Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cướp ngân hàng bằng súng, đối tượng đối mặt hình phạt gì?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan vụ cướp ngân hàng ở Bình Dương, theo luật sư, đối tượng thực hiện hành vi sử dụng súng là "hung khí nguy hiểm" đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bảo vệ cùng người dân khống chế đối tượng cướp ngân hàng
Bảo vệ cùng người dân khống chế đối tượng cướp ngân hàng

Dùng súng cướp ngân hàng ở Bình Dương

Công an tỉnh Bình Dương đang tiếp tục lấy lời khai đối tượng dùng súng cướp ngân hàng để điều tra về hành vi "Cướp tài sản". Danh tính kẻ gây ra vụ việc là Nguyễn Tấn Phát (SN 1997, ngụ phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).

Trước đó, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 17/4, nam thanh niên đi đến chi nhánh ngân hàng Sacombank trên Quốc lộ 13, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, người này không giao dịch gì mà nói ngồi đây để chờ bạn. Khi gần hết giờ giao dịch, đối tượng bất ngờ rút khẩu súng rulo tự chế, rồi uy hiếp nhân viên ngân hàng buộc đưa tiền bỏ vào ba lô.

Bảo vệ của ngân hàng đã xông vào vật lộn với kẻ cướp và khống chế. Lực lượng chức năng cũng thu giữ tang vật gồm: khẩu súng dạng ổ xoay (trong ổ không có đạn), ba lô màu đen, bên trong chứa nhiều cọc tiền hơn 700 triệu đồng (chưa kiểm đếm chính xác); túi nylon có chứa 6 viên đạn.

Tại trụ sở công an, Phát khai, mình vay hơn 20 triệu đồng nhưng không có khả năng chi trả. Bản thân và gia đình Phát nhiều lần bị đòi nợ và hăm dọa. Do cần tiền để tiêu xài và trả nợ, Phát nảy sinh ý định thực hiện vụ cướp.

Vụ cướp rất manh động, táo tợn

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp đánh giá, đây là vụ cướp rất manh động, táo tợn khi đối tượng sử dụng vũ khí để tấn công, uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, đối tượng này đã sử dụng vũ khí, đe dọa, uy hiếp tinh thần của nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là hành vi điển hình của tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mặc dù cướp tài sản bất thành những hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật, tội cướp tài sản là tội danh có "cấu thành hình thức", chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa và giá trị tài sản là bao nhiêu.

Theo thông tin ban đầu thì đối tượng này đã sử dụng loại súng côn quay, đe dọa, uy hiếp tinh thần của nhân viên ngân hàng, yêu cầu nhân viên ngân hàng phải đưa một lượng tiền mặt khá lớn nhằm chiếm đoạt thì bị lực lượng bảo vệ khống chế bắt giữ tại hiện trường... Hành vi sử dụng súng là "hung khí nguy hiểm" đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật. Đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Đối mặt tới 20 năm hoặc tù chung thân

Theo luật sư Đặng Văn Cường, với số tài sản định chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng, đối tượng này sẽ  phải đối mặt tới 20 năm hoặc tù chung thân theo khoản 4, Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Theo lời khai ban đầu của đối tượng, chỉ vì nợ số tiền 20 triệu đồng không có khả năng trả, bị nhiều đối tượng đòi nợ đe dọa uy hiếp nên đành làm liều. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nội dung lời khai này để xác định nguyên nhân điều kiện phạm tội, làm rõ những yếu tố thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có đối tượng xúi giục, ép buộc đối tượng này thực hiện hành vi cướp tài sản, đối tượng thực hiện hành vi xúi giục, ép buộc sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân khoản vay này như thế nào, có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay không, có hành vi cưỡng đoạt tài sản hay không để xem xét xử lý đối với các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Dù lời khai của đối tượng này là đúng thì đây cũng không phải là tình tiết để loại sự trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Kể cả trường hợp đối tượng này nợ nần, bị ép buộc trả nợ thì cũng không phải là lý do khiến đối tượng này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là cướp tài sản. Trong những trường hợp bị đòi nợ, bị đe dọa, uy hiếp tinh thần thì con nợ hoàn toàn có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xem xét xử lý về hành vi xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác. Hành vi đòi nợ trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào diễn biến hành vi và hậu quả cụ thể.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguồn gốc khẩu súng mà đối tượng này đã sử dụng để thực hiện hành vi cướp tài sản. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy khẩu súng côn quay thu được trên hiện trường vụ án là loại vũ khí quân dụng thì đối tượng này còn bị xử lý thêm một tội danh khác là tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 Bộ luật Hình sự. Trường hợp đối tượng bị xử lý về nhiều tội danh thì toà án sẽ bị tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt của nhiều tội danh đều là tù có thời hạn thì tổng mức hình phạt là tổng của các tội danh cộng lại nhưng không quá 30 năm tù, trường hợp trong các tội danh có tội danh  bị tòa án tuyên án ở mức cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt mà Bộ luật Hình sự đã quy định.