Dẫn đầu tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạngThực hiện lộ trình xây dựng Thành phố thông minh, trong những năm qua, Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về ứng dụng CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Đến nay, TP đã triển khai cổng DVCTT cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực: Tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông trên một nền tảng thống nhất tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Ðến nay, 100% đơn vị trong hệ thống chính trị TP đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử. Trên toàn TP đã có 386 dịch vụ công mức độ 3 và 170 dịch vụ công mức độ 4 chiếm hơn 30% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính TP. Trên cơ sở danh mục DVCTT đã được TP phê duyệt, Sở TT&TT cũng đang phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai để đảm bảo đến hết năm 2018 đạt tỷ lệ 55% thủ tục hành chính được cung cấp mức độ 3 - 4. Với những nỗ lực trong triển khai, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt gần 100%; 70% người dân tự nộp hồ sơ trực tuyến.Đáng chú ý, Sở TT&TT đang tổ chức triển khai thử nghiệm hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP, kết nối các DVCTT mức độ 3 - 4 tại một số sở, quận, huyện. Đồng thời, đang tích cực xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hà Nội và Đề án xây dựng Thành phố thông minh để trình UBND TP ban hành trong năm 2018. Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của các cơ quan ban ngành còn giúp hoạt động minh bạch, nhanh chóng hơn. Theo kết quả xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT index) năm 2018, do Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam công bố, Hà Nội xếp thứ ba cả nước.Triển khai các giải pháp phát triển hạ tầngDù đã đạt kết quả rất tích cực, nhưng trên thực tế, sự tương tác của người dân với các DVCTT vẫn có những hạn chế đang dần được giải quyết. Trong đó nhiều thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng độc thân hiện nay đều có thể làm trực tuyến, song người dân vẫn có thói quen đến trụ sở hành chính làm trực tiếp. Do vậy, thời gian bị kéo dài ra do các cán bộ tiếp nhận phải đăng nhập dữ liệu vào hệ thống (việc đáng lẽ ra công dân làm trước) rồi mới tiến hành giải quyết.Trong thông báo số 1559 truyền đạt kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải sau cuộc làm việc với Sở TT&TT vừa qua cũng nêu rõ, để phát huy vị trí là địa phương đi đầu cả nước trong ứng dụng CNTT, Sở cần chú trọng tăng cường phối hợp với Sở Nội vụ và các sở chuyên ngành triển khai tốt ứng dụng CNTT trong thực hiện cải cách hành chính, điều hành, xử lý công việc. Phấn đấu đến năm 2020, đạt chỉ tiêu 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3 - 4. Triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ thực hiện DVCTT tại nhà. Qua đó, phát huy hiệu quả thực chất của DVCTT…Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, tập trung triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng và các dịch vụ bưu chính, viễn thông theo xu hướng công nghệ mới, hiện đại. Đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống mạng diện rộng, hạ tầng CNTT của TP gắn với tăng cường các giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Sở tham mưu TP hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, phát triển công nghiệp CNTT, hình thành, triển khai Trung tâm Điều hành thông minh và các thành phần cơ bản của TP. Cùng với đó, có giải pháp để khuyến khích khởi nghiệp mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực CNTT.