Đảm bảo an toàn, cân bằng dinh dưỡng khi chế biến mì tôm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bản chất mì ăn liền là một bữa ăn tiện lợi, giàu chất bột đường nên khi được kết hợp với thịt, tôm, trứng và rau củ sẽ trở thành bữa ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng. Để cân bằng dinh dưỡng và có được bữa ăn ngon, tốt cho sức khỏe với mì ăn liền, các chuyên gia khuyến cáo, nên ăn mì tôm kèm với rau củ, thực phẩm giàu đạm.

 Ảnh minh họa
Theo TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, mì ăn liền là món ăn chịu nhiều “tiếng oan”, bởi lẽ khi chúng ta ăn thường xuyên một món ăn bất kỳ, những câu hỏi xoay quanh món ăn đó sẽ dần nảy sinh một cách tự nhiên: Món này có tốt không? Có hại gì cho sức khỏe không? Ăn thường xuyên có sao không? Bản thân các loại thực phẩm nói chung, mì ăn liền nói riêng không phải là nguyên nhân khó tiêu nếu như chúng ta ăn vừa đủ, nhai kỹ, kết hợp trong bữa ăn đủ các nhóm chất.
“Người tiêu dùng có thể yên tâm thưởng thức mì ăn liền và nhớ thêm “sắc màu” với thịt, tôm cá, rau củ vào tô mì của mình. Trong trường hợp trong bếp không dự trữ đủ các loại thực phẩm để có bữa ăn đa dạng từ mì gói, có thể sử dụng mì ăn liền đơn thuần nhưng các bữa ăn sau thì nên đa dạng thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý” - TS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, một trong những tác hại mì ăn liền nhiều người e ngại hàng đầu là làm tăng cân, béo phì. Mối lo lắng này bắt nguồn từ suy luận mì ăn liền nhiều tinh bột, nhiều chất béo - là hai nhóm chất mà người cần giảm cân luôn muốn cắt giảm. Tuy nhiên, kết luận mì ăn liền làm tăng cân là điều không có cơ sở khoa học. Trước hết, người tiêu dùng cần hiểu rõ rằng không có thực phẩm xấu mà chỉ có bữa ăn xấu, ăn sai cách thì sẽ trở thành không tốt.
Bản thân mì ăn liền cũng như cơm, phở, bún, bánh mì… đều là thực phẩm cơ bản, không hề gây hại cho sức khỏe. Điều quan trọng là chúng ta kết hợp thêm các nguyên liệu như thế nào để có được bữa ăn đủ chất, cân bằng dinh dưỡng. “Chúng ta không thể đòi hỏi mì ăn liền có thể cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng được. Tuy nhiên, người dân có thể khắc phục bằng cách bổ sung các nguyên liệu khác vào như rau củ, thịt, tôm, trứng…” - PGS.TS Lê Bạch Mai lưu ý.