Bắc Giang:

Cứu sống thai phụ bị vỡ ối, bong rau non tuần thứ 35

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chị B. vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dỗi, ối vỡ non, ra huyết âm đạo, may mắn được các bác sỹ mổ cấp cứu thành công.

ThS Nguyễn Thị Hiền, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết vừa mổ cấp cứu thành công cho chị Bùi Thị B., 30 tuổi (địa chỉ ở Nghĩa Hưng, Lạng Giang), mang thai lần hai bị vỡ ối, bong rau non.

Chị B. B nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, ối vỡ non, ra huyết âm đạo. Các bác sĩ chạy monitor sản khoa thấy biểu hiện suy thai cấp, hình ảnh siêu âm khối máu tụ sau bánh rau, huyết áp 140/90.

Ngay khi tiếp nhận ca bệnh, kiểm tra lâm sàng, kip trực đã nhận định có dấu hiệu rau bong non, đe dọa tính mạng mẹ và bé, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, huy động sự hỗ trợ liên khoa Nhi, Huyết học, Phẫu thuật Gây mê hồi sức mổ cấp cứu ngay trong đêm.

Ca mổ diễn ra trong khoảng 20 phút, bác sĩ mổ lấy thai thành công, bé gái nặng 2,4kg chào đời an toàn.

Bác sĩ thăm khám cho sản phụ sau sinh. (Ảnh: BVCC)
Bác sĩ thăm khám cho sản phụ sau sinh. (Ảnh: BVCC)

“Phần tử cung của người mẹ tím toàn bộ, lan ra 2 bên dây chằng rộng”, bác sĩ Hiền nói và cho biết, may mắn nhập viện sớm nên các bác sĩ xử lý kịp thời bảo tồn tử cung cho người mẹ. Hiện sức khỏe mẹ và bé ổn định.

Nhau bong non là một bệnh lý cấp cứu sản khoa ít gặp và rất nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ trẻ tử vong trong bụng mẹ rất cao do thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Đối với sản phụ, nhau bong non có thể gây biến chứng rối loạn đông máu gây đờ tử cung, có thể phải cắt bỏ tử cung, hoặc đe dọa cả tính mạng.

Bác sĩ Hiền cũng khuyến cáo sản phụ nên đến khám và lưu hồ sơ chờ tại cơ sở y tế mà mình dự định sinh từ lúc 35 tuần để có thể quản lý thai kỳ và tầm soát các yếu tố nguy cơ một cách tốt nhất.

Khi thấy có hiện tượng bất thường, người nhà cần đưa sản phụ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.