Đặc sản vùng miền: Đắt tiền vẫn hút khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần. Dù giá không hề rẻ, tuy nhiên, chất lượng, mẫu mã và sự độc đáo của các đặc sản vùng miền đã khiến các sản phẩm này vẫn cực kỳ hút khách.

Nổ hóa đơn, thu tiền triệu

Những ngày này, trên mạng xã hội Zalo, Facebook đã tràn ngập những lời chào mời mua đặc sản vùng miền. Miền núi phía Bắc có thịt lợn xông khói, thịt trâu gác bếp, nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi… Sản phẩm miền Trung, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, có đặc sản nem chua, giò bê, bánh tôm, trái cây sấy, khô gà lá chanh, hạt điều, rong biển từ...

Đơn cử, trang Facebook có tên "Khô gà lá chanh" rao bán khô gà lá chanh 310.000 đồng/kg, khô heo cháy tỏi 400.000 đồng/kg… thịt trâu, bò gác bếp các tỉnh miền núi Tây Bắc 900.000 - 1 triệu đồng/kg, cá kho làng Vũ Đại giá 600.000 - 1,5 triệu đồng/nồi cân nặng 1,5 - 4kg, lạp sườn Tây Bắc có giá 480.000 - 500.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ Đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ Đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản vùng miền trên phố Xã Đàn (Đống Đa) Nguyễn Thị Na cho hay, các loại đặc sản như thịt trâu gác bếp, nấm hương rừng Sa Pa, măng khô Tuyên Quang, cá kho làng Vũ Đại, tôm chua Huế... đang là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng đặt mua. Để kích cầu tiêu dùng nhiều người kinh doanh miễn phí tiền công vận chuyển, giảm giá 3 - 5% cho những đơn hàng trị giá 2 triệu đồng trở lên.

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ  Nông sản và sản phẩm OCOP Đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ  Nông sản và sản phẩm OCOP Đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Đại diện siêu thị MM Mega Market Hà Nội cho hay, bên cạnh những giỏ quà bánh kẹo hay thực phẩm, năm nay, nhiều khách hàng hỏi mua những giỏ quà trái cây vùng miền trong nước. Giá của giỏ quà này dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/giỏ tùy loại hoa quả Việt như bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Vinh, xoài Cát Chu, nho Ninh Thuận.

Báo cáo nhanh của một số nhà bán lẻ cho thấy, hiện sức mua đã tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước ở nhiều ngành hàng. Nguyên nhân là bởi đây là khoảng thời gian người lao động đã nhận các khoản lương, thưởng cuối năm, nên định hình được mức chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh đều “bơm” mạnh hàng hóa vào thị trường giúp khách hàng mua sắm tiện lợi và tiết kiệm chi tiêu tối đa.

Thật giả lẫn lộn

Thực tế cho thấy, hiện trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, có nhiều livestream, người bán hàng quảng cáo mặt hàng thịt trâu gác bếp với giá dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, lợn gác bếp có giá từ 170.000 - 220.000 đồng/kg. Nhiều mặt hàng như lạp xưởng gác bếp, lạp xưởng hun khói có giá trung bình được rao trên mạng từ 100.000 - 180.000 đồng/kg. Tại phần giới thiệu sản phẩm, người bán thường quảng cáo được làm bằng thịt lợn sạch, chuẩn vị Tây Bắc.

Tương tự, nhiều cơ sở rao bán sản phẩm hạt điều Bình Phước với giá 100.000 đồng/kg, trong khi tại hệ thống siêu thị sản phẩm này có giá đắt gấp đôi. Với mức giá bán khá rẻ như vậy khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng sản phẩm không đảm bảo hoặc là hàng Fake.

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ Đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ Đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Tại Hội chợ đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội vừa tổ chức Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mai thực phẩm Thảo Nguyên (Lào Cai) Nguyễn Thảo Nguyên cho biết, để làm được 1 kg thịt trâu, bò khô gác bếp người sản xuất cần khoảng 3 - 3,5kg thịt tươi. Hiện 1 kg thịt trâu tươi đã 250.000-270.000 đồng/kg. Vì vậy, để có lãi thì giá bán trung bình 1kg thịt trâu gác bếp chính hiệu khoảng 900.000 - 950.000 đồng/kg. “Để hạ giá thành sản phẩm những người rao bán thịt trâu, bò gác bếp giá rẻ rất có thể bị tráo bằng thịt lợn nái bởi da cũng dày, thịt dai nên có nét tương đồng đối với thịt trâu. Còn đối với thịt lợn gác bếp nguyên liệu sử dụng là thịt đông lạnh, hoặc thịt không rõ nguồn gốc”- bà Nguyên chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước Đào Thị Lanh thông tin, các loại điều giá siêu rẻ trên không có nguồn gốc từ Bình Phước mà là điều nhập khẩu từ vụ cũ đã kém chất lượng. "Sản phẩm có nhiều hạt bị sâu, nhăn nheo, nhân bị mốc, không còn mùi vị đặc trưng của hạt điều nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng”- bà Lành nói.

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ  Nông sản và sản phẩm OCOP Đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ  Nông sản và sản phẩm OCOP Đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua sắm trên mạng, đặc biệt là nông sản, thực phẩm cần tham khảo các đánh giá, phản hồi của các khách hàng từng mua sản phẩm để có nhận định đúng về gian hàng. Ngoài ra, cần kiểm tra các thông tin liên hệ với người bán như số điện thoại, địa chỉ giao dịch để có kiểm chứng khi cần thiết.