Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại lý hải quan chưa thực sự là “cánh tay nối dài”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thủ hành chính tại Cục Hải quan Hà Nội. Ảnh: Quang Minh

Thời gian qua, ngành hải quan (HQ) đã thực hiện nhiều chế độ ưu tiên cho các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) và cũng nhận được những phản hồi tích cực từ phía DN. Tuy nhiên, một bất cập hiện nay trong ngành được các chuyên gia chỉ ra, là hoạt động của các đơn vị đại lý hải quan (ĐLHQ) chưa được thực hiện hiệu quả để xứng đáng là "cánh tay nối dài" của HQ tới DN…

Doanh nghiệp chưa tin tưởng

Thống kê đến tháng 6/2014, Tổng cục HQ đã cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai HQ cho gần 3.500 nhân viên (trong đó riêng năm 2013 cấp cho 1.377 người), đồng thời đã chứng nhận cho 343 ĐLHQ (trong khi con số đầu năm 2013 mới là 200 đại lý). Sự tăng trưởng nhanh chóng này được lý giải có một nguyên nhân là do thay đổi về điều kiện công nhận ĐLHQ theo chiều hướng thông thoáng hơn. 
Làm thủ hành chính tại Cục Hải quan Hà Nội.      Ảnh: Quang Minh
Kinhtedothi - Làm thủ hành chính tại Cục Hải quan Hà Nội. Ảnh: Quang Minh
 
Ông Trần Phan Thành - Chủ tịch Hiệp hội các DN logistics Việt Nam đánh giá: Thực tế, phần lớn ĐLHQ là công ty giao nhận và thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ khai thuê hải quan cho khách hàng. Hiện, nhiều DN nhỏ và vừa (DNNVV) thường tự thực hiện các thủ tục HQ XNK, hoặc chọn cách ký hợp đồng công ty giao nhận cung cấp dịch vụ khai thuê. Tuy nhiên, đa số DNNVV hạn chế về nghiệp vụ khai HQ nên việc thuyết phục họ ký kết một hợp đồng với ĐLHQ (mà họ không thấy rõ quyền lợi) là điều vô cùng khó. Còn với những tập đoàn lớn, sử dụng nhiều công ty giao nhận cung cấp dịch vụ khai thuê HQ nhằm tránh rủi ro trong sản xuất kinh doanh, thì việc triển khai ĐLHQ sẽ trở thành một cản trở trong kiểm soát quy trình, kê khai nộp thuế… Nhất là với những DN thuộc loại hình gia công sản xuất XK thì việc đại lý ký tờ khai HQ sẽ gây rào cản quá lớn cho thủ tục thanh khoản, hoàn thuế. 

Từ thực tế này, ông Thành cho rằng, hoạt động ĐLHQ đang gây nhiều điều không thuận tiện cho hoạt động XNK của DN. "Từ cuối năm 2012, dù Cục HQ TP Hồ Chí Minh đã táo bạo đưa ra Đề án Thí điểm thủ tục HQ một cửa thông qua đại lý do một cơ quan quản lý cảng đảm nhận, trong đó thể hiện được lợi thế so sánh trong việc nộp thuế hộ, song vẫn gặp không ít khó khăn. Lý do là các DN XNK lưỡng lự xung quanh vấn đề nộp thuế và thiếu tin tưởng trình độ chuyên môn của nhân viên ĐLHQ" - ông Thành chia sẻ. 

Cũng theo Hiệp hội các DN logistics, Nghị định 14/2011/NĐ-CP về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục HQ quy định: Để làm ĐLHQ chỉ cần có ngành nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng XNK hoặc khai thuê HQ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có ít nhất một nhân viên ĐLHQ. 

Còn để trở thành nhân viên ĐLHQ cũng chỉ cần có bằng trung cấp trở lên thuộc ngành kinh tế - luật, có chứng chỉ nghiệp vụ HQ và có thời gian làm việc cho ĐLHQ tối thiểu 3 tháng. Như vậy, "Điều kiện trở thành ĐLHQ là rất thấp, liệu có đảm bảo chất lượng hoạt động khi đàm phán, thương lượng với DN, hoặc tư vấn pháp lý, hỗ trợ cơ quan HQ làm "cánh tay nối dài" đến với DN? Hay sẽ làm mất đi niềm tin của DN đối với hoạt động ĐLHQ đang được triển khai? Liệu có bao nhiêu trong số 343 ĐLHQ đủ khả năng thực hiện vai trò của mình?" - ông Thành đặt câu hỏi. 

Tăng lợi ích của hợp tác

Tại Hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, trong khi quan hệ đối tác HQ - DN XNK đang được tăng cường thì quan hệ đối tác giữa HQ và ĐLHQ vẫn chưa được quan tâm. ĐLHQ chưa được hưởng bất kỳ chế độ ưu tiên hay kênh thông tin hỗ trợ nào trong lĩnh vực dịch vụ của mình có liên quan đến hoạt động của DN XNK. So sánh với quan hệ thương mại, có thể thấy, đại lý phân phối luôn được hưởng ưu đãi tốt nhất từ nhà sản xuất, còn ĐLHQ không nhận được ưu tiên nào từ cơ quan HQ. Quan hệ đại lý phân phối còn phân cấp ra độc quyền, cấp 1, cấp 2…, trong khi việc công nhận ĐLHQ lại vô cùng dễ dàng. 

Do đó, Hiệp hội các DN Logistics đề nghị sớm nâng quy định về điều kiện nhân viên ĐLHQ theo hướng cao hơn thì mới đảm bảo chất lượng của đội ngũ này. ĐLHQ phải là DN có uy tín mới có thể phát triển hệ thống này xứng với vai trò trong quá trình hiện đại hóa HQ, chứ không thể chỉ chạy theo mục tiêu số lượng. Bên cạnh đó, Hiệp hội đề xuất xem xét ĐLHQ có chế độ ưu tiên để DN XNK được hưởng khi ký kết hợp đồng đại lý, chứ không như hiện nay, đại lý thực hiện thủ tục HQ theo chế độ ưu tiên của DN XNK. Hơn nữa, cần quy định về thời hạn nộp thuế dài hơn cho các DN ký kết hợp đồng đại lý với ĐLHQ để DN thấy rõ lợi ích trong mối quan hệ đối tác giữa các bên.

 
"ĐLHQ và DN XNK hoàn toàn khác nhau về lĩnh vực kinh doanh, trong đó, DN XNK có lợi trực tiếp từ việc giao dịch mua bán hàng hóa, còn ĐLHQ chỉ có lợi ích từ việc cung cấp dịch vụ liên quan. Để phát triển được hệ thống ĐLHQ cần hiểu tính chất, ngành nghề kinh doanh của các đơn vị này nhằm xác định được lợi ích chính của họ trong giao dịch. Từ đó, các cơ quan quản lý phải sáng tạo ra lợi ích cho các ĐLHQ." - Ông Daniel Perrier- Chuyên gia của Tổ chức Hải quan thế giới