Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt lao dốc mạnh phiên giao dịch ngày 19/7, trong đó chỉ số Dow Jones ghi nhận giảm điểm thê thảm nhất kể từ tháng 10/2020.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones “bay” tới 725,81 điểm, tương đương 2,1%, xuống còn 33,962,04 với tất cả 30 cổ phiếu thành phần đều giảm. Có thời điểm trong phiên, Dow Jones sụt tới 946 điểm trước khi thu hẹp đà lao dốc vào cuối phiên.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 hạ 1,6% về mức 4.258,49 điểm. Lĩnh vực năng lượng, tài chính và công nghiệp giảm mạnh nhất. Nasdaq Composite cũng sụt 1,1%, xuống mức 14.274,98 điểm, chứng kiến phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp và là chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2020.
Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, hiện đã trở thành chủng trội trên toàn thế giới, khiến số ca nhiễm Covid-19 và tử vong tại Mỹ tăng trở lại.
Tâm lý lo ngại tái diễn kịch bản phong tỏa và phục hồi kinh tế bị đảo ngược khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức đáy 5 tháng còn 1,17%. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 mất 1,5% và nhanh chóng rơi vào vùng điều chỉnh trong phiên, khi giảm hơn 10% từ mức đỉnh đã ghi nhận hồi tháng 3/2021.
“Thị trường cùng lúc xuất hiện 2 nỗi lo ngại, về các chỉ số kỹ thuật thị trường và lo ngại vấn đề tăng trưởng” - Trưởng cố vấn kinh tế tại Allianz - Mohamed El-Erian, nói với CNBC.
Số ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại ở Mỹ trong tháng này, với biến thể Delta lan rộng trong số những người chưa được tiêm ngừa vaccine. Theo số liệu của CDC, Mỹ đã ghi nhận bình quân gần 26.000 ca mắc mới hàng ngày trong 7 ngày qua (tính đến ngày 18/7), tăng mạnh từ mức bình quân 7 ngày khoảng 11.000 ca nhiễm/ngày cách đây 1 tháng.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo về mức độ sợ hãi trên sàn Phố Wall, tăng lên tới 25 - mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, trong bối cảnh nhà đầu tư bán tháo ồ ạt cổ phiếu. Chỉ số này xem xét giá các quyền chọn trên S&P 500 để theo dõi mức độ sợ hãi trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Nhóm cổ phiếu hàng không chịu sức ép trong phiên giao dịch này khi nhà đầu tư xem xét lại liệu nhu cầu đi lại của người dân có đáp ứng kỳ vọng tăng cao hay không. Cổ phiếu Delta và American đều giảm khoảng 4%, còn cổ phiếu United sụt 5%.
Các cổ phiếu chủ chốt liên quan đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng giảm. Cổ phiếu Boeing sụt 5%, còn General Motors và Caterpillar cũng mất 2%.
“Các nhà đầu tư trên sàn Phố Wall hiện giữ tâm lý thận trọng và cân nhắc giữa các số liệu tích cực trong mùa báo cáo thu nhập quý II và triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ” - Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ Mike Wilson của Morgan Stanley lưu ý.
Giá dầu cũng giảm mạnh trong ngày 19/7 do lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế thế giới, và việc OPEC+ bắt đầu nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nhóm năng lượng là những cổ phiếu giảm mạnh nhất, với cổ phiếu ConocoPhillips sụt hơn 3%, còn cổ phiếu Exxon Mobil cũng mất 3%. Giá dầu WTI lao dốc 7,5% xuống còn 66,42 USD/thùng. Chứng chỉ quỹ SPDR lĩnh vực năng lượng hạ 4%, giảm mạnh nhất trong số 11 lĩnh vực.
Chứng chỉ quỹ SPDR lĩnh vực tài chính cũng ghi nhận kết quả hoạt động kém thứ hai, giảm 2,8% khi lợi suất trái phiếu giảm mạnh làm ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng. Cổ phiếu JPMorgan giảm 3,2% và cổ phiếu Bank of America hạ 2,6%.