70 năm giải phóng Thủ đô

Đằng sau "cú chào sân" 760 triệu USD của Trung Quốc tại Nga

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một công ty nhà nước Trung Quốc vừa trở thành nhà thầu nước ngoài đầu tiên trong chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu của chính quyền Tổng thống Nga Putin.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo thỏa thuận trị giá 760 triệu USD, một phần trong kế hoạch xây dựng đường cao tốc Moscow - Kazan dài 729km, đã được trao cho Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCCI). Tuy nhiên, đây có thể chỉ là "cú chào sân", mở đường cho việc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng Nga của Trung Quốc trong tương lai.

Lần đầu tiên, một công ty Trung Quốc tham gia vào chương trình Các dự án quốc gia của Chính phủ Moscow, hướng tới phục hồi nền kinh tế vốn đang gặp khó của Nga, trước áp lực ngày càng tăng từ giá dầu thấp, các lệnh trừng phạt của phương Tây và đại dịch Covid-19 gây ra cùng lúc.

Hợp đồng được ký trước thềm cuộc họp ngày 29/9 của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác vùng Đông Bắc Trung Quốc với vùng Viễn Đông và Baikal của Nga. Cuộc họp sẽ do Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa và người đồng cấp Nga Yury Trutnev đồng chủ trì.

Đường cao tốc Moscow - Kazan là một phần của cái gọi là hành lang đường bộ Tây Âu - Tây Trung Quốc, kéo dài hơn 8.000km từ TP duyên hải Liên Vân Cảng của Trung Quốc, qua Kazakhstan và điểm đến cuối cùng là TP St Petersburg ở phía Tây nước Nga.

CRCCI, một công ty con của Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) thuộc sở hữu nhà nước, sẽ đảm nhiệm việc khảo sát, thiết kế và xây dựng đoạn thứ 5, dài 107km, của tuyến đường nối thủ đô Cộng hòa bán tự trị Tatarstan của Nga ở phía Tây Nam với Moscow.

Dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2024, đường cao tốc này sẽ cắt giảm gần một nửa thời gian di chuyển giữa 2 TP, từ 12 giờ xuống chỉ còn 6 giờ 30 phút. Chi tiết đầy đủ của thỏa thuận không được công bố, nhưng theo Meng Tao - Tổng Giám đốc chi nhánh Eurasia của CRCCI nói với Tân Hoa Xã, hợp đồng bao gồm tất cả các cơ sở liên quan, bao gồm các trạm thu phí và xăng dầu.

Đối với Moscow, đường cao tốc này được coi là công cụ quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế địa phương. Hồi tháng 7, tân Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã mô tả đây là “một phần thiết yếu của kế hoạch hành động quốc gia nhằm giảm thiểu hậu quả của sự bùng phát Covid-19 và hỗ trợ các ngành then chốt của nền kinh tế". Theo ông, dự án sẽ tạo động lực cho các khu vực để tăng tốc phát triển, đưa mức tăng trưởng GDP khu vực dự kiến ​​vượt quá 500 tỷ ruble (6,5 tỷ USD) vào năm 2050.
Moscow đặt nhiều kỳ vọng vào tuyến đường cao tốc Moscow - Kazan.
Trong khi các nhà quan sát khu vực tin rằng, thỏa thuận tiên phong này giữa Nga - Trung có thể được coi là một nỗ lực nhằm củng cố quan hệ kinh tế vào thời điểm cả 2 nước đang chịu áp lực ngày càng lớn từ phương Tây.

Bắc Kinh đã và đang đối đầu gay gắt với Mỹ trên nhiều mặt trận, trong khi Moscow, vốn vẫn đang chịu trừng phạt vì sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014, nay lại phải đối mặt với những chỉ trích mới về vụ đầu độc nhà lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny.

Thực tế, một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 22 tỷ USD nối Kazan và Moscow đã được lên kế hoạch vào năm 2013 nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở Nga về mức giá của nó.

"Chi phí cho đường cao tốc thấp hơn nhiều so với đường sắt cao tốc và nó cũng có thể giúp 2 bên thúc đẩy quan hệ song phương, tiến tới đạt được mục tiêu 100 tỷ USD kim ngạch thương mại trong năm nay ngay cả giữa đại dịch", chuyên gia người Nga Li Lifan tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nói với SCMP.

Artyom Lukin - Phó giáo sư của ĐH Liên bang Viễn Đông của Nga, thì lưu ý rằng CRRCI là công ty xây dựng nước ngoài duy nhất giành được hợp đồng.

"Nó có thể được định hình như một dự án thử nghiệm. Nếu suôn sẻ, các công ty Trung Quốc có thể nhận được nhiều hợp đồng hơn trong việc xây dựng đường sá và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác của Nga", ông Lukin nhận định, "các công ty Trung Quốc như CRCC là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong việc hiện thực hóa các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Bằng cách trao hợp đồng cho CRCC, Chính phủ Nga có thể đang tìm cách học hỏi chuyên môn của Trung Quốc".

Theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường được đẩy mạnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt tay vào một chương trình đầu tư và xây dựng đầy tham vọng, với các tuyến đường, cảng, cầu và đường sắt kết nối với châu Á, châu Âu và xa hơn thế nữa.

Tuy nhiên, đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Nga lại tương đối trầm lắng, chủ yếu là trong lĩnh vực năng lượng, mặc dù cả 2 nước cùng quan tâm đến việc cải thiện các liên kết xuyên lục địa Á - Âu.

Theo ông Lukin, điều này một phần là do các chính quyền địa phương của Nga, trong khi rất cần đầu tư, lại ưa thích các DN trong nước hơn các nhà thầu Trung Quốc. Từ đó, ông phỏng đoán: "Nếu Trung Quốc bắt đầu được đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng của Nga, một số hợp đồng được trao cho các công ty Trung Quốc nhưng hẳn một phần đáng kể cũng phải được giao cho các nhà thầu Nga".

“Quyết định để CRCC tham gia xây dựng đường cao tốc Moscow - Kazan có thể là một dấu hiệu cho thấy Moscow và Bắc Kinh đang tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp mà cả 2 bên đều cùng có lợi", PGS Artyom Lukin nói.