Đà Nẵng kêu gọi doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đà Nẵng xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính, kỹ thuật và mong muốn đẩy mạnh kết nối, kêu gọi sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các DN nước này vào lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông).

Năm 2030, ICT chiếm 15% tổng GRDP của Đà Nẵng  
Ngày 30/11, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức “Diễn đàn xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng”.  
Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết: Đối với Đà Nẵng, Hàn Quốc đã và đang là đối tác quan trọng về đầu tư, thương mại, du lịch. Những năm trước khi dịch Covid-19 diễn ra, có 19 đường bay quốc tế, tần suất 214 chuyến/tuần từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng. Với khoảng 1,5 triệu lượt du khách, chiếm hơn 50% trong tổng số lượt du khách quốc tế đến TP cho thấy nhiều du khách, doanh nhân Hàn Quốc lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho hoạt động du lịch cũng như kinh doanh.
Về đầu tư, tính đến tháng 11/2021, Hàn Quốc là 1 trong 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng dự án và vốn đầu tư cao nhất vào Đà Nẵng với 233 dự án, tổng vốn đạt 378 triệu USD.  
Diễn đàn xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng. Ảnh: Q.HẢI
Cũng theo ông Trần Phước Sơn, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á, Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính gồm: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số sẽ tiếp tục là lĩnh vực mũi nhọn được chú trọng phát triển.
“Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu về 2,34 tỷ USD tổng doanh thu toàn ngành ICT, và đến năm 2030, ngành công nghiệp ICT sẽ đóng góp 15% trong tổng GRDP của TP. Để thực hiện mục tiêu này, Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường sống - làm việc và tập trung thu hút đầu tư vào 3 nội dung gồm: Đầu tư hạ tầng, đầu tư vào dữ liệu và ứng dụng thông minh”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Phước Sơn cho hay. 
Ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh thêm: “Đà Nẵng xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính, kỹ thuật và mong muốn đẩy mạnh kết nối, kêu gọi sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực ICT của TP”. 
Đà Nẵng như Thung lũng Silicon của Đông Nam Á
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, đứng trước cơ hội tiếp tục đón nhận các làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Chính phủ đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu CNTT tập trung tại những trung tâm kinh tế trọng điểm.
“Đặc biệt, Đà Nẵng được ví như là Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, chính quyền TP đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI về CNTT, công nghệ cao xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và là điểm đến của các tập đoàn công nghệ số toàn cầu”, ông Phan Tâm đánh giá. 
Nói về hạ tầng thu hút đầu tư ICT, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Lê Sơn Phong cho hay, TP có Khu công viên phần mềm số 1 (2,4ha) và đang xây dựng Khu công viên phần mềm số 2 (5,3ha). Bên cạnh đó, TP còn có Khu FPT Complex (5,9ha), Khu CNTT tập trung (131ha).
Hạ tầng Khu công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng đang giai đoạn hoàn thành. Ảnh: Q.HẢI
Đặc biệt, Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, diện tích 17ha). Nơi đây sẽ là các khu nghiên cứu và phát triển, sản xuất phần mềm, văn phòng, căn hộ, khu dân cư, biệt thự và các dịch vụ liên quan. Trung tâm này sẽ được thiết lập cổng quốc tế cho các trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu với hạ tầng trạm trao đổi internet hiện đại và Trung tâm Dữ liệu lớn, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kỹ thuật số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 12.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư Khu CNTT số 2 tại huyện Hòa Vang với diện tích 56 ha. Mục tiêu là thành lập Trung tâm phân loại tự động và kho bãi để phát triển logistics và thương mại điện tử.
Toàn TP Đà Nẵng hiện có 36.000 nhân lực trong lĩnh vực CNTT, trong đó 20.000 người làm việc lĩnh vực phần mềm và nội dung số với mức lương bình quân 17,8 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) khu vực Đông Nam Á và châu Á Thái Bình dương, kiêm Tổng giám đốc KOTRA Hà Nội - ông Lee Jong Seob chia sẻ: Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã và đang gặp khủng hoảng do đại dịch Covid-19, nhưng quy mô thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam năm 2020 vẫn đạt con số tích cực là 69 tỷ USD, tăng khoảng 140 lần sau 29 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992).
“Cho tới nay, Hàn Quốc và Việt Nam đã trở thành quốc gia có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, cùng nhau phát triển rất mạnh mẽ. Đặc biệt, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu vị trí số 1 về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tổng quy mô đầu tư lũy kế là khoảng 74 tỷ USD. Con số này cho thấy sự quan tâm đặc biệt cũng như tình cảm của Hàn Quốc với Việt Nam. Trong đó, các dự án hợp tác tại những lĩnh vực CNTT-ICT cũng đang gia tăng nhanh chóng như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Tập đoàn LGL; Trung tâm hợp tác Trí tuệ nhân tạo - AI của Naver Hàn Quốc”, ông Lee Jong Seob nói.
“Với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ICT lớn mạnh, Việt Nam đã có 58.000 DN ICT với mục tiêu đến năm 2025 đạt 100.000 DN. Hiện nay, Việt Nam đứng top 10 thế giới về xuất khẩu sản phẩm điện tử và thứ 2 thế giới về điện thoại, thứ 9 về gia công phần mềm. Chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển đổi từ gia công, lắp rắp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho hay.