Đại biểu Quốc hội: Đã có những thẩm phán tại Hà Nội bị tạt axit

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/3, thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường tuyên truyền pháp luật trong nhân dân để nâng cao phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, bên cạnh đó, cần có cơ chế bảo vệ những người làm công tác tư pháp khi bị đe doạ...

Phát biểu thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu (Đoàn tỉnh Đắk Lắk): “Chúng tôi hàng ngày đều phải xét xử nhiều vụ án, thậm chí có tử hình và chung thân. Áp lực rất nhiều, điện thoại của tôi liên tục nhận tin nhắn khủng bố, chửi bới… của đương sự. Hay cả bị cáo cũng nhắn tin đe dọa. Đã có những thẩm phán tại Hà Nội bị tạt axit, do vậy, phải có cơ chế như thế nào để bảo vệ đội ngũ này. Ngoài việc chế độ chính sách thì về mặt pháp luật cũng phải có cơ chế để bảo vệ."
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu nhấn mạnh: "Nếu chúng ta làm được tốt những việc này thì hoạt động của cơ quan tư pháp trong thời gian tới, đặc biệt trong nhiệm kỳ tới sẽ có hiệu quả nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ tư pháp."
Đại biểu Duy Hữu cũng đồng tình với các ý kiến đã nêu về vấn đề án kéo dài, chậm, chưa được chưa được giải quyết kịp thời, một số án bị huỷ sửa. Theo đại biểu Duy Hữu, đây là lỗi từ quy định của pháp luật, các Bộ Luật tố tụng hiện nay không còn phù hợp. Đại biểu đoàn Đắk Lắk kiến nghị Quốc hội khoá XV sẽ nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung các luật về tố tụng…
Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu rộng đến các hoạt động của đời sống xã hội, đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đề nghị ngành tòa án quan tâm hơn nữa đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác tòa án, thực hiện tòa án điện tử, xét xử trực tuyến..., qua đó góp phần làm minh bạch hóa hoạt động của ngành tòa án.
Liên quan đến hoạt động của VKSND, một số đại biểu đề nghị ngành kiểm sát cần chú ý khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra trong thời gian qua, đó là vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Bên cạnh đó, số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn, trong đó có nhiều trường hợp tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, điều này phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng đất nước càng phát triển thì những đòi hỏi về công lý, dân chủ, nhân quyền ngày càng cao. Nhiệm kỳ qua, các cơ quan tư pháp đã thực hiện tốt những nhiệm vụ, mục tiêu Quốc hội giao, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đã xử lý được nhiều vụ án phức tạp...
Đại biểu Ngọ Duy Hiển đề xuất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ của 2 cơ quan VKSNDTC và TANDTC về kiến thức xã hội; cần quan tâm hơn về phòng chống tội phạm ma tuý, lừa đảo trên mạng xã hội, tín dụng đen...
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Đoàn tỉnh Bến Tre) đề cập đến vấn đề khoa học-công nghệ với hoạt động tố tụng tư pháp, cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công về tư pháp...