Đàm phán thương mại Mỹ - Trung "dễ thở" hơn sau động thái bất ngờ này của Bắc Kinh

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự hiện diện của một nhân vật cho thấy Trung Quốc đang dồn nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lạc quan rằng họ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại “hợp lý” với Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cử một trong những phụ tá hàng đầu của ông tham gia đàm phán ở Bắc Kinh.

 Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

“Khả năng cao là sẽ có được một thỏa thuận hợp lý với Trung Quốc, chúng ta có thể theo đuổi và giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng giữa hai bên”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chia sẻ với CNBC hôm 7/1.

Ông Ross cho biết thỏa thuận tiềm năng này sẽ cho phép Trung Quốc nhập khẩu thêm đậu nành và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, trong khi Bắc Kinh cũng nhất trí cải cách cấu trúc sâu hơn về các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường.

Nỗ lực “chốt” thỏa thuận của ông Tập

Bình luận của ông Ross được đưa ra vài giờ sau khi các đàm phán tại Bắc Kinh cho thấy tiến triển tốt, sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc dự kiến sẽ tham gia cuộc hội đàm cấp trung giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc.

Ông Lưu Hạc là người phát ngôn thương mại hàng đầu của ông Tập trong thời gian xung đột vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đó ​​hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt thuế quan lên tổng cộng 360 tỷ USD hàng nhập khẩu của nhau.

Leland Miller, giám đốc điều hành của China Beige Book, hãng phân tích dữ liệu khảo sát DN Trung Quốc khẳng định, sự hiện diện của ông Lưu Hạc tại cuộc đàm phán là một biểu tượng cho thấy nỗ lực “chốt” của cá nhân ông Tập cho một thỏa thuận với Mỹ. “Bắc Kinh tỏ ý rằng thỏa thuận này đã được ủng hộ ở mức cao nhất”, theo ông Miller.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi hai cường quốc kinh tế giảm căng thẳng. Ông Trump đã gia hạn cho Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho đến ngày 1/3 để đàm phán một thỏa thuận với Trung Quốc về thay đổi cấu trúc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hai bên đã tỏ ra nỗ lực trong vài tháng qua, nhưng tiến triển vẫn dậm chân tại chỗ.

Vấn đề nhức nhối

"Ngay cả khi đạt được thỏa thuận ban đầu, việc thực thi vẫn là vấn đề nhức nhối", ông Ross nói. Các quan chức Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc đã không thực hiện được những cam kết cải cách trong quá khứ, bao gồm các cam kết mở cửa cho nhập khẩu và đầu tư nước ngoài sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.

 Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer

“Một thỏa thuận là tín hiệu tốt, nhưng trong quá khứ Trung Quốc vốn không tuân thủ tốt các thỏa thuận”, ông Ross nói. "Do đó, vấn đề thực sự là các cơ chế thực thi, các hình phạt có thể triển khai nếu mọi người không tuân theo những gì họ cam kết?"

Các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ kéo dài hết ngày 8/1, trong khi ông Lighthizer dự kiến ​​sẽ gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc vào cuối tháng này.

Đây là vòng đàm phán trực diện đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi lãnh đạo hai nước gặp nhau tại Argentina vào ngày 1/12/2018 và đồng ý tạm thời đình chiến trong cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng. Nhiều thảo luận cấp cao hơn có thể diễn ra trong tháng này, khi South China Morning Post đưa tin rằng ông Trump và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn có khả năng gặp gỡ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.