70 năm giải phóng Thủ đô

Dần xóa bỏ giết mổ nhỏ lẻ

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây đã giảm dần.

 Giết mổ lợn tại lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì).
Theo thống kê, toàn TP hiện có 749 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chỉ có 7 cơ sở quy mô công nghiệp, 24 cơ sở bán công nghiệp; còn lại 718 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công.
Một tín hiệu tích cực là số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn TP đang ngày một giảm dần. Nếu như năm 2017, toàn TP có 1.074 cơ sở, giảm 10% so với năm 2016 thì đến năm 2018 còn 988 cơ sở, giảm 10% so với năm 2017. Đến năm 2019, trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 749 cơ sở, giảm 24% so với năm 2018.
Mặc dù vậy, TP hiện mới kiểm soát giết mổ tại 98 cơ sở với lượng thịt tiêu thụ khoảng 600 tấn/ngày. Theo đó, hàng ngàn tấn thịt động vật được lưu thông trên thị trường nhưng không có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Điều này khiến vấn đề an toàn thực phẩm trở nên rất đáng lo ngại.
Để từng bước xóa bỏ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, UBND TP đã phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa Hà Nội”. Tiếp đó, TP đã tích cực ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và tìm kiếm, thu hút, giới thiệu, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ theo quy hoạch; hướng dẫn nhà đầu tư về quy trình, thủ tục, hồ sơ và thẩm định dự án đầu tư, lựa chọn dây chuyền công nghệ giết mổ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, phù hợp với tình hình thực tế của TP. Căn cứ vào các Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, UBND TP cũng đã thí điểm một số chính sách hỗ trợ. Cụ thể, hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba. Theo thống kê, từ năm 2014 đến đầu năm 2020, TP đã hỗ trợ 6 cơ sở giết mổ công nghiệp với tổng số tiền trên 26,6 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực tế hiện nay, việc phát triển các cơ sở giết mổ hiện đại vẫn đang gặp một số khó khăn, hạn chế. Đơn cử như còn thiếu các DN lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp. Việc tiếp cận đất đai, vốn để tổ chức sản xuất lớn còn nhiều rào cản. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, tổ chức, DN tham gia, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm. Đây là những vấn đề đang tiếp tục được ngành nông nghiệp Hà Nội quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ.