Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội yêu cầu kết quả xét nghiệm HIV dương tính phải được thông báo

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án.

 Đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS bao gồm 14 điều khoản của Luật HIV 2006. Đó là các điều: Điều 2 về giải thích từ ngữ; Điều 4 về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; Điều 11 về đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Điều 12 về trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Điều 18 về phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam; Điều 20 về người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao tham gia phòng, chống HIV/AIDS; Điều 21 về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; Điều 27 về xét nghiệm HIV tự nguyện; Điều 29 về thực hiện xét nghiệm HIV; Điều 30 về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; Điều 35 về phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Điều 36 về điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV; Điều 39 về tiếp cận thuốc kháng HIV; Điều 43 về nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS. Dự thảo Luật cũng bãi bỏ hai điều của Luật HIV 2006, bao gồm Điều 42 về Áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối; và Điều 44 về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật này, các đại biểu tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật đã được thể hiện trong Tờ trình; nhấn mạnh thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, trong đó có mục tiêu “cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS” vào năm 2030 và giải pháp “tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS”; Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, tập trung chủ yếu vào các quy định về: mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.

Theo đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn tỉnh Long An), kết quả phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta sau 13 năm thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 khá thành công, có ý nghĩa tích cực, nổi bật, nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tăng lên. Tình hình nhiễm HIV đã giảm cả 3 mặt là số người mới nhiễm, số chuyển sang AIDS, số người tử vong có liên quan đến HIV/AIDS, kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Việt Nam thành 1 trong 4 quốc gia trên thế giới có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất. Với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV, có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Song, luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Góp phần thực hiện, hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2030, về cơ bản Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS, theo tinh thần Nghị quyết số 20, Ban Chấp hành Trung ương. Do đó, đại biểu tán thành về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung cũng như mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Các đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định và đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật với các quy định sửa đổi, bổ sung các luật khác có liên quan để bảo đảm không phát sinh bất cập, mâu thuẫn khi tổ chức thực hiện; tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra của Ủy ban và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này.

Một nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Dự thảo quy định người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng; người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Trương Phi Hùng (đoàn tỉnh Long An) cho rằng, quy định này là phù hợp, góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân, giảm lây nhiễm. Ông cũng đề nghị quy định thêm người nhiễm HIV phải thông báo cho người sử dụng chung dụng cụ có dính máu như kim tiêm biết về tình trạng nhiễm bệnh của mình.

Liên quan đến quy định này, đại biểu Lê Quang Trí (đoàn tỉnh Tiền Giang) nhấn mạnh việc thông báo không kịp thời, chậm, sẽ làm mất cơ hội ngăn chặn sự lây nhiễm, do đó nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải “‘thông báo ngay” cho các đối tượng nêu trên theo quy định.

Tham gia buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) băn khoăn khi quy định nghĩa vụ thông báo nhưng chưa rõ người nhiễm phải thông báo như thế nào và nếu không thông báo sẽ ra sao vì liên quan đến hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu đây là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm thì có phải là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

“Ban soạn thảo cần nghiên cứu đồng bộ và thống nhất với Bộ luật Hình sự về tội lây nhiễm HIV cho người khác để đảm bảo tính khả thi và nghiêm minh của pháp luật” – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu ý kiến.

Bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật và cơ bản nhất trí với những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật, đại biểu Đỗ Văn Bình (Đoàn TP Hải Phòng) cho rằng những nội dung sửa đổi, bổ sung luật do Ban soạn thảo xây dựng với những giải pháp như đẩy mạnh bảo vệ quyền an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV; bổ sung một số đối tượng có nguy cơ cao được ưu tiên áp dụng các biện pháp tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; điều chỉnh mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; bổ sung biện pháp can thiệp mới giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em; bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của nhiều người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm; bổ sung phạm nhân là đối tượng được điều trị miễn phí, không chỉ là những giải pháp có nghĩa thực tiễn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, khẳng định mạnh mẽ sự ưu việt trong việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong việc chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS.

 Đại biểu Đỗ Văn Bình (Đoàn TP Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận. 

Đại biểu Đỗ Văn Bình cũng cho rằng dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quy định; do đó đề nghị Quốc hội xem xét để thông qua tại một kỳ họp.

Bên cạnh đó, tại phiên họp, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Luật như về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (Điều 30); kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (Điều 35); độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV (Điều 27); Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV (Điều 44).

Thay mặt cho cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảm ơn và tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội.

Luật HIV/AIDS ra đời năm 2006 và Việt Nam là nước thứ 2 ở châu Á được ban hành Luật này. Luật HIV/AIDS nă 2006 được đánh giá là hết sức tiến bộ với những quy định đã tạo hành lang pháp lý, thuận lợi để triển khai tất cả những hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS hết sức thành công, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc sửa đổi Luật lần này tập trung vào một số vấn đề mang tính chuyên môn kỹ thuật và tăng sự tiếp cận đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS ở một số đối tượng sao cho phù hợp với sự tiến bộ của khoa học.

Làm rõ về nghĩa vụ thông báo kết quả HIV/AIDS, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS có tăng thêm nhóm phải buộc thông báo kết quả đối với người có quan hệ tình dục cũng như người chuẩn bị kết hôn theo quy định của pháp luật có liên quan. Theo báo cáo của Bộ Y tế, số lượng người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tăng từ 40% vào năm 2011 đến 70% vào năm 2019. Chính vì vậy, quy định trên sẽ phù hợp và tăng cường hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Đề cập về việc xử ly người nhiễm HIV/AIDS cố tình lây bệnh cho người khác, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình cũng đã có quy định xử lý những người nhiễm HIV/AIDS cố ý làm lây truyền bệnh cho người khác, cho nên cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra xin đề nghị bổ sung vào trong dự án Luật. Về phía Bộ Y tế xin được tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý cho điều này.

Do những thay đổi về xã hội cũng như những vấn đề về quan hệ tình dục đang xảy ra đối với trẻ vị thành niên, có thể nói rằng, số trẻ vị thành niên quan hệ tình dục sớm đang tăng lên. Theo như thống kê của Tổng cục Dân số, hằng năm trung bình có khoảng 250.000 cho đến 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên từ 15 đến 19 tuổi. Còn theo Bộ Y tế thống kê, số người nhiễm HIV trong nhóm từ 15 đến 16 tuổi tăng gấp 3 lần so với trước đây. Tham khảo thêm các kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quy định, Bộ Y tế xin đề xuất giảm độ tuổi xét nghiệm từ 16 xuống 15 tuổi.

Trong quy định của Luật đề cập rất rõ là khi xét nghiệm HIV/AIDS mà có kết quả dương tính thì cơ quan y tế có trách nhiệm phải thông báo kết quả xét nghiệm cho bố, mẹ hoặc là cho người giám hộ đối với tất cả các trẻ từ 18 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, đa phần các cháu trong độ tuổi này cũng không có báo cáo hay là không nói với cha mẹ là đi xét nghiệm.

Về việc thông tin tuyên truyền, trong quy định của Luật HIV/AIDS năm 2006 đã quy định rất rõ là thông tin tuyên truyền được tiếp cận đối với tất cả các đối tượng. Tuy nhiên, Bộ Y tế xin bổ sung thêm một số những đối tượng cần phải được ưu tiên trong vấn đề về tuyên truyền, ví dụ như là nam giới quan hệ tình dục đồng giới và một số những nhóm đối tượng khác. Bộ Y tế xin được tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về kỹ thuật luật pháp cũng như chỉnh sửa lại cho phù hợp trong bản dự thảo tới đây sẽ trình Quốc hội.

Vấn đề tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV, theo quy định của Luật HIV/AIDS năm 2006, người nhiễm HIV được quyền giấu tên và vô danh. Cho đến thời điểm hiện nay, khi triển khai vấn đề này, chúng tôi thấy rất nhiều những bất cập. Theo báo cáo thống kê tới 25% những trường hợp xét nghiệm HIV dương tính nhưng không được thông báo và không biết được địa chỉ ở đâu, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cho vấn đề triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta phòng, chống dịch COVID-19 rất thành công, bởi vì chúng ta biết được nguồn lây, biết được khu vực và biết được địa điểm để chúng ta có thể triển khai các biện pháp phòng chống.

Đối với quy định của Luật Bảo hiểm y tế cũng như khám bệnh, chữa bệnh quy định bắt buộc phải cung cấp tên, tuổi, địa chỉ cũng như thông tin của người nhiễm HIV để triển khai các hoạt động phòng chống. Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế kiến nghị bổ sung một số đối tượng được tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV nhưng vẫn phải đảm bảo tính bí mật theo quy định tại Điều 8, Điều 30 của Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006.

 Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Về việc tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV/AIDS, thực tế, Bộ Y tế đã có quy định rất cụ thể trong vấn đề ai được tiếp cận, thông tin nào được tiếp cận và thông tin đó được sử dụng cho mục đích gì. Còn về việc xét nghiệm đối với phụ nữ mang thai, có thể nói, đây là một chính sách hết sức nhân văn và ý nghĩa. Trước đây, khi 100 bà mẹ mang thai dương tính với HIV/AIDS mà chúng ta chưa xét nghiệm hoặc chưa có phương pháp điều trị thì có tới 35 cháu sinh ra bị dương tính. Nhưng sau khi chúng ta triển khai các chương trình xét nghiệm cũng như vấn đề về điều trị thì con số này giảm một cách rõ rệt, có thể dự phòng được cho khoảng 99,5% các cháu sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không bị dương tính. Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực cho nên trong thời gian qua chúng ta chưa triển khai được việc này một cách rộng khắp. Chúng ta phải nhờ vào nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cũng như huy động sự đóng góp của cộng đồng.

Bộ Y tế nghiên cứu và xin đề nghị Quốc hội cho phép sửa trong Luật là đối với tất cả những phụ nữ mang thai có thẻ bảo hiểm y tế thì được Bảo hiểm y tế thanh toán khi xét nghiệm HIV/AIDS. Hiện nay, chúng ta có khoảng 90% người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế, số 10% còn lại cũng như phần đồng chi trả sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Như vậy, chúng ta đảm bảo được 100% phụ nữ mang thai sẽ được miễn phí trong việc xét nghiệm HIV, đảm bảo tính công bằng cũng như tiếp cận đối với việc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Đề cập Quỹ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm HIV, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Đây cũng là một chính sách nhân văn. Tuy nhiên, từ khi có quỹ đến nay, chúng ta đã cố gắng huy động được sự tham gia đóng góp của cộng đồng nhưng sự huy động không được nhiều. Tổng huy động qua 12 năm cho đến thời điểm hiện nay mới được khoảng 5,7 tỷ đồng và những năm tiếp theo có thể sự huy động này càng ngày càng khó khăn hơn. Nội dung hỗ trợ của Quỹ chủ yếu tập trung hỗ trợ liên quan đến điều trị và cho đến thời điểm hiện nay, các chính sách của Nhà nước đã hỗ trợ và bao phủ được cho lĩnh vực này. Vì vậy, trong thời điểm hiện nay có thể dừng hoạt động của quỹ, còn sau này, khi Bộ Y tế trình dự thảo Luật Phòng bệnh sẽ đưa vào một quỹ chung. Trong đó, có quỹ về phòng bệnh cũng như quỹ về phòng, chống HIV/AIDS để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong vấn đề quản lý quỹ.

Với một số những ý kiến được báo cáo, làm rõ thêm, thay mặt cho cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xin được tiếp thu đầy đủ tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và nhiều nội dung của Dự thảo luật. Hồ sơ của dự thảo luật đầy đủ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành như quy định phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật; nhất trí với việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.

Toàn cảnh buổi họp sáng 23/10. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu để nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; cũng như cần phải bảo đảm quyền bí mật thông tin của người bị nhiễm HIV.

Về độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV quy định tại Điều 27, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, tuy nhiên để phù hợp với sự phát triển của trẻ em hiện nay, bảo đảm việc xét nghiệm sớm để phát hiện và điều trị kịp thời, đồng thời tăng cường việc phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người khác, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để đưa ra một phương án độ tuổi tối thiểu hợp lý của người tự nguyện xét nghiệm HIV và báo cáo trình Quốc hội.

Về Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với dự thảo luật là bỏ quỹ này nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị giữ quỹ này vì nó mang tính nhân văn và nó cũng đã được quy định trong luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tại phiên thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung, cơ quan soạn thảo đã có giải trình rõ ràng, đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội cả nội dung và kỹ thuật lập pháp để chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này như chương trình kỳ họp đã đề ra./.