KTĐT - Có thể nói, con số người thiệt mạng trong vụ động đất – sóng thần lịch sử ở Nhật Bản đã được hạn chế tới mức thấp nhấp nhờ vào công tác dự báo, chuẩn bị cũng như cứu hộ kịp thời của các cơ quan chức năng nước này.
Điều đáng nói là khó khăn lớn nhất đối với công tác cứu hộ của Nhật không phải là thiếu thốn về phương tiện, khí tài như tại nhiều nước khác, mà là vì dân số quá già! Phóng sự của tờ Guardian (Anh) đã đề cập tới vấn đề này:
Harumi Watanabe chạy về nhà với bố mẹ già của cô ngay sau khi trận động đất diễn ra. “Tôi đóng cửa hàng và lái xe về nhà nhanh hết mức”, cô kể. Nhưng đã không kịp. “Bố mẹ đã lớn tuổi và quá yếu, nên tôi không thể đưa họ ra xe”. Họ đang ở trong phòng khách khi đợt sóng thần tràn vào. Watanabe sau đó phải tự chiến đấu để cứu mạng mình.
“Tôi đứng trên đồ đạc trong nhà, nhưng nước vẫn dâng lên đến cửa. Giữa mực nước và trần nhà chỉ là một khoảng hẹp. Tôi đã nghĩ mình sẽ chết chắc”. Watanabe là một trong số ít những người may mắn sống sót ở Shintona, một thị trấn ven biển gần tâm chấn.
Giống như Watanabe, sự lo lắng lớn nhất của các nhân viên cứu hộ, nhà chức trách, và cả những người sống sót, tập trung vào những người già. Ở Shintona, khoảng 90% các nạn nhân là những người lớn tuổi, một đặc điểm điển hình của vụ thiên tai kinh hoàng này.
Sau trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, với số người thiệt mạng ước tính là 90.000, vấn đề được đặt ra cho các nhà chức trách sở tại là chất lượng của những trường học, đã đổ sập vì động đất và làm nhiều học trò nhỏ thiệt mạng.
Nhưng tại Shintosa, điều ngược lại diễn ra, những ngôi nhà an toàn, nhưng người già quá dễ tổn thương. Một số nhân chứng kể lại rằng những người trẻ chạy kịp sau cảnh báo sóng thần, nhưng những người già gặp rất nhiều khó khăn.
“Ở đây có quá nhiều người già”, Jiro Saito, người đứng đầu ủy ban đối phó thảm họa tại địa phương nói. “Chúng tôi từng diễn tập sơ tán, nhưng nhiều người không thể đến được nơi đúng giờ. Đợt sóng thần này là vượt xa mọi dự tính”.
Nhật Bản là quốc gia tự hào có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Shintona còn là nơi những viện dưỡng lão đầu tiên được lập nên ở tỉnh Miyagi. Kiyoko Kawanami, một giám đốc nhà dưỡng lão, nói cô chỉ tìm thấy 20 trong số 90 người sống ở nhà dưỡng lão mà cô quản lý.
“Chúng tôi chưa biết điều gì đang xảy ra với họ. Trận sóng thần tràn đến khi chúng tôi đang cố gắng tổ chức cuộc sơ tán”, cô nói. Kawanami đưa được một nhóm đến khu trú ẩn ở trường tiểu học Nobiru. “Khi quay lại tôi bị kẹt xe, lệnh báo động được ban ra và mọi người la hét nói tôi phải bỏ xe chạy lên đồi. Họ đã cứu tôi”./.