Ngày 30/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Xâm phạm chỗ ở người khác” đối với bị cáo Nguyễn Hải Nam (SN 1974, nguyên Phó Chánh án TAND quận 4, TP Hồ Chí Minh), và Lâm Hoàng Tùng (SN 1991, nguyên giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh).
Tại tòa, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh tái khẳng định đủ căn cứ xác định 2 bị cáo có hành vi như cáo trạng truy tố. 2 bị cáo cũng thừa nhận là người xuất hiện trong clip, hình ảnh do cơ quan chức năng thu thập được. Trong clip ghi lại diễn biến vụ việc các bị cáo có mặt tại hiện trường, thực hiện một số hành vi có dấu hiệu phạm tội xâm phạm chỗ ở.
Đại diện Viện KSND TP cho rằng 2 bị cáo là những người am hiểu luật pháp, công tác trong ngành tư pháp trong thời gian dài, nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội nên phải xử nghiêm để giáo dục, răn đe. Từ đó, đại diện Viện KSND TP đề nghị HĐXX phạt bị cáo Nguyễn Hải Nam từ 18 - 24 tháng tù giam, bị cáo Lâm Hoàng Tùng từ 24 - 30 tháng tù giam.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nam cho rằng bị cáo chưa hề bước vào căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1). Do đó Viện KSND TP thiếu căn cứ khi xác định bị cáo phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 và Viện KSND cùng cấp không có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với bị cáo Nam. Luật sư đề nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ án xâm phạm tư pháp đối với Công an và Viện KSND quận 1. Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Nam tiếp tục khẳng định mình chưa bao giờ bước vào trong nhà nói trên và không phạm tội.
Còn các luật sư bào chữa cho bị cáo Tùng đưa ra nhiều căn cứ để khẳng định bị cáo không phạm tội. Các luật sư khẳng định giao dịch đặt cọc giữa bà Hoàng Trọng Anh Chi (SN 1982, chủ sở hữu căn nhà 29 Nguyễn Bình Khiêm) và bà Hoàng Thị Thu Thảo (SN 1983, người đặc cọc 7 tỷ để mua căn nhà của bà Chi với giá 25 tỷ đồng) chưa thực hiện xong, đến thời điểm hiện tại căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn thuộc quyền sở hữu, định đoạt của bà Chi. Bà Thảo không có quyền đối với căn nhà nêu trên, nên không có quyền cư trú ở đó.
Cũng theo những luật sư này, việc bị cáo Tùng di dời những người ở trong công trình vi phạm xây dựng ra ngoài là nhằm đảm bảo an toàn cho họ. Đây là việc thực hiện quyết định hành chính của cơ quan chức năng, không phải hành vi vi phạm pháp luật. Từ những căn cứ nêu trên, các luật sư khẳng định những thứ được cho là quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại Hoàng Thị Thu Thảo thực chất là hành vi vi phạm pháp luật và các quyền này không được pháp luật bảo vệ. Do đó, hành vi của bị cáo Tùng không cấu thành tội phạm.
Từ các lập luận, dẫn chứng, các luật sư bào chữa bảo vệ bị cáo đề nghị HĐXX tuyên 2 bị cáo không có tội và trả tự do cho họ tại tòa. Trong phần tự bào chữa, bị cáo Tùng tiếp tục bác bỏ cáo trạng. Bị cáo khẳng định không dùng vũ lực để buộc những người trong nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm phải ra khỏi nhà. Việc bế những đứa trẻ (con bà Thảo) ra khỏi nhà nhằm bảo đảm an toàn. Bị cáo Tùng còn khẳng định bị cáo Nam không phải đồng phạm. Vì giữa 2 người không bàn bạc, Tùng gọi điện cho Nam đến căn nhà nêu trên để Nam xem và thuê phòng.