Kẽm có vai trò tác động đến qua trình sinh học diễn ra trong cơ thể, phân giải tổng hợp acid nucleic, protein… Các cơ quan trong cơ thể sẽ biểu hiện bất thường nếu thấy kẽm. Kẽm điều hòa chức năng nội tiết tố của tuyến yên, sinh dục, giáp trạng, thượng thận.
Kẽm kết hợp với hệ thần kinh nội tiết tố điều hòa hoạt động sống bên trong, phản ứng linh hoạt với các tác động bên ngoài giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh. Do đó, thiếu kẽm, con người kém thích nghi với các biến đổi của môi trường.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, các chất bổ sung kẽm không kê đơn có thể là một cách giúp chúng ta vượt qua mùa cảm lạnh và cúm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số người gặp phải các tác dụng phụ khó chịu do kẽm, chẳng hạn như đau bụng, buồn nôn và trong một số trường hợp, mất khứu giác.
Được công bố vào tháng 11/2021 trên BMJ Open, nghiên cứu xem xét kẽm trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị cảm lạnh và bệnh tương tự cúm (flulike). Các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 1.300 nghiên cứu trước đó và thu hẹp phân tích xuống còn 28 thử nghiệm, bao gồm hơn 5.000 đối tượng nghiên cứu. Đây là những gì họ tìm thấy:
Để ngăn ngừa cảm lạnh và các bệnh tương tự như cúm: So với giả dược, bổ sung kẽm hoặc kẽm xịt mũi có liên quan đến ít nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn.
So với giả dược, những người dùng kẽm có các triệu chứng biến mất sớm hơn khoảng hai ngày. Nghiên cứu ước tính rằng trong số 100 người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, thêm 19 người sẽ hoàn toàn bình phục vào ngày thứ bảy nhờ điều trị bằng kẽm. Tuy nhiên, độ mạnh của bằng chứng cho những phát hiện này được coi là thấp.
Mặc dù những phát hiện này cho thấy hứa hẹn về khả năng của kẽm trong việc ngăn ngừa hoặc làm dịu cơn cảm cúm và chống lại bệnh tật, nhưng đây là những điểm khác cần xem xét:
Phản ứng phụ: Các tác dụng phụ xảy ra thường xuyên hơn ở những người dùng kẽm (so với giả dược), bao gồm buồn nôn và kích ứng miệng hoặc mũi. May mắn là các phản ứng phụ này không có gì nghiêm trọng.
Phí tổn: Thuốc bổ sung kẽm thường không đắt.
Thiếu kẽm: Các đối tượng nghiên cứu hoặc có mức kẽm bình thường hoặc được coi là không có khả năng thiếu kẽm. Có sự khác biệt lớn giữa việc uống bổ sung kẽm để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp và uống vì cơ thể bạn thiếu khoáng chất. Thiếu kẽm dễ xảy ra hơn ở những người có chế độ dinh dưỡng kém hoặc tình trạng tiêu hóa cản trở sự hấp thụ khoáng chất; họ cần bổ sung kẽm để tránh các biến chứng nghiêm trọng như suy giảm chức năng miễn dịch và vết thương kém lành.
Bổ sung kẽm bằng cách nào? Các chuyên gia khuyến cáo: Trước hết cần chú ý chế độ ăn cân bằng về dinh dưỡng; nếu cần sử dụng thêm các thực phẩm giàu kẽm như cua bể, tôm, thịt bò, cá… Lưu ý là, để cơ thể hấp thu kẽm tốt, nên tăng cường thực phẩm giàu vitamin C như rau xanh, hoa quả… Cũng có thể dùng các chế phẩm có bổ sung kẽm. Việc dùng các loại thuốc bổ sung kẽm cần được các bác sĩ, dược sĩ tư vấn, vì thừa kẽm sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch.
Các nghiên cứu mới cho thấy, bạn có thể cần kẽm trong thời gian tới, nhất là những ngày vào Đông. Tuy nhiên, đừng quên các biện pháp: Tiêm phòng cúm; rửa tay thường xuyên; tránh tiếp xúc, duy trì khoảng cách và đeo khẩu trang xung quanh những người bị bệnh; ngủ đủ giấc; chọn một chế độ ăn uống lành mạnh.