Vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi:

Cựu Giám đốc dự án tự nhận có công giữ lại 106 tỷ đồng

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/6, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 19 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án sai phạm xảy tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của bị đơn dân sự và kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Các bị cáo tại phiên toà.
Các bị cáo tại phiên toà.

Các bị cáo có đơn kháng cáo là nguyên lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nguyên kỹ sư, nhà thầu tư vấn giám sát dự án. Tất cả các bị cáo cùng bị đưa ra xem xét về tội “Vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại phiên tòa, các bị cáo có đơn kháng cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên tài sản.

Trả lời câu hỏi tại tòa, bị cáo Hoàng Việt Hưng - cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bị cáo này xin rút một số nội dung kháng cáo và đề nghị HĐXX xem xét khoản tiền mà bị cáo đang phải chịu trách nhiệm. Bị cáo Hoàng Việt Hưng bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án 8 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo lời khai của bị cáo Hưng tại phiên phúc thẩm, bị cáo giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án từ ngày 14/5/2014 – 7/9/2017. Theo quy định của chủ đầu tư và quy chế lao động, năm 2014 bị cáo thay mặt chủ đầu tư quản lý tổng thể dự án. Còn liên quan đến chất lượng công trình, bị cáo Hưng cho biết trong thời gian phụ trách dự án, bị cáo có đi cùng đoàn của Cục giám định nên bị cáo hiểu rõ nội dung văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, văn bản của Bộ Giao thông vận tải chỉ nêu về việc tăng cường nghiên cứu, kiểm tra chất lượng mỏ đá. Tại cuộc họp ngày 21/7/2017, bị cáo có tham gia, có ký vào biên bản nghiệm thu cơ sở nhưng không phê duyệt những nội dung liên quan đến chất lượng nhà thầu.

Về con số thiệt hại, bị cáo Hưng cũng mong HĐXX xem xét lại khoản bồi thường đang bị quy kết. Ngoài ra, theo lời khai của bị cáo Hưng tại phiên tòa, bị cáo này là người đã giữ lại số tiền 106 tỷ đồng cho dự án khi cương quyết không thực hiện thanh toán cho tư vấn giám sát. Bị cáo Hưng xin giao nộp tài liệu, chứng cứ minh chứng cho việc này.

 “Lý do bị cáo từ chối thanh toán là vì lúc này, dư luận báo chí nêu lên nhiều vấn đề và Cơ quan điều tra đang vào cuộc xác minh nên bị cáo không làm thủ tục hoàn tất hồ sơ, giữ lại số tiền trên, không thanh toán cho tư vấn giám sát” - bị cáo Hưng khai.

Đối với bị cáo Lê Nhiều - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, cựu Giám đốc gói thầu số 1, số 2, số 3B kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tòa cấp sơ thẩm trước đó đã tuyên phạt bị cáo Nhiều 4 năm 6 tháng tù.

Trình bày tại tòa, bị cáo Nhiều mong HĐXX phúc thẩm xem xét những tình tiết mà Tòa sơ thẩm chưa xem xét đó là gia đình công với cách mạng và hiện đã nộp thêm tài liệu thể hiện bản thân có đóng góp cho dự án.

Bản án sơ thẩm kết luận trong thời gian giữ chức vụ, bị cáo Nhiều đã trực tiếp ký các tài liệu để tổ chức thi công, nghiệm thu. Cụ thể, bị cáo này đã chấp thuận Bản vẽ thi công; chấp thuận vật liệu nguồn; Biên bản chuyển giai đoạn, nghiệm thu đối với các lớp vật liệu.

Ngoài ra, ngày 21/7/2017, với tư cách là Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, kiêm Giám đốc gói thầu số 1, số 2 và 3B, bị cáo Nhiều đã ký Biên bản cuộc họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở của Chủ đầu tư, kết luận các hạng mục thi công dự án đúng hồ sơ thiết kế, chất lượng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhất trí nghiệm thu để đưa công trình vào sử dụng. Cấp sơ thẩm xác định hành vi của Nhiều cùng đồng phạm đã gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 207 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ TP Đà Nẵng - TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, chi phí đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng. Song chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã không tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến sau một thời gian vận hành khai thác, 65km đường giai đoạn I (từ TP Đà Nẵng - TP Tam Kỳ) xảy ra hỏng hóc, gây mất an toàn giao thông. Dù chất lượng dự án không đảm bảo, các bị cáo vẫn ký nghiệm thu đưa vào sử dụng và thanh toán cho đơn vị thi công hơn 811 tỷ đồng.

Tháng 12/2021, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 35 bị cáo các mức án từ 24 tháng tù treo đến 8 năm 6 tháng tù giam; 1 bị cáo được HĐXX xem xét miễn xử lý trách nhiệm hình sự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần