Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cao tốc Bắc – Nam, đoạn Hậu Giang - Cà Mau:

Cuối năm 2023 sẽ quyết định thí điểm dùng cát biển làm vật liệu nền

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi quyết định có sử dụng làm vật liệu đắp nền tại cao tốc Bắc – Nam, cát biển sẽ được sử dụng thí điểm tại đoạn Hậu Giang – Cà Mau, thuộc cao tốc Bắc - Nam.

Đây là thông tin vừa được đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp nền cho cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 – 2025), song song với việc đẩy mạnh khai thác các mỏ vật liệu đắp nền truyền thống tại địa phương, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị tham mưu, Ban QLDA Mỹ Thuận nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT cho biết, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, nguồn cát biển tại khu vực ĐBSCL cơ bản đáp ứng nhu cầu về thành phần hạt đắp nền đường. Tuy nhiên, để chắc chắn loại vật liệu đặc biệt này có thể sử dụng để đắp nền cho các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 hay không vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu.

Trước mắt, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với một đoạn tuyến thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả thí điểm sẽ được bổ sung vào nghiên cứu để xem tính phù hợp của cát biển trong vai trò mới này. Nếu phù hợp, Bộ TN&MT sẽ triển khai thủ tục cấp mỏ cho các đơn vị khai thác.

Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT, nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi sớm nhất phải cuối năm 2023 mới cho kết quả.

 

Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ có 4 dự án cao tốc được triển khai, gồm: cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, đoạn Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. Tính toán cho thấy, nhu cầu cát đắp cho 4 dự án này khoảng 47 triệu m3. Trong khi đó, nguồn cát đắp đáp ứng nhu cầu của hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam không nằm ở các địa phương có dự án đi qua mà tập trung chủ yếu ở 4 địa phương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long. Việc nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp nền cho dự án là rất cần thiết.