện tử, đối với trường hợp kê khai giảm giá cho phép thực hiện ngay mức kê khai giảm và tiếp tục tính toán, điều chỉnh nếu có.