Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng: Điểm đến thu hút khách du lịch

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khảo sát từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thì khách nội địa đến TP hiện nay tăng 12% so với cao điểm nhất năm 2019. Vì thế, có thể khẳng định Đà Nẵng hiện là điểm đến thu hút nhất nhờ đúng điểm rơi về dịch vụ, hạ tầng, sản phẩm, thời tiết.

Xúc tiến nguồn khách quốc tế

Du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đã thực sự sống lại sau 2 năm “đóng băng” vì dịch Covid-19. Một trong những con số minh chứng cho điều đó là Đà Nẵng đón khoảng 254 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, Đà Nẵng đang chứng kiến sự quay lại rất ngoại mục của du khách.

“Thời điểm này, qua trao đổi với Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng thì khách nội địa đến TP tăng 12% so với cao điểm nhất năm 2019. Đây là con số rất ấn tượng và xin khẳng định Đà Nẵng hiện là điểm đến thu hút nhất nhờ đúng điểm rơi về dịch vụ, hạ tầng, sản phẩm, thời tiết” – ông Dũng cho biết.

Đà Nẵng đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để phục hồi nguồn khách quốc tế. Ảnh: Quang Hải
Đà Nẵng đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để phục hồi nguồn khách quốc tế. Ảnh: Quang Hải

Có thể nói, thị trường khách trong nước thì hiện nay Đà Nẵng đã hết sức yên tâm, chỉ băn khoăn nguồn khách quốc tế. Nhưng theo ông Cao Trí Dũng, nếu đánh giá khách quan thì Đà Nẵng băn khoăn một còn các điểm khác phải băn khoăn 10, bởi điểm rơi khách quốc tế quay lại Đà Nẵng là tốt nhất. Hơn nữa, phục hồi nguồn khách đầu tiên là Đông Nam Á, tiếp theo là Hàn Quốc. Trong khi đó, Đà Nẵng năm 2019 thị trường Hàn Quốc là số 1 và hiện nay một số khách sạn đã chuẩn bị đón khách Hàn.   

“Khả năng phục hồi thị trường khách Hàn Quốc chắc chắn Đà Nẵng là số 1 Việt Nam. Tiếp theo sẽ là thị trường khách Đài Loan và Nhật Bản. Cụ thể, khoảng tháng 7/2022 thì khách Nhật sẽ quay lại, còn Đài Loan là tháng 9 và đã có khách rồi” – ông Dũng khẳng định.

Được biết, nhân sự kiện Diễn đàn đường bay châu Á – Routes Asia 2022 (do Đà Nẵng đăng cai), Đà Nẵng đã ký được thỏa thuận hợp tác với hãng hàng không Ấn Độ. Cụ thể, IndiGo và Vietjet Air đã có kế hoạch mở đường bay đến Đà Nẵng. Vì thế, thị trường tiềm năng tiếp theo của Đà Nẵng sẽ là Ấn Độ.

Về vấn đề xúc tiến tìm kiếm và phát triển nguồn khách quốc tế đến TP, ông Tán Văn Vương – Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm: “Thời gian qua, chúng tôi tập trung khôi phục các đường bay, tổ chức đón đoàn khách từ Thái Lan, Hàn Quốc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức những đoàn khách từ Malaysia, Singapore đến với TP Đồng thời tổ chức những buổi talkshow tại Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của TP Đà Nẵng đến với thị trường quốc tế”.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Đà Nẵng tích cực phối hợp với Hiệp hội du lịch TP triển khai những chính sách để thu hút khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…); tổ chức những hoạt động tại bãi biển Mỹ An, hoạt động về đêm tại Bà Nà để tăng giá trị phục vụ du khách.

Nhân lực ngành du lịch cơ bản đáp ứng

Có một thực tế khó khăn đối với ngành du lịch thời hậu Coavid-19 là nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng. Vì thế, vấn đề này đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo quyết liệt. Nhờ đó, hiện nay nguồn nhân lực ngành du lịch của Đà Nẵng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu du khách.

Ngành du lịch Đà Nẵng thực sự sống lại sau 2 năm đại dịch Covid-19 và khó khăn về nguồn lao động phục vụ du khách đã được TP khắc phục. Ảnh: Quang Hải
Ngành du lịch Đà Nẵng thực sự sống lại sau 2 năm đại dịch Covid-19 và khó khăn về nguồn lao động phục vụ du khách đã được TP khắc phục. Ảnh: Quang Hải

“Thời gian qua, Sở Du lịch đã mở 16 lớp đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã tổ chức đào tạo lại nguồn nhân lực. Đến nay, nguồn nhân lực du lịch cơ bản đảm bảo nhu cầu phục vụ du khách” – Phó giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho hay.

Ông Cao Trí Dũng thông tin thêm: Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã triển khai rà soát tất cả doanh nghiệp để biết họ giữ được bao nhiêu cơ hội qua 2 năm đại dịch. Đồng thời tiếp tục giữ quan hệ với nhân lực đã nghỉ việc để nhanh chóng quay lại. Đáng mừng là lao động ngành du lịch vừa rồi quay lại rất nhiều, rất đông. Bên cạnh đó, tổ chức hàng loạt khóa đào tạo để tuyển dụng mới, nâng cao tay nghề. “Hiện Hiệp hội Du lịch đang đề xuất lãnh đạo TP  tiếp cận nguồn tài trợ đào tạo của Quốc hội cho Đà Nẵng” – ông Dũng cho hay.  

Theo thống kê, trước dịch, Đà Nẵng có 56 ngàn lao động trực tiếp ngành du lịch. Thời điểm cao điểm nhất của dịch Covid-19, Đà Nẵng còn 13 ngàn lao động. Đến nay, phục hồi được khoảng 25-30 ngàn lao động.

“Thời điểm 56 ngàn lao động thì có 87 triệu khách, trong đó 3,5 triệu khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng 4-5 đêm. Vậy thì con số 25-30 ngàn lao động hiện nay cơ bản đã đáp ứng được hết nhu cầu phục vụ du khách. Chuyện một vài doanh nghiệp đang thiếu nhân lực lao động có thể chỉ là cục bộ. Chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp và cơ bản họ đã xử lý được” – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nói.