Trong lịch sử hơn 7 thập kỷ đến nay của Liên Hợp quốc (LHQ) đã có, cho dù không nhiều phiên thảo luận và biểu quyết khẩn cấp tại Đại hội đồng (ĐHĐ) như cuộc thảo luận và biểu quyết thể hiện thái độ quan điểm về quyết định mới đây của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khởi động quá trình chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.
Phiên thảo luận này được tiến hành theo đề nghị của Palestin, của Thổ Nhĩ Kỳ trong cương vị chủ tịch đương nhiệm của Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) và của Yemen với tư cách là trưởng nhóm các nước Ả rập trong LHQ.
Ba thành viên này của LHQ đã kiến nghị thế sau khi Mỹ phủ quyết trong HĐBA LHQ dự thảo nghị quyết của Ai cập đòi Mỹ rút lại quyết định nói trên và yêu cầu các nước thành viên LHQ không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như chuyển đại sứ quán về Jerusalem. Quyết định của ông Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và rộng khắp trên thế giới. Tại ĐHĐ LHQ, mọi nghị quyết đều được thông qua bằng đa số thông thường và không thành viên nào có quyền phủ quyết. Nghị quyết của ĐHĐ LHQ không có tính ràng buộc nhưng phản ánh quan điểm thái độ chung của thế giới.
Lần biểu quyết này trong ĐHĐ LHQ về quyết sách mới của Mỹ trở thành chuyện xưa nay chưa từng thấy có trong LHQ khi phía Mỹ công khai gây áp lực mạnh mẽ để các nước thành viên LHQ vì ngại Mỹ, vì nể Mỹ và vì sợ quan hệ với Mỹ bị tổn hại mà không biểu quyết bất lợi cho Mỹ trong câu chuyện này.
Ông Trump doạ sẽ ngừng viện trợ tài chính cho những nước thành viên LHQ biểu quyết chống Mỹ. "Họ nhận hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD của chúng tôi mà rồi họ bỏ phiếu biểu quyết chống chúng tôi. Cứ để cho họ biểu quyết. Chúng tôi sẽ tiết kiệm được nhiều tiền. Chúng tôi mặc kệ họ", ông Trump đã phát biểu như thế ngày 20/12 vừa qua.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trước đó đã gián tiếp doạ sẽ trả đũa những thành viên bỏ phiếu chống lại Mỹ và tuyên bố Mỹ sẽ ghi sổ lá phiếu chống hay ủng hộ Mỹ của các thành viên LHQ. Bà Haley viết thư gửi tới gần hết trong số 193 thành viên LHQ đề nghị các nước ghi nhận mối quan hệ hữu nghị lịch sử, quan hệ đối tác và sự trợ giúp cho tới nay của Mỹ mà tôn trọng quyết định của Mỹ về đặt trụ sở đại sứ quán. Bà Haley cũng còn công khai những nội dung ấy trên Tweeter.
Thông điệp của phía Mỹ rất rõ ràng là nếu bỏ phiếu bất lợi cho Mỹ thì sẽ phải trả giá. Chưa khi nào trong LHQ lại có chuyện các thành viên bị gây áp lực mạnh mẽ và quyết liệt, lại còn công khai và đi cùng với doạ dẫm như vậy. Cuộc bỏ phiếu biểu quyết này vì thế trở thành thách thức đối với các thành viên LHQ về sự kiên định quan điểm đường lối và về bản lĩnh xử lý quan hệ với Mỹ.
Cách hành xử của Mỹ phản ánh mối lo ngại sâu sắc của Mỹ về kết quả biểu quyết trong ĐHĐ. Kẻ phải có tật thì mới giật mình đến thế. Điều này không đáng chú ý sao được khi nghị quyết của ĐHĐ LHQ không có giá trị ràng buộc.
Xem ra có 3 nguyên do lý giải vì sao Mỹ lo ngại và phải chặn trước như thế.
Thứ nhất, nghị quyết của ĐHĐ LHQ, như trên đã nói, phản ánh quan điểm chung của cả thế giới và vì thế Mỹ ngại tình trạng Mỹ bị cô lập trong chuyện này sẽ được hình ảnh hoá bằng nghị quyết, như thế Mỹ sẽ khó biến báo hơn trên dư luận.
Thứ hai, nghị quyết không chỉ định hướng cách ứng xử cho các thành viên trong vấn đề Jerusalem mà còn là chỗ dựa để các thành viên LHQ bớt khó xử với Mỹ. Các thành viên LHQ có thể viện dẫn quan điểm chung của đa số trong LHQ để kiềm chế sự trả đũa của Mỹ.
Thứ ba, ĐHĐ LHQ bác bỏ quyết sách mới của Mỹ liên quan đến Jerusalem thì sẽ chỉ có những trường hợp rất hãn hữu trong số các thành viên của LHQ ủng hộ quyết sách ấy của Mỹ.