Đảm bảo đủ giáo viên dạy tích hợp theo chương trình mới

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì hội nghị.

Phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện của học sinh
Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) là chương trình đầu tiên được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học/hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất, năng lực học sinh.
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK bước đầu đã có kết quả tích cực. 5 nhà xuất bản với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn, trình thẩm định và được phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1; 3 bộ SFK lớp 2; 3 bộ bộ SGK lớp 6, ở đầy đủ các môn học/hoạt động giáo dục theo CT GDPT 2018 và bảo đảm chất lượng.
Năm học đầu tiên triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 1, các nhà trường đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Thầy cô cơ bản đã biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc sử dụng SGK và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học đã phù hợp thực tiễn.
 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận kết quả đạt được trong dạy SGK mới lớp 1
Kết quả học tập của học sinh lớp 1 năm vừa qua cho thấy, 100% hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Đặc biệt học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có một số năng lực nổi trội hơn so với các khoá học trước thực hiện CT GDPT hiện hành. Tỷ lệ học sinh lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn Tiếng Việt và Toán lớp 1 năm học 2020-2021 đều cao hơn năm học 2019-2020; tỷ lệ chưa hoàn thành giảm.
Từ giám sát thực tế và báo cáo của Bộ GD&ĐT, báo cáo của các địa phương, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những kết quả đạt được trong xây dựng chương trình, xã hội hoá SGK, dạy học lớp 1. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, CT GDPT 2018 đã được xây dựng với quy trình đảm bảo tính khoa học, khả thi; khung chương trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; chương trình đảm bỏa tính toàn diện, bài bản, tiến bộ…
Bảo đảm đủ giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới

Sau một năm triển khai chương trình GDPT mới, đại diện các địa phương đều khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu cần thực hiện, nên các địa phương năm vừa qua đã đầu tư dồn lực cho thực hiện chương trình lớp 1. Tuy nhiên, chặng đường dài để triển khai CT GDPT 2018, các điều kiện triển khai về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất sẽ gặp không ít khó khăn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chặng đường triển khai đổi mới chương trình GDPT, bắt đầu với lớp 1 trong năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ GD&ĐT coi đây là nhiệm vụ rất trọng tâm, quyết liệt tập trung chỉ đạo, cùng với đó là sự quan tâm phối hợp của các bộ, ngành. Đặc biệt, địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm.
 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh sự quyết tâm, tính thống nhất, kiên định trong thực hiện chương trình đổi mới
Chia sẻ bài học kinh nghiệm sau một năm triển khai chương trình GDPT mới với lớp 1, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự quyết tâm, tính thống nhất, sự kiên định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc của các địa phương, ban ngành; sự dốc sức của những người triển khai trực tiếp là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Theo Bộ trưởng, quá trình đổi mới, hơn ai hết những người làm lãnh đạo, quản lý cần hiểu thấu và kiên định mục tiêu để tạo đồng thuận, thấu suốt nhưng vẫn cần làm tốt hơn nữa để tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội…Về chặng đường sắp tới, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự kiên trì trong tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới.
Trên phương diện quản lý nhà nước và cơ chế chính sách, Bộ GD&ĐT cần phải đổi mới thêm một bước. Từ chỗ quản lý nhà nước đối với cách thức dạy học, biên soạn SGK, triển khai kế hoạch như cũ; chuyển sang phương thức xã hội hóa biên soạn sách SGK, triển khai năng động hơn dành cho giáo viên và cơ sở giáo dục thì quản lý nhà nước cần có sự đổi mới tương xứng.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn SGK, để bảo đảm có được chất lượng bản thảo sách tốt nhất. Việc thẩm định, chọn sách, phát hành bảo đảm cạnh tranh lành mạnh dựa trên tiếng nói chuyên môn của các nhà giáo, cơ sở giáo dục và tinh thần không có học sinh thiếu SGK.
Riêng về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống các trường Đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT ở những năm tiếp theo.
“Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của GDPT là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy… làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt…” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.