Màu của tự nhiên
“Gốm Mỹ Thiện có cốt bằng đất sét chứ không phải cao lanh, gốm được nung qua 2 lần lửa. Sắc màu trên sản phẩm gốm Mỹ Thiện xuất xứ tự nhiên, lên màu từ men bí truyền của gia đình. Men làm từ đá, cộng thêm một số thành phần khác như than, vỏ sò… để tạo màu. Nguyên liệu làm gốm không đâu xa, ở ngay trên mảnh đất này“, nghệ nhân Đặng Văn Trịnh chia sẻ .
Theo nghệ nhân Trịnh, một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc. Lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung. Với lần nung men, màu sắc sản phẩm sẽ thay đổi theo nhiệt độ, tạo nên sự thay đổi về màu sắc cho mỗi sản phẩm. Bí quyết và tài hoa của nghệ nhân nung gốm là ở khả năng làm chủ nhiệt độ, kết hợp với sự gia giảm trong pha chế men để tạo màu men như ý. Tuy vậy, cá biệt có những khi sản phẩm hỏa biến, màu sắc kỳ ảo, trở thành độc bản, cực kỳ hấp dẫn giới sưu tầm gốm lạ.
Gốm Mỹ Thiện được sản xuất theo kỹ thuật bàn xoay. Người nghệ nhân phải dùng tay xoay bàn gỗ liên tục để vuốt và tạo hình cho đất sét. Nguyên liệu đất sét dùng để làm gốm phải là loại tốt, được lọc kỹ tạp chất. Các mặt hàng chính tạo ra từ làng gốm này là chum, ché, ghè, vò, bình vôi, ấm trà… Người nghệ nhân bằng đôi tay điêu luyện cùng óc sáng tạo của mình đã “thổi hồn” vào sản phẩm bằng những hình vẽ rồng, phụng, hoa, quả...
“Nghề gốm rất công phu và đòi hỏi sự khéo léo. Nhất là khi ráp thân trên với thân dưới với nhau phải đòi hỏi bàn tay của người làm phải khéo để hàng nung đến độ đạt lấy ra không vỡ. Đây là công đoạn đòi hỏi phải chịu khó, kỹ thuật cao mới thuần thục được”, bà Phạm Thị Thu Cúc (vợ nghệ nhân Đặng Văn Trịnh) cho biết.
Một thời vang bóng
Theo các tài liệu nghiên cứu, Mỹ Thiện là một trong số khá nhiều những làng gốm hưng vượng một thời, được ghi chép trong điều trần của quan Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác dâng lên vua Bảo Đại và sau đó được đăng tải lên tạp chí Nam Phong nổi tiếng vào năm 1933.
Truyền thuyết cũng cho biết, các nghệ nhân gốm Mỹ Thiện từng được gọi vào Phủ Chúa Nguyễn để sản xuất các đồ gốm tinh xảo cho nhà Chúa sử dụng và làm tặng vật. Điều này cho thấy sự khéo léo của bàn tay người thợ gốm cũng như tính độc đáo của men gốm Mỹ Thiện.
Các sản phẩm của gốm Mỹ Thiện chủ yếu là đồ gia dụng như: Chum, ghè, các loại vò, ché, bình vôi, hũ, thạp, ấm trà, bình hoa, tượng động vật… Trong đó có một số sản phẩm được tráng men như: Bình hoa, bình vôi, tượng động vật, ấm trà, ché đựng rượu… Men gốm Mỹ Thiện có màu từ tím đậm đến tím nhạt, vàng, vàng ngả sang xanh ngọc.
Từ lâu, gốm Mỹ Thiện không chỉ có mặt ở hầu khắp tỉnh Quảng Ngãi mà còn vươn ra các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định và ngược lên tới Tây Nguyên, một vài loại hình sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Campuchia và Lào.
Trải qua nhiều biến động, làng gốm Mỹ Thiện hiện nay chỉ còn lại một lò gốm duy nhất của vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh – Phạm Thị Thu Cúc.
“Mặc dù sản phẩm gốm tinh xảo, dễ sử dụng lại không độc hại nhưng lại bị các mặt hàng đồ nhựa Trung Quốc có giá thành rẻ cạnh tranh khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm gốm truyền thống. Vì thế mà các lò gốm dần đóng cửa, nhiều gia đình có nghề làm gốm lâu đời phải chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác”, nghệ nhân Trịnh ngậm ngùi.
Bảo tồn và phát triển
Để bảo tồn và phát triển nghề từng một thời nức tiếng, các ngành chức năng ở Quảng Ngãi đã và đang vào cuộc tìm hướng hỗ trợ cũng như tạo điều kiện để gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh - thế hệ cuối cùng ở làng gốm có cơ hội bám giữ cái nghiệp có tuổi đời hàng trăm năm mà cha ông để lại.
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh trang trí cho gốm. |
“Vợ chồng chúng tôi đang cố gắng truyền kinh nghiệm, dạy nghề cho những người có đam mê với gốm Mỹ Thiện, góp phần phục hồi làng nghề và phát triển nó lên tầm cao mới”, bà Phạm Thị Thu Cúc chia sẻ.
Theo Sở Văn hóa Thể theo và Du lịch Quảng Ngãi, gốm Mỹ Thiện là một di sản cần phải bảo tồn. Trước hết, làng nghề phải tìm ra được nguồn nguyên liệu tốt như thời xưa đã thực hiện và kế tục được những tinh túy của làng nghề xưa. Những người thợ phải hết sức tâm huyết với nghề nghiệp, không ngừng tìm tòi, học hỏi, phục hồi làng nghề. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần nỗ lực tạo không gian cho làng nghề phát triển, tạo nguyên liệu cho làng nghề phát triển, tìm đầu ra cho sản phẩm.