Đại sứ kể chuyện quảng bá văn hóa từ tô mì Quảng được Thủ tướng Nhật yêu thích

Cẩm Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần thưởng thức mì Quảng của Thủ tướng Nhật Bản tại Hội An đã được "tranh thủ" để trở thành cơ hội lan tỏa văn hóa Việt Nam tới người dân xứ sở mặt trời mọc ra sao?

Báo Kinh tế & Đô thị xin chia sẻ câu chuyện của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 về những điều thú vị trong quá trình thúc đẩy ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. 
 Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam
Từ món mì Quảng được Thủ tướng Nhật yêu thích…… đến 500 bát phở ở Hokkaido
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong lần tham dự Hội nghị APEC 2017 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ mời ăn mì Quảng ở Hội An. Vị Thủ tướng Nhật bày tỏ sự thích thú với món ăn này. Khi đó tôi đã tranh thủ cơ hội nhân “niềm yêu thích” này lên, thông qua giới thiệu về món ăn này trên tờ Nikkei-tờ báo kinh tế lớn hàng đầu nước Nhật và nhận được phản hồi tốt. Người dân Nhật Bản rất tò mò bởi đây là món ăn mà nguyên thủ của họ đã thử.
Khi tính đến việc để người Nhật thưởng thức trực tiếp thì chúng tôi lại có khó khăn là món ăn này cần những nguyên liệu đặc trưng của Quảng Nam. Khi đó, Sứ quán Việt Nam tổ chức một sự kiện, trong đó các đầu bếp nghệ nhân nấu mì Quảng bằng những nguyên liệu từ Việt Nam mang sang, mời các bạn bè Nhật thưởng thức. Sau đó, cùng với hiệu ứng của bài báo trên, rất nhiều người gọi đến Sứ quán để hỏi làm sao để thưởng thức món ăn này ở Nhật Bản. Đó là một trong số nhiều câu chuyện để quảng bá ẩm thực của Việt Nam, ngoài những món ăn truyền thống như phở, nem…
Nói đến phở, ở Hokkaido năm 2018 khi tôi đến chưa có quán ăn Việt Nam nào. Sứ quán đã ngay lập tức tổ chức một lễ hội ẩm thực để quảng bá, trong đó có chuẩn bị 500 bát phở chở bằng xe từ Tokyo lên đó– thời gian di chuyển kéo dài 12 tiếng đồng hồ qua quãng đường gần 1.000 cây số. Lễ hội ẩm thực diễn ra trong 2 ngày cuối tuần, nhưng món phở đã bán hết sạch chỉ trong một buổi sáng.
Chỉ trong năm sau đã có quán Việt đầu tiên, và cho đến nay ở tỉnh đã có một hệ thống nhà hàng ẩm thực Việt Nam. Thông qua những nhà hàng đó, chúng ta cũng quảng bá được văn hóa Việt Nam và người dân đến ăn tiếp xúc với người Việt mình. Điều đó nhân lên nhiều ý nghĩa.
 Vải Việt Nam trên kệ siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh:Haiquanonline
Câu chuyện quả vải Việt Nam vào thị trường Nhật
Chúng tôi luôn tâm niệm phải quảng bá, truyền cảm hứng và khích lệ sự tò mò về văn hóa Việt Nam. Hiện nay, Sứ quán phối hợp với các hội đoàn để tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa, vào những dịp lễ tết, kỷ niệm. Ở Nhật có khoảng 20 hội đoàn, họ có hệ thống bạn bè riêng, góp phần củng cố sự hiện diện của văn hóa Việt.  
Người Nhật có khẩu vị khá hợp với ẩm thực Việt Nam. Trước đây, họ cứ nói đến rau mùi hay cho vào phở Việt Nam là sợ, nhưng đến giờ có người ăn phở mà thiếu món rau đó lại không chịu được. Người Nhật rất ít khi ăn rau xào, nhưng giờ vào các quán Việt Nam thì lại gọi rau muống xào tỏi đầu tiên. Đó là một ví dụ trong triển khai ngoại giao văn hóa, vừa được nghe, vừa được thưởng thức và trải nghiệm thì độ lan tỏa  sẽ được nhân lên rất nhanh. Mặt khác cũng tạo cơ hội thêm cho những nông sản khác của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
Việt Nam sở hữu nhiều quả nhiệt đới, trong khi Nhật Bản có hoa quả ôn đới.
Tôi đi thăm một bảo tàng tại một tỉnh của Nhật và tình cờ gặp các bé được cô giáo dẫn đi tham quan tại đó. Tôi hỏi vui các con có biết Việt Nam ở đâu không, có quả gì không, có biết quả vải không? Các bé biết biết quả chuối, quả xoài nhưng chưa được ăn quả vải dù có nghe. Khi đưa được vải vào thị trường Nhật, tôi gửi một thùng vải cho trường - các bé cùng cô giáo rất thích, đưa lên mạng xã hội. Bố mẹ cũng thấy con mình được ăn lại tò mò tìm mua, tìm cả trong AEON Mall.
Khi đó, giám đốc AEON Mall mới gọi cho tôi nói vui: Sao tôi chưa kịp quảng bá mà mọi người đã biết. Giờ tôi lại bị người dân gây sức ép phải mang quả vải về.
Đầu năm 2020 là 10 tấn và trong năm 2021 khoảng 50 tấn vải đã được đưa vào Nhật Bản và đã được tiêu thụ hết, tôi tin là năm 2022, vải Bắc Giang sẽ được tiêu thụ rất nhiều ở Nhật bản.
Chinh phục thị trường “chảnh” - khách hàng “sành”
Nhật Bản là thị trường có sức mua lớn. Nông sản Việt Nam có tiềm năng lớn tại đây và đang khá ổn định với một số mặt hàng. Về lời khuyên đối với doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tham gia vào thị trường vốn "chảnh" và các khách hàng rất "sành" này, tôi muốn nói đến 3 chữ “tự”: tự ti – tự tin – tự mãn.
Đặt chân vào các thị trường nước ngoài nói chung, Nhật Bản nói riêng, các DN không được tự ti – phải tin rằng nông sản của chúng ta chất lượng tốt, từ đó tự tin mạnh dạn đầu tư và sản xuất.
Xuất khẩu nông sản không phải do thị trường nước khác, mà do mình. Doanh nghiệp không được tự ti - đừng bao giờ nghĩ hoa quả, cá tôm... của mình không ngon. Từ đó, phải tự tin mạnh dạn đầu tư. 
Đồng thời cũng không được tự mãn, bởi đưa uy tín của chúng ta vào thị trường đã khó, để duy trì niềm tin đó còn khó hơn, do đó cần phải xây dựng thương hiệu vững chắc từ chất lượng, mẫu mã. Có nhiều sản phẩm xuất đã được vài đợt, đến lần thứ 5-6 dính dư lượng, đưa sản phẩm vào thị trường ngoài đã khó, làm như thế sẽ mất lòng tin. Người Nhật rất coi trọng an toàn thực phẩm, nếu bị một lần sẽ không quay lại. Chúng ta phải giữ lòng tin, kể cả lỗ vẫn phải giữ chất lượng, nếu chỉ tiếc một lô hàng mà tìm cách xuất đi để thu hồi vốn thì sẽ mất tất cả tiềm năng về sau.
Cho đến nay hệ thống thị trường của ta với các nước gần như đã mở hoàn toàn nhờ các hiệp định CPTPP, RCEP... Do đó điều quan trọng là chúng ta cần tuân thủ hệ thống, tiêu chuẩn an toàn, bên cạnh đó cần xây dựng thương hiệu sản phẩm toàn diện từ chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói, cách thiết kế bao bì bắt mắt theo thị hiếu nước sở tại.