Đằng sau dòng chữ “đào tạo theo chương trình quốc tế”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, nhiều người học và không ít người dạy đang lo lắng phập phồng vì chất lượng đào tạo theo mô hình chất lượng cao hay đào tạo theo chương trình quốc tế

KTĐT - Hiện nay, nhiều người học và không ít người dạy đang lo lắng phập phồng vì chất lượng đào tạo theo mô hình chất lượng cao hay đào tạo theo chương trình quốc tế tại khá nhiều trường đại học, đặc biệt đối với một số trường đại học dân lập. Ngoài một số trường tăng cường liên kết quốc tế theo hướng thực chất thì cũng xuất hiện trường hợp gắn thêm mắc này chỉ là một chiêu thức quảng báo. Chính điều này, đã khiến không ít người đặt câu hỏi là đằng sau dòng chữ quảng bá “đào tạo chất lượng quốc tế” các trường đang trưng ra thực chất là gì.

Chuyện các trường quảng cáo và phô trương thái quá về hình ảnh của mình đang xảy ra ngày càng nhiều. Không hiếm trường đại học tự nhận mình là trường có “đẳng cấp” hoặc “đào tạo chất lượng cao”... Thế nhưng khi cơ quan chức năng thẩm tra, thì mới phát hiện ra số lượng giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ mà trường đăng ký trong danh sách giảng viên cơ hữu không hề tồn tại. Tương tự với một vài trường đại học, cái gọi là đẳng cấp hay chất lượng cao thực ra chỉ là việc nhà trường “tân trang” hoặc “nâng cấp” một số phòng học theo hướng “máy lạnh hóa” chứ chẳng phải là nâng cao chất lượng chương trình đào tạo hay bồi bổ nguồn lực bằng một đội ngũ giảng viên có học vị và thực chất.


Cùng với đó, một số số trường đại học mới thành lập hoặc đã hoạt động nay đổi tên thành trường ĐH quốc tế. Về việc này, theo bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT, việc các trường gắn từ quốc tế vào là hoàn toàn không có trong quy định. Quy định đặt tên trường chỉ được phép lấy địa danh, ngành đào tạo, danh nhân văn hóa... chứ chưa đề cập tới từ quốc tế. Bản thân mỗi cái tên trường có chữ quốc tế không nên nghĩ mặc nhiên trường có đào tạo chất lượng quốc tế.


Thực tế, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế hay chương trình đào tạo chất lượng cao hiện nay đang được toàn xã hội quan tâm bởi khả năng có thể lấy bằng có đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam cũng là điều đáng mừng. Các trường ĐH cũng nắm bắt nhanh nhu cầu này và đang có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc liên kết đào tạo để có chất lượng, bằng cấp quốc tế trong các trường ĐH trong nước còn gặp nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề được đề cập nhiều là công tác kiểm định còn mới mẻ và thiếu kinh nghiệm. Kiểm định ở cấp trường còn hạn chế chỉ mới thực hiện ở vài trường, còn kiểm định chương trình đào tạo chưa chính thức. Các chương trình liên kết đào tạo chủ yếu mới được kiểm tra vào lúc đầu không theo tiêu chí cụ thể, thiếu kiểm soát toàn bộ quy trình đánh giá và giám sát... dẫn đến khó bảo vệ người tiêu dùng là sinh viên và người sử dụng lao động. Không ít trường gọi là liên kết theo chương trình đào tạo quốc tế, nhưng thực chất chương trình đào tạo chỉ thuần túy nâng cấp chương trình đào tạo từ chương trình khung của Bộ, bổ sung, cập nhật một số nội dung đào tạo của nước ngoài.


Hiện nay, chỉ có một ít trường đại học có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thật sự có hiệu quả, cập nhật thông tin và thu hút học viên, xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà học viên bỏ ra. Còn với đa số các trường đại học dân lập và kể cả đại học công lập, chương trình đào tạo chất lượng cao vẫn là một cái gì đó vá víu, thậm chí đi lệch hẳn khỏi quỹ đạo của chương trình đào tạo khung của Bộ. Trong khi, kế hoạch nhập khẩu và biên soạn lại chương trình đào tạo của nước ngoài do Bộ chủ trì vẫn triển khai rất chậm, hầu như chưa có tiến triển gì đáng kể.


Bài học được nhiều người đưa ra, khi hợp tác với đối tác có uy tín thì bản thân trường ĐH Việt Nam cũng tăng “thương hiệu”, đồng thời, cũng học hỏi được ở trường nước bạn nhiều kinh nghiệm. Việc thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế là sẽ tạo ra môi trường tốt hơn cho cả giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, việc liên kết này phải liên tục được kiểm tra, rà soát hàng năm để đảm bảo chất lượng. Nhưng trước khi Bộ có những quy định, kiểm tra, thanh tra, chính người học phải tự kiểm tra, tìm hiểu về trường có quảng bá về đào tạo theo chương trình chất lượng cao, chương trình quốc tế chứ không phải dựa vào cái tên có gắn mác để lựa chọn.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần