Đà Nẵng lên tiếng vụ điều chỉnh giá đất khiến người dân thành con nợ “khủng”

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới. Quyết định này khiến hàng ngàn người dân nợ tiền đất tái định cư tại TP phải trả nợ cao gấp 500 - 600% so với nợ gốc.

Ngày 25/2, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng đã giải thích về những ý kiến liên quan đến vấn đề trên. Theo đó, Sở TN-MT TP Đà Nẵng chưa nhận được ý kiến của người dân phản ánh về vấn đề này. Qua theo dõi dư luận, Sở TN&MT trả lời một số nội dung cụ thể như sau:
 Người dân đến Ban tiếp dân kêu cứu về việc bị áp giá đất mới
Điều chỉnh bảng giá đất đúng định
Liên quan đến cơ sở và trình tự thực hiện điều chỉnh Bảng giá đất, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng nêu rõ: Thứ nhất, quy định chung về việc điều chỉnh bảng giá đất: Khoản 1 điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định: Bảng giá đất được UBND tỉnh xây dựng căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, được HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng theo định kỳ 5 năm 1 lần; được công bố vào công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ.
Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Căn cứ điều 14 Nghị định 44/2014/NĐ-CP và điều 23, 24, 25, 26, 27 của Thông tư 36/2014/TT-BTNMT) hướng dẫn chi tiết các quy định tại điều 14 về các quy định cụ thể trong việc điều chỉnh giá đất.
Thứ hai, các trường hợp điều chỉnh bảng giá đất: Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự. Khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên.
Đối với Đà Nẵng, giá đất trước đây được thực hiện theo Quyết định 46/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 (áp dụng kể từ ngày 1/1/2017). Qua 2 năm áp dụng, giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng có nhiều biến động, có một số khu vực biến động rất lớn. Theo chứng thư thẩm định giá của công ty CP Đầu tư và Định giá AIC-Việt Nam về giá phổ biến tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất thì giá đất tại đô thị tỷ lệ tăng bình quân là 4,13 lần (cao nhất 9 lần, thấp nhất 1,86 lần), về giá đất ở nông thôn tỷ lệ tăng bình quân là 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần). Đồng thời, trong năm 2017 trên địa bàn thành phố đã tiến hành đặt mới tên đường một số tuyến đường, cần phải cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Do đó, căn cứ theo quy định thì phải điều chỉnh Bảng giá đất.
Về trình tự điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện theo trình tự như sau: Xác định loại đất, vị trí đất cần điều chỉnh trong bảng giá đất; điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường; các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất: hướng dẫn cụ thể tại Điều 23, Khoản 1 Điều 24 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT; Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành: Tổng hợp kết quả điều tra, thu thập thông tin giá đất thị trường tại cấp tỉnh và đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành.
Việc tổng hợp kết quả điều tra, thu thập thông tin giá đất thị trường tại cấp tỉnh và đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Thông tư 36/2014/TT-BTNMT; Xây dựng bảng giá đất điều chỉnh và Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh: Hướng dẫn chi tiết bởi Điều 25 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT; Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất điều chỉnh; Hoàn thiện dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trình UBND cấp tỉnh: Căn cứ văn bản thẩm định của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất điều chỉnh và trình UBND cấp tỉnh. Hồ sơ trình UBND cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.
Về thẩm định dự thảo bảng giá đất điều chỉnh: Hướng dẫn tại Điều 26 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT; trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất: Hướng dẫn tại Khoản 2, 3 Điều 27 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT; UBND cấp tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất điều chỉnh.
“Sở TN-MT đã căn cứ các quy định nêu trên và đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, ông Tô Văn Hùng kết luận.
Làm theo hợp đồng giữa người dân với Trung tâm Phát triển quỹ đất
Liên quan đến ý kiến người dân nợ đất tái định cư phản ảnh giá đất mới quá cao, không đủ tiền để nộp, ông Tô Văn Hùng cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất thì đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất hiện hành).

Việc Đà Nẵng thông báo cho người dân để tiến hành nộp khoản tiền nợ, thời gian nộp tiền sử dụng đất đã được quy định tại các điều khoản của Hợp đồng giữa người dân với Trung tâm Phát triển quỹ đất

Về phản ánh trước đây TP cho các hộ tái định cư nợ tiền quy đổi ra vàng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng viện dẫn: Theo Công văn số 7315/UBND-KT1 ngày 31/8/2016 của UBND TP thì đối với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất mà trong hợp đồng ghi nợ 10 năm quy ra giá vàng 98% đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ vẫn trong thời hạn 10 năm, đã quá hạn 5 năm thì được lựa chọn 1 trong 2 phương án sau: Thực hiện trả nợ theo hợp đồng, trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng x đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơp số tiền nợ gốc; Trả nợ theo giá quy định hiện hành.
Về thắc mắc của người dân trước thời điểm nâng giá đất như hiện hành họ không được thông báo để tiến hành nộp khoản tiền nợ trước đó, tránh tình trạng nộp số tiền quá lớn, có hộ chênh lệch trên cả tỷ đồng, người đứng đầu Sở TN-MT Đà Nẵng cho hay: Về quá trình ban hành bảng giá đất điều chỉnh lần này được triển khai cụ thể như sau: Tháng 1/2018, UBND TP giao Sở Tài chính thực hiện ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để khảo giá đất phổ biến thị trường nhằm điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn TP.
Trong thời gian từ quý II/2018 đến quý III/2018, đơn vị tư vấn khảo sát giá đất thị trường, sau đó lấy ý kiến của UBND các quận huyện, UBND phường, xã. Theo đó UBND các quận huyện đã thống nhất về giá đất phổ biển thị trường mà đơn vị tư vấn khảo sát và đã được Hội đồng thẩm định Bảng giá đất thống nhất, thông qua.
Ngày 9/8/2018, Sở Tài chính có Công văn số 2654/STC-GCS về việc chuyển kết quả khảo sát giá đất phổ biến thị trường trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2018 qua Sở TN-MT để tiến hành các bước tiếp theo. Theo đó, ngày 17/9/2018, Sở TN-MT đã có Công văn số 2993/STNMT-CCQLĐĐ gửi UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan để lấy ý kiến. Sở TN-MT trình Hội đồng thẩm định giá đất, trình UBND TP, trình Thường trường HĐND để ban hành Bảng giá đất điều chỉnh.
Đến ngày 31/1/2019, UBND TP ban hành Quyết định số 06/2019 QĐ-UBND về sửa đổi Bảng giá các loại đất tại Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 24/12/2016. Như vậy, việc điều chỉnh bảng giá đất được xây dựng trong suốt thời gian từ Quý II đến cuối quý IV/2018.
Về việc thông báo cho người dân để tiến hành nộp khoản tiền nợ, thời gian nộp tiền sử dụng đất đã được quy định tại các điều khoản của Hợp đồng giữa người dân với Trung tâm Phát triển quỹ đất.
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất, tính đến ngày 31/1/2019, tổng số hộ nợ là 7.189 hộ (trong có có cả số hộ nợ quá hạn và còn trong hạn nộp chậm). Trong đó, số hộ nợ đất tái định cư là 6.958 hộ, số tiền 866,562 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi TP Đà Nẵng có phương án cụ thể nào để giải quyết vấn đề này, ông Tô Văn Hùng cho biết, phải đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần