Câu hỏi
Trong xã hội ngày nay, có nhiều đôi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà chưa đăng ký kết hôn. Hoặc vì lý do nào đó mà họ mới chỉ tổ chức cưới hỏi mà chưa kịp đăng ký kết hôn. Liệu đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014, để kết hôn nam, nữ phải tuân thủ các điều kiện sau:
- Về độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này nam và nữ đều đã đủ năng lực hành vi dân sự, thể chất và trí tuệ đều được hoàn thiện, có thể tự lao động nuôi sống bản thân và chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định. Hai bên nam nữ khi tiến tới quan hệ hôn nhân phải trên cơ sở tự nguyện, không được lừa dối, cưỡng ép kết hôn.
- Về năng lực chủ thể: Nam nữ kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự. Tại thời điểm kết hôn, nam nữ đủ khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như: Kết hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Từ quy định trên có thể thấy, pháp luật hiện hành không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi cưới và cũng như không quy định sau khi cưới bao lâu phải làm thủ tục đăng ký kết hôn. Do đó, nếu sau khi cưới mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật và cũng không bị xử phạt.
Tuy nhiên, nam nữ kết hôn không đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ vợ chồng và cũng sẽ kéo theo nhiều hệ quả không đáng có. Do đó, đăng ký kết hôn là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân. Nếu vợ chồng không đi đăng ký kết hôn thì hôn nhân đó không được pháp luật công nhận và nếu có phát sinh tranh chấp hoặc các vấn đề về hôn nhân gia đình, quyền lợi giữa vợ chồng sẽ không được đảm bảo.
Tuy nhiên, cần lưu ý: Nếu nam/nữ đã có vợ/chồng lại chung sống như vợ/chồng với người khác thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ chồng, xâm phạm quan hệ hôn nhân, vi phạm đạo đức cũng như vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
Như vậy, pháp luật hiện hành không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi cưới, cũng như không quy định sau cưới bao lâu phải làm thủ tục đăng ký kết hôn. Do đó, nếu sau khi cưới, vợ chồng chậm làm thủ tục hoặc không làm thủ tục đăng ký kết hôn thì không bị phạt nếu không vi phạm điều cấm. Để được công nhận là hôn nhân hợp pháp, nam nữ cần đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình cũng như con cái sau này.
Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Hà Nội
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn