Cựu binh người H’re mê nhạc cụ truyền thống

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rời chiến trường, ông Đinh Văn Trên trở về quê nhà. Âm thanh của đàn brook, chinh ka-la, sáo ling-la lại réo rắt khắp bản làng. Tình yêu của người cựu binh với nhạc cụ truyền thống người H’re được vun đắp dần theo thời gian và trở nên sâu sắc, gắn bó như máu thịt.

Cẩn thận lần dở từng lớp vải, bà Đinh Thị Quang (làng Gò Deo, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) lấy ra một vật dụng nhỏ, dẹp, chậm rãi ngồi xuống trước hiên nhà sàn rồi thành thạo đưa lên môi thổi. Âm thanh thánh thót trầm bổng vang lên. Ông Đinh Văn Trên - chồng bà Quang ngồi kế bên, say mê lắng nghe.

Bà Đinh Thị Quang chơi đàn môi.
Bà Đinh Thị Quang chơi đàn môi.

“Ngày xưa, thanh niên nam nữ dân tộc H’re đến tuổi trưởng thành dùng đàn môi để tìm hiểu, giao duyên với nhau. Đàn này là ông Quang làm tặng, mình có thương ổng thì nhận, rồi thổi. Từ đó, mà thành vợ thành chồng” - bà Quang kể lại.

Gần 40 năm chung sống dưới một mái nhà, “tín vật tình yêu” vẫn được gìn giữ, thỉnh thoảng bà Quang lại lấy đàn ra thổi. Ông Đinh Văn Trên tựa lưng vào vách nứa mỉm cười, ngượng nghịu: “Hồi còn trẻ thì thổi qua thổi lại, giờ bà ấy thổi, chứ mình răng rụng rồi, thổi không hay nữa. Bà ấy thổi mới hay”.

Rồi như bắt đúng nhịp, ông Trên say sưa: “Đàn môi còn gọi là ra-ngói, thường được làm bằng thanh tre, có hình dáng, kích thước như chiếc ghim đan lưới của người vùng biển, ở giữa có thanh thép dẹt. Đưa đàn lên môi, một tay giữ, một tay gảy thanh thép, kết hợp với sự điều khiển của đầu lưỡi và đôi làn môi, tạo nên thứ âm thanh trầm, ấm, thể hiện tình cảm đôi lứa”.

Ông Đinh Văn Trên và bà Đinh Thị Quang.
Ông Đinh Văn Trên và bà Đinh Thị Quang.

Càng nói càng hào hứng, ông Trên đi nhanh vào bên trong nhà sàn, mang ra hàng loạt nhạc cụ và giải thích: “Không chỉ có đàn môi, người H’re có nhiều loại nhạc cụ lắm, nào là đàn brook, chinh ka-la, sáo ling la, sáo tà- lía, đàn môi...”.

Bày “gia tài” của mình trên nhà sàn, ông Trên rành rọt kể tên và miêu tả cách chế tác: “Làm sáo tà-lía thì lên rừng tìm một ống nứa thẳng về đem phơi rồi dùng dao nhọn bén để chế tác. Lấy dao bấm 5 lỗ dọc theo đường thẳng thân sáo để tạo nên các thanh âm”.

Là người H’re, sinh ra, lớn lên ở huyện vùng cao và gắn bó với rừng núi, ông Trên yêu thích nhạc cụ dân tộc truyền thống của đồng bào mình ngay từ nhỏ. Đến lúc lớn lên, đi bộ đội, tham gia kháng chiến, ông Trên vẫn vác theo các nhạc cụ, lúc rảnh rỗi lại mang ra sử dụng. “Vừa để đỡ nhớ nhà, vừa tạo niềm vui cho anh em” - ông Trên nói.

Hòa bình lập lại, ông Trên trở về quê nhà, tiếng đàn, sáo tiếp tục réo rắt ngày đêm trong căn nhà sàn. Hàng ngày, sau thời gian lên nương rẫy, ông Trên lại mày mò tìm hiểu, chế tác nhạc cụ văn hóa dân tộc H’re. Càng làm càng thấy hứng khởi.

Ông Trên chế tạo và sử dụng được nhiều nhạc cụ truyền thống của người H're.
Ông Trên chế tạo và sử dụng được nhiều nhạc cụ truyền thống của người H're.

Lúc đầu làm nhạc cụ, ông Trên tưởng như lâm vào thế “bí”, bởi nhiều già làng biết chơi nhạc cụ đều già yếu, qua đời. Không bỏ cuộc, ông lặn lội tới nhiều bản làng người H’re trong huyện để tìm tòi học tập kinh nghiệm. Nhạc cụ đầu tiên ông học được chính là làm chiếc sáo đất, dân làng quen gọi là sáo tà-vố.

“Để làm chiếc sáo đẹp, phát ra âm thanh hay cũng phải tốn nhiều thời gian và qua nhiều lần thất bại. Đầu tiên là phải chọn đất mềm dẻo dễ làm, sau đó là kỹ thuật khoét lỗ. Sáo tà-vố mà tôi làm thường có 3 đến 5 lỗ. Khi biểu diễn dùng các ngón tay bịt hoặc thả để tạo nên các thanh âm. Mỗi ngày làm chỉ được vài chiếc, dân làng ai thích dùng thì tôi cho chứ không bán. Những buổi trưa hè nghe tiếng sáo nhiều người rất thích” - ông Trên chia sẻ.

Sáo đất - một trong những nhạc cụ truyền thống của người H're.
Sáo đất - một trong những nhạc cụ truyền thống của người H're.

Say mê nhạc cụ truyền thống, ông Trên còn tỉ mẩn chế tác đàn, sáo từ ống tre, ống trúc, quả bầu… Qua bàn tay khéo léo của người cựu binh, những vật liệu tưởng như tầm thường lại phát ra thanh âm độc đáo, cuốn hút. Nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và không ngừng học hỏi, cải tiến. Ở cái tuổi lục tuần, ông Trên biết chế tác và biết sử dụng hầu hết nhạc cụ văn hóa cổ truyền dân tộc H’re.

“Nhạc cụ cổ truyền của người H’re đều được bà con làm bằng nguyên liệu sẵn có. Cây tre, ống trúc, trái bầu thì lên rừng tìm. Đồng bào mình dùng nguyên liệu này làm đàn brook và đàn brâu, nó là hai nhạc cụ cổ truyền của người H're, dùng đánh cho chị em hát ka lêu, ka choi rất hay” - ông Trên mỉm cười, không giấu được sự hứng khởi pha lẫn chút tự hào.

Ông Đinh Văn Loan - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Thành cho biết: “Ông Đinh Văn Trên là một trong những người am hiểu nhạc cụ dân tộc nhất ở làng Gò Deo. Thời gian tham gia cách mạng, ông Trên mang nhạc cụ cùng lời ca tiếng hát đến với đồng đội. Sau này về làng, những đêm trăng sáng, bà con dân làng thường tụ họp đến nhà để nghe biểu diễn các nhạc cụ do ông Trên tự chế. Âm nhạc truyền thống của người H’re như đã ngấm vào máu thịt của người cựu chiến binh này”.

Cũng theo ông Loan, những năm gần đây, ông Trên thường được mời đi biểu diễn các nhạc cụ của người H’re khắp nơi trong và ngoài tỉnh. “Sợ các nhạc cụ truyền thống bị mai một và mất đi, bên cạnh việc chế tác nhạc cụ, ông Trên còn rất tâm huyết với việc dạy lại cách sử dụng cho thế hệ trẻ. Đó cũng là cách để gìn giữ bản sắc văn hóa của người H’re” - ông Loan chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần