Đẳng sâm - thuốc quý bổ khí huyết

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẳng sâm hay còn gọi là Đảng sâm, Thượng đảng nhân sâm; tên khoa học là Campanumoea javanica Blume, họ Hoa chuông.

Đẳng sâm là loại cây cỏ sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1,5 - 2cm, phân nhánh, đầu rễ phình to có nhiều vết sẹo lồi của thân củ, thường chỉ có một rễ trụ mà không có rễ nhánh, càng nhỏ về phía đuôi; lúc tươi màu trắng; sau khô rễ có màu vàng, có nếp nhăn.

Thân Đẳng sâm mọc thành từng cụm vào mùa Xuân, bò trên mặt đất hay leo vào cây khác, thân màu tím sẫm, có lông thưa, phần ngọn không lông. Lá mọc cách hình trứng hay hình trứng tròn, đuôi lá nhọn, phần gần cuống hình tim, mép nguyên, màu xanh hơi pha vàng, mặt trên có lông nhung, mặt dưới màu trắng xám nhẵn hoặc có lông rải rác, dài 3 - 8cm, rộng 2 - 4cm.

Vị thuốc quý Đẳng sâm
Vị thuốc quý Đẳng sâm


Hoa Đẳng sâm màu xanh nhạt, mọc riêng lẻ ở kẽ nách lá, có cuống dài 2 - 6cm, đài tràng hình chuông, gồm 5 phiến hẹp, 5 cánh có vân màu tím ở họng, lúc sắp rụng trở thành màu vàng nhạt, chia làm 5 thùy, nhụy 5, chỉ nhụy hơi dẹt, bao phấn đính gốc. Quả bổ đôi, hình chùy tròn, 3 tâm bì, đầu hơi bằng, có đài ngắn, lúc chín thì nứt ra. Có nhiều hạt màu nâu nhẵn bóng.

Đẳng sâm có nhiều ở Trung Quốc. Từ những năm 1961, Viện Dược liệu Việt Nam đã phát hiện Đẳng sâm ở các tỉnh phía Bắc (Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn) và Tây Nguyên (Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai).

Đẳng sâm được thu hái vào mùa Đông, lúc cây đã úa vàng, rụng lá hoặc tới đầu Xuân năm sau lúc cây chưa đâm chồi nảy lộc. Khi thu hái, phải đào cả rễ sâu trên 0,7m và không làm trầy xát rễ. Đảng sâm được bảo quản bằng cách đậy kín, tránh ẩm, cần để nơi thoáng gió, khô ráo đề phòng sâu mốc vì đây là loạt thảo dược ngọt, rất dễ bị mọt.

Theo y học hiện đại, Đẳng sâm có chứa nhiều saponin, giống như Nhân sâm. Các thầy thuốc thường dùng Đẳng sâm thay thế cho Nhân sâm trong một số bài thuốc, vì có công dụng gần giống nhau nhưng Đẳng sâm rất rẻ, dễ kiếm.

Theo Đông y, Đẳng sâm vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ và phế. Có tác dụng bổ trung, ích khí, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng huyết, dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, khí hư huyết hư, thể trạng mệt mỏi vô lực, ăn kém, đại tiện lỏng...

Đẳng sâm đã có thể bổ khí lại có thể bổ huyết, chuyên điều lý về các bệnh tật của các bệnh tỳ vị. Trong các bài thuốc kinh điển như: tứ quân tử thang, Bát vị, Thập toàn đại bổ…, có thể dùng Đẳng sâm thay thế cho Nhân sâm hoặc dùng cả Nhân sâm lẫn Đẳng sâm cho những trường hợp: tỳ hư, ăn kém, mệt mỏi, phế hư…

Cũng có ý kiến cho rằng, tất cả bài thuốc có Nhân sâm đều dùng Đẳng sâm thay thế được, tuy Đẳng sâm sức bổ yếu hơn.Về ưu điểm, Đẳng sâm kiện tỳ mà không táo, bổ vị mà không thấp; còn Nhân sâm hơi cương táo.

Trong kinh nghiệm chữa bệnh, có dùng Đẳng sâm trong các bài thuốc kinh điển như bài Bát trân thang trong chữa vô sinh - hiếm muộn nữ do khí huyết suy. Bài thuốc gồm: đương quy 12g, Đẳng sâm 12g, Xuyên khung 8g, Bạch linh 12g, Bạch thược 12g, Bạch truật 12g, Thục địa 12g, Cam thảo 6g. Trong đó, Đẳng sâm được thay thế cho Nhân sâm.

Đẳng sâm là vị thuốc thông dụng, nhưng dùng thuốc cần theo chỉ dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm, không tùy tiện sử dụng. Khi dùng Đẳng sâm thay thế cho Nhân sâm trong bài thuốc, thầy thuốc sẽ cân nhắc về liều lượng (thường là tăng lên), cân nhắc nên chỉ thay thế một phần hay hoàn toàn vì hai vị thuốc này không hoàn toàn giống nhau trong bổ khí.

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần