Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đa dạng và tinh xảo trang sức cổ Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưng bày "Trang sức cổ Việt Nam" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phác họa khá rõ nét sự phát triển của tư duy thẩm mỹ người Việt qua thời gian đang thu hút rất đông công chúng tới thưởng lãm. Các di vật đặc biệt này khẳng định, trang sức không chỉ có "nhiệm vụ" làm đẹp cho con người…

Những bộ sưu tập quý

Hội tụ trong cuộc trưng bày này là các bộ sưu tập gắn với sự phát triển của con người theo từng thời kỳ. Các chuỗi hạt, vòng tay, vật đeo... bằng đá, xương, răng, sừng động vật và vỏ nhuyễn thể cho thấy, ngay từ thời Tiền sử, cư dân các nền văn hoá Việt cổ đã biết chế tác và sử dụng đồ trang sức. Ý nghĩa chủ yếu của đồ trang sức thời kỳ này là chỉ dấu cho biết địa vị, quyền lực của người mang nó. Bước sang thời dựng nước đầu tiên (cách ngày nay khoảng 2.000 -2.500 năm), đồ trang sức khá phong phú về hình dáng, chất liệu và mang tính mỹ thuật cao. Đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn là các loại vòng đeo tay, đeo chân, lục lạc, khóa thắt lưng, trâm cài đầu... bằng đồng.

 
Đông đảo công chúng đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của trang sức cổ Việt Nam. Ảnh: Văn Thùy
Đông đảo công chúng đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của trang sức cổ Việt Nam. Ảnh: Văn Thùy
Sưu tập trang sức văn hóa Sa Huỳnh có màu sắc rất đa dạng với các chất liệu như đá, mã não và thủy tinh. Đồ trang sức nổi bật nhất ở thời kỳ văn hóa này là khuyên tai hai đầu thú, chất liệu đá và thủy tinh, có nguồn gốc bản địa. Ngoài ra còn có các loại khuyên tai hình vành khăn, ba mấu, bốn mấu đã từng xuất hiện ở nhiều di tích khảo cổ học Đông Nam Á; các loại hạt chuỗi thủy tinh xanh và mã não có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong khi đó, sưu tập trang sức văn hóa Đồng Nai khá phong phú về chất liệu và loại hình như đất nung, vỏ nhuyễn thể, đá, thủy tinh, vàng… điển hình là loại hạt chuỗi hình đốt trúc, hoa cúc bằng vàng; vòng đeo tay, hạt chuỗi, khuyên tai hai đầu thú bằng thủy tinh, có cả loại khuyên tai hai đầu thú bằng ngọc và nhiều loại đá màu khác…

 

Giao lưu văn hóa biển từ rất sớm

Ths Nguyễn Quốc Hữu - Phó Trưởng phòng trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, các hiện vật trưng bày cho thấy đã có giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn, trang sức thủy tinh phát hiện ở văn hóa Đông Sơn, ngoài những hiện vật có nguồn gốc bản địa còn có những hiện vật có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trang sức nổi bật nhất ở thời kỳ văn hóa này là khuyên tai hai đầu thú, chất liệu đá và thủy tinh. Loại khuyên tai này không chỉ có ở Việt Nam mà còn tìm thấy ở Thái Lan, Philippines... Đây là bằng chứng về giao lưu văn hóa đường biển từ rất sớm của cư dân nơi đây.

 

"Trong gần 140 hiện vật trưng bày, chỉ có một nhóm nhỏ (các loại mũ miện hoàng tộc) là vật phẩm được phục chế, còn lại là hiện vật gốc. Đặc biệt, trong trưng bày này, lần đầu tiên công chúng được chiêm ngưỡng bộ sưu tập trang sức cung đình thời Nguyễn" - TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ. Đây là một sưu tập quý và hoàn mỹ thể hiện trình độ chế tác đạt tới đỉnh cao. Ông Chiến cho biết thêm, trong lịch sử, bên cạnh mục đích làm đẹp, nhiều loại trang sức còn được coi là vật hộ mệnh, thể hiện quyền lực và biểu hiện sự cao quý của người sử dụng. Chẳng hạn như, chiếc trâm cài tóc bằng vàng có hình chim phượng ngậm đèn lồng (thuộc bộ sưu tập trang sức thời chúa Nguyễn - thế kỷ XVIII) là vật dụng của phụ nữ quý tộc. Bởi, theo quan niệm Á Đông, hình phượng tượng trưng cho đức hạnh, vẻ đẹp duyên dáng và sự thanh nhã của phụ nữ quý tộc.

 

Phòng trưng bày "Trang sức cổ Việt Nam" cho thấy, làm đẹp là nhu cầu thường trực của loài người và ngay từ thời Tiền sử, cư dân các nền văn hóa cổ đã biết chế tác, sử dụng đồ trang sức. Với nguồn nguyên liệu phong phú và bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, đồ trang sức ngày càng đa dạng, tinh xảo và giàu tính nghệ thuật.