Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặc sắc “cỗ lá” ở bản Dao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, bản người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Đồng bào dân tộc Dao nơi đây tưng bừng tổ chức các hoạt động mừng Tết Tạ ơn.

Độc đáo phong vị ẩm thực ngày Tết

Đến hẹn lại lên, khoảng thời gian 1 tháng trước Tết Nguyên đán truyền thống của người Kinh ở miền xuôi, đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì lại tưng bừng tổ chức Tết Tạ ơn. Lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, các vị thần linh Tản Viên Sơn Thánh đã phù hộ độ trì cho quốc thái dân an…

Một trong những nét độc đáo nhất trong Tết Tạ ơn của đồng bào dân tộc Dao là đặc sản “cỗ lá”. Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng cho biết, mâm “cỗ lá” đầy đủ thường có thịt lợn, thịt gà (luộc, nướng), nem rán, rau củ luộc, bánh dày… So với ở miền xuôi, các món chính không có nhiều khác biệt.

Đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) chuẩn bị mâm.
Đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) chuẩn bị mâm.

Khác biệt ẩm thực nằm ở bánh dày và rau ghém ăn kèm. Bánh dày được đồng bào nơi đây giã bằng cối đá từ xôi nếp. Tuy nhiên, bà con còn phối trộn thêm hạt vừng, đậu xanh, lõi quả gấc để tạo hương thơm, mùi vị khác lạ cho bánh dày. Nhưng “lạ miệng” hơn cả phải kể tới món rau ăn kèm từ thân chuối non, rau gia vị, trong đó có lá phá hom với mùi vị đặc trưng, không lẫn với bất cứ loại rau gia vị nào ở miền xuôi.

Ông Triệu Phú Thành, người đã gắn bó gần cả cuộc đời ở vùng núi ven Vườn Quốc gia Ba Vì cho hay, lá phá hom được tìm thấy tại những nơi có dòng nước chảy rầm rì quanh năm và khí hậu mát mẻ, ít chịu ánh nắng trực tiếp. Chính bởi vậy, loại lá ăn kèm này gần như không thể tìm thấy ở miền xuôi.
“Trước đây, lá phá hom chỉ được tìm thấy ở những vách đá cao, thoai thoải và có dòng nước chảy từ trên cao xuống. Nay, một số hộ dân đã mang loại lá này xuống trồng trong vườn nhà. Dù vậy, sản lượng thu hoạch không nhiều và chất lượng cũng thua xa so với lá phá hom được tìm thấy trong tự nhiên...” - ông Thành nói thêm.

Theo các nghệ nhân, cỗ lá là sự kết hợp công phu giữa phần cỗ và phần lá. Trong đó lá được dùng bày cỗ thường là lá chuối rừng. Màu xanh của lá chuối rừng lót mâm cho món ăn thêm phần sinh động, đồng thời khi bày thức ăn nóng lên lá chuối, hương vị của lá chuối hòa quyện với hương vị của thức ăn càng tăng phần hấp dẫn.

Một nghi lễ của người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì).
Một nghi lễ của người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì).

Cùng với những nét đặc trưng ấn tượng trong Tết Tạ ơn, “cỗ lá” là một trong những điểm nhấn, thu hút và hấp dẫn du khách thập phương khi đến thăm vùng đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì những ngày đầu Xuân năm mới. Qua đó, góp phần quan trọng trong nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao ở huyện Ba Vì.

Ngày mới ở bản người Dao

Những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, chúng tôi tìm về xã Ba Vì. Vùng đất thiếu khó bủa vây ngày nào giờ đã có nhiều đổi thay tích cực. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây đang ngày một khá giả nhờ đa dạng sinh kế.
Bên ấm trà ngày Xuân, anh Triệu Sinh Viễn (sinh năm 1993), ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) hồ hởi khoe cơ ngơi là kho thuốc Nam rộng hàng chục mét vuông. Hàng trăm bài thuốc đã được gia đình anh gìn giữ qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn đang mang lại thu nhập khá.

Cùng với bán lá thuốc Nam, vài năm gần đây, anh Viễn cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì đã nghiên cứu, phối trộn các loại thảo dược để nấu thành cao. Cao thành phẩm được đóng gói, có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc giúp người dùng yên tâm khi sử dụng.

Khu dân cư nông thôn mới ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Ảnh: Lâm Nguyễn
Khu dân cư nông thôn mới ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Ảnh: Lâm Nguyễn

Theo thống kê, toàn xã Ba Vì hiện có 324 hộ dân tham gia làm nghề thuốc Nam. Nghề truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ hiện vẫn là sinh kế chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì; đóng góp khoảng 85% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của địa phương.

Bên cạnh nghề cây thuốc Nam, đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì còn phát triển mạnh các ngành nghề nông thôn khác như trồng trọt, với nhóm cây chủ yếu là chè xanh, dong giềng, sắn, bương, tre…; đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Gia đình anh Dương Kim Liên ở thôn Hợp Nhất là một trong những điển hình.

Đến thôn Hợp Nhất, không khó để bắt gặp ngôi nhà 3 tầng mới được xây dựng khang trang, rộng đẹp của gia đình anh Liên. Sau khi xuất ngũ, anh trở về quê hương phát triển chăn nuôi lợn. Hiện, quy mô đàn lợn của gia đình anh đã lên tới hàng trăm con, mang lại thu nhập khá, giúp gia đình có “của ăn, của để”.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, nếu như 15 năm trước, ở xã Ba Vì, cứ 10 hộ dân lại có 3 hộ nghèo thì nay toàn xã chỉ còn 7 hộ nghèo (tương ứng 0,52% tổng số hộ). Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã hiện đã đạt gần 70 triệu đồng/năm. Đời sống của đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Ba Vì ngày một đổi thay tích cực.

Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở xã Ba Vì đang ra sức thi đua lập thành tích nhằm đưa địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vui mừng khi đến nay, qua rà soát, xã Ba Vì đã đạt 14 tiêu chí và cơ bản đạt 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao theo quy định tại Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

 

Dù mãi tới năm 2022, xã Ba Vì mới về đích nông thôn mới, là địa phương cuối cùng của TP Hà Nội hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ này, thì với không ít đồng bào dân tộc Dao sinh sống một đời nơi đây, đó vẫn là một kỳ tích…
Ông Lý Văn Phủ, người có uy tín thôn Yên Sơn (xã Ba Vì)

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, địa phương luôn xác định đồng bào các dân tộc là chủ thể của xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, cùng với tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của TP Hà Nội và huyện Ba Vì để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho người dân sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó là giữ vững ổn định an ninh trật tự để đồng bào yên tâm phát triển kinh tế, mà trước mắt là đón Tết Giáp Thìn an lành.