Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đàm phán thỏa thuận thương mại tự do Anh - Mỹ: Cần chậm mà chắc

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hậu Brexit, một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ có thực sự mang lại lợi ích cho London?

Ngày 24/7, Anh và Mỹ chính thức bước vào vòng đàm phán đầu tiên, liên quan đến một thỏa thuận thương mại song phương (FTA) mới, nhằm đối phó với những kịch bản sau khi London rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit). 

Hơn 15% kim ngạch xuất khẩu của Anh sang thị trường Mỹ, nếu bỏ qua con số 47% sang 27 quốc gia châu Âu, tỷ lệ này lớn hơn kim ngạch xuất của London tới bất kỳ quốc gia nào. Xét về vị thế thương mại, Mỹ và Anh là hai nhà xuất khẩu dịch vụ ưu việt với sự hiểu biết song phương sâu sắc và DN hai bên đều có sự cạnh tranh lành mạnh tạo, tạo tiền đề cho những hợp tác lâu dài hơn nữa. Dự báo FTA với Mỹ có thể giúp Anh có thêm 40 tỷ Bảng vào năm 2030 nên không ngạc nhiên khi đa số các chính trị gia ủng hộ phương án một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa hai bên. Đây cũng là mục tiêu lý tưởng với một nước Anh hậu Brexit khi vừa phải đối mặt với nhiều nguy cơ về kinh tế, vừa mong muốn tiếp tục giữ tiếng nói trong các thể chế tài chính toàn cầu.

 

Thủ tướng Anh nuôi dưỡng dự định về một FTA với Washington từ chuyến thăm Mỹ hồi tháng 1/2017, và tái đề cập với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị G20 tại Hamburg (Đức) gần đây. Đáp lại thiện chí từ nhà lãnh đạo London, ông chủ Nhà Trắng khẳng định FTA Anh – Mỹ với “quy mô lớn” và “đầy sức mạnh” sẽ nhanh chóng được triển khai. Có thể nói, Anh cần FTA này hơn là Mỹ, tuy nhiên “đánh nhanh, thắng nhanh” có phải phương án tối ưu cho London?

Mỹ có những nhà thương thuyết đầy quyền lực, trong khi Anh đã nhượng lại chính sách và bí quyết của mình cho Ủy ban châu Âu trong nhiều thập kỷ khi còn trong EU. Trong bất kỳ thỏa thuận nào, phía Mỹ cũng có lợi thế hơn Anh về quy mô thị trường. Với dân số gấp 5 lần Vương quốc Anh, các DN Mỹ đã hoạt động tại thị trường 330 triệu dân hoặc quy mô liên lục địa mà không có rào cản thương mại trong nhiều thập kỷ. Kinh nghiệm dày dặn của DN Mỹ trong một số lĩnh vực tạo lợi thế riêng cho họ cũng như các nhà đàm phán Mỹ.  Đàm phán FTA với Washington vào thời điểm này, nhiều khả năng sẽ mang lại những lỗ hổng và bất lợi nghiên về phía London. Giám đốc Phòng Thương mại Anh Adam Marshall khẳng định, quá vội vã khi tham gia FTA với Mỹ có thể khiến cộng đồng DN Anh đứng trước rủi ro là làn sóng thâu tóm “thù địch” bởi các tập đoàn Mỹ “săn mồi”. Chính Bộ trưởng Bộ Thương mại Anh Liam Fox trước đó phải cho rằng, đây sẽ là một cuộc đàm phán khó khăn. Thậm chí, nếu đàm phán thành công thì Anh cũng sẽ không thể hưởng lợi ngay lập tức từ thỏa thuận này, bởi phải đến tháng 3/2019 cuộc đàm phán về Brexit mới hoàn tất, khi đó Anh - EU sẽ chính thức chia tay.

Bên cạnh đó, chính phủ Anh cần điều chỉnh các hiệp định an ninh, thuế quan và đầu tư hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng và thay đổi một số cơ chế nếu tham gia FTA với Mỹ. Song song đó, London cần hỗ trợ các DN nước này tiếp cận khám phá thị trường Mỹ, dần dần dỡ bỏ những rào cản thương mại song phương quy mô nhỏ, cho họ cơ hội “tập dượt” làm ăn với “người bạn lớn”. Những bước đi chậm nhưng chắc chắn này sẽ dẫn mở đường cho một thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ cân bằng về lợi ích.