Câu hỏi:
Anh em tôi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp thừa kế đất đai, nhưng hiện tại tôi đang công tác ở nước ngoài. Vừa rồi Toà án gửi giấy mời tham dự nhưng do bận việc, tôi không thể về nước. Tôi đang ở nước ngoài, liệu có thể giải quyết tranh chấp thừa kế thế nào?
Trả lời:
Trường hợp bạn đã mời luật sư để giải quyết tranh chấp thừa kế, bạn có thể làm giấy uỷ quyền cho luật sư để tham gia giải quyết tranh chấp.
Theo đó, bất kỳ ai đều có thể đại diện theo ủy quyền của đương sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Điều luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019. Các trường hợp không được đại diện theo ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa cụ thể như sau:
– Đại diện theo ủy quyền trong vụ án ly hôn (căn cứ tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự).
– Nếu người nhận ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp với nhau (Căn cứ khoản 1 điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự).
– Nếu người nhận ủy quyền đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc tranh chấp (Căn cứ khoản 1 điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Tranh chấp thừa kế không thuộc trường hợp không được đại diện theo ủy quyền nêu trên nên được làm giấy ủy quyền cho người khác thay tham gia tố tụng nhằm giải quyết tranh chấp thừa kế. Điều kiện của người nhận ủy quyền phải đáp ứng theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015, người nhận ủy quyền phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Căn cứ vào quy định Điều 186 về quyền khởi kiện vụ án: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc khởi kiện phải do người ủy quyền quyết định, người ủy quyền phải là người ký vào đơn khởi kiện, và họ là nguyên đơn của vụ án. Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là bị đơn. Người được ủy quyền tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền sau khi có đơn khởi kiện.Theo đó, người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản uỷ quyền.
Khi đã có giấy ủy quyền cho luật sư thì đương sự không cần phải có mặt tại Tòa án trong quá trình giải quyết tại Toà án. Nếu bạn đang ở nước ngoài thì giấy uỷ quyền làm tại đại sứ quán Việt Nam nơi bạn sinh sống ở nước ngoài. Phạm vi thực hiện uỷ quyền căn cứ theo nội dung trong Giấy uỷ quyền.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn.