Đằng sau những “siêu tàu” hàng chục tỷ đồng

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Làm ăn thua lỗ, triền miên trong nợ nần, những con tàu vỏ thép hàng chục tỷ đồng đã biến giấc mộng làm giàu ngày nào của nhiều ngư dân trở thành cơn ác mộng vì trắng tay.

Tàu đấu giá, nhà kê biên

Từng là một ngư dân sản xuất kinh doanh giỏi nức tiếng gần xa, không ai ngờ ông Phạm Trí Thức (67 tuổi, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) lại có ngày lâm vào tình cảnh bi đát như hiện nay.

Ông Phạm Trí Thức - Chủ tàu vỏ thép QNg 91999TS .
Ông Phạm Trí Thức - Chủ tàu vỏ thép QNg 91999TS .

Sau nhiều đêm thức trắng, gương mặt ông Thức càng thêm hốc hác, trõm sâu vì lo âu đè nặng. Càng tiệm cận ngày bị siết nhà trừ nợ, ông Thức càng trở nên bế tắc đến cùng quẫn. “Cũng là vì tàu vỏ thép!”, ông Thức chua chát.

Tầm chục năm trước, 3 chiếc tàu vỏ gỗ của ngư dân Phạm Trí Thức dọc ngang khắp các vùng biển với sản lượng đánh bắt mỗi năm bình quân vào độ 150 tấn, quá nửa trong đó là cá được xuất khẩu đi các nước, mang về nguồn thu nhập không hề nhỏ cho gia đình và bạn tàu. Gần 30 năm sống với nghề biển, khối tài sản ông Thức thời điểm đó đã ngấp nghé chục tỷ đồng. Trong nhà, không thiếu các kỷ niệm chương, bằng khen liên quan đến đánh bắt thủy sản, bảo vệ biển đảo...

Nghị định 67 ra đời, ông Thức bán 3 con tàu gỗ, vay thêm tiền đóng tàu vỏ thép với quyết tâm “làm ăn lớn”. Tàu vỏ thép QNg 91999TS với công suất gần 1.000 mã lực, tính thêm cả ngư lưới cụ có tổng trị giá 16,6 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ ngân hàng lên đến 15,8 tỷ đồng. Ngôi nhà với diện tích hơn 120m2 cũng mang đi thế chấp để vay vốn… Năm 2017, con tàu được hoàn thành. Ngày tàu hạ thủy, có lẽ cũng là ngày khởi đầu cho chuỗi bi kịch của ông Thức.

Ngay năm đầu tiên, việc đánh bắt trên vùng biển xa đã gặp khó khăn vì thuyền viên còn lúng túng khi hành nghề trên tàu vỏ thép, hiệu quả khai thác hải sản không cao. Đầu 2018, ông Thức nợ quá hạn nên bị ngân hàng khởi kiện lần đầu. Ở lần này, phía ngân hàng rút đơn kiện do thấy ông có thiện chí trả nợ. Đến tháng 11/2018, ngân hàng tiếp tục cho ông vay vốn lưu động để mua ngư lưới cụ.

Cuối năm đó, tàu gặp lốc xoáy bất ngờ, mất 158 tấm lưới, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Không được bảo hiểm chi trả, cũng không vay được tiền, tàu vỏ thép của ông Thức nằm bờ. Nợ chồng nợ, giấc mộng làm giàu đã trở thành cơn ác mộng! Phía ngân hàng lại tiếp tục khởi kiện.

Năm 2021, tàu vỏ thép QNg 91999TS đã được ngân hàng bán đấu giá với số tiền gần 2 tỷ đồng vì chủ tàu không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng theo hợp đồng. Ông Thức chạy tàu ba ngày, ba đêm vào tận Gò Công (tỉnh Tiền Giang) giao cho chủ mới, nhận lại hơn 5 triệu đồng tiền công mà đứt ruột. Đây cũng là chuyến đi cuối cùng của ông với con tàu vỏ thép. Niềm hy vọng ngày nào chỉ còn là tuyệt vọng.

Giữa tháng 3/2022, ông Thức nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi, sẽ kê biên ngôi nhà của gia đình ông để trả nợ. Từ ngày nhận được thông báo, ông Thức trở nên kín tiếng, không thiết tha trò chuyện. Bán cả tàu lẫn nhà, ông vẫn chưa hết nợ!

Vỡ mộng tàu vỏ thép

Ông Thức không phải là trường hợp duy nhất ở Quảng Ngãi lao đao vì tàu vỏ thép. Trong số 11 chủ tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67, không ít người cũng rơi nước mắt vì xót xa lẫn tiếc nuối vì "bể nợ".

Tàu QNg 90999TS của ông Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) là tàu vỏ thép đầu tiên ở Quảng Ngãi, được ngân hàng hỗ trợ cho vay đóng mới theo Nghị định 67. Con tàu được hạ thủy vào đầu năm 2016, có tổng trị giá đầu tư gần 14 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ngân hàng hơn 13,2 tỷ đồng.

Sau một năm vươn khơi làm ăn ổn định, các phiên biển tiếp sau đó, tàu của ông Võ Văn Hân liên tục gặp sự cố, hỏng hóc, hiệu quả đánh bắt thấp. Năm 2018, tàu cá của ông bị mất hết ngư cụ với trị giá lên đến 3,6 tỷ đồng. Không có tiền sắm lại, tàu đành neo bờ, còn ông Hân lại theo tàu bạn kiếm cơm qua ngày.

Tàu Biển Đông 1, mang số hiệu QNg 90999 TS của ngư dân Võ Văn Hân đấu giá thanh lý nhưng không có người mua. 
Tàu Biển Đông 1, mang số hiệu QNg 90999 TS của ngư dân Võ Văn Hân đấu giá thanh lý nhưng không có người mua. 

Từ một gia đình khá giả, nhà cửa khang trang, ông Hân trở thành “con nợ” với nhiều khoản vay, nợ gốc và tiền lãi cứ ngày càng chồng chất. Mới đây, tàu vỏ thép của ông Hân bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Sơn đưa ra bán đấu giá. Tuy nhiên, đã hết thời hạn mà vẫn không có người đăng ký.

Năm 2016, ngư dân Võ Văn Tình (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) cũng cầm cố sổ đỏ để vay tiền đóng tàu vỏ thép. 2 năm sau, không trả được lãi ngân hàng, căn nhà bị kê biên với giá 150 triệu đồng. Không muốn ngôi nhà bị bán cho người ngoài, chủ tàu thỏa thuận với bà con trong dòng họ lên ngân hàng "chuộc" sổ đỏ về. Riêng con tàu vỏ thép trị giá 14 tỷ đồng ngân hàng đang rao bán với giá 1,6 tỷ đồng để thanh lý một phần nợ. 

Trắng tay vì tàu vỏ thép, gia đình lấn tạm khoảnh đất làm nơi trú ngụ, bán bánh xèo để mưu sinh. “Xưa có tàu gỗ, lời lỗ gì cũng cố được. Giờ ân hận, mất nhà, trắng tay”, chị Lê Thị Chi – vợ ngư dân Võ Văn Tình nghẹn lời.

Ở thôn Kỳ Xuyên (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi), tàu vỏ thép QNg 91131TS của ông Nguyễn Thanh Hồng đã được bán thanh lý cách đây hơn một năm để trả nợ. Đây cũng là tàu được vay vốn theo Nghị định 67, được hạ thủy năm 2016. Tàu có tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng, trong đó, 95% vốn vay từ ngân hàng.

Tàu vỏ thép QNg 91131 TS của ông Nguyễn Thanh Hồng đã bán thanh lý.
Tàu vỏ thép QNg 91131 TS của ông Nguyễn Thanh Hồng đã bán thanh lý.

“Tàu ông Hồng khi mang ra bán trả nợ được người ta mua với giá 1,7 tỷ đồng, nhà cửa cũng bán hết. Nghị định 67 là chính sách tốt, tuy nhiên nhiều ngư dân tham gia lại không có năng lực về khai thác và cũng không có năng lực về kinh tế, không tính toán kỹ phương án, trong khi nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất trong năm đầu tiên, do đó dẫn đến làm ăn thất bát, vỡ nợ”, ông Phan Hữu Nhất- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tịnh Kỳ chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 62 tàu vay vốn theo Nghị định 67 (gồm 51 tàu vỏ gỗ và 11 tàu vỏ thép) thì có đến 80% hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt bởi sự gia tăng nhanh chóng về số lượng lưới rê và tần suất khai thác quá lớn, giá nhiên liệu "leo thang" trong khi giá thủy sản lao dốc.

Trong quá trình đánh bắt trên biển, một số chủ tàu để mất ngư lưới cụ với chi phí đầu tư lên tới vài tỷ đồng, không có khả năng mua sắm lại đành phải chuyển đổi nghề với hy vọng thay đổi cách sản xuất để có thu nhập và do không thành thạo nên liên tục gặp thất bại. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là chủ tàu không thật sự có trách nhiệm trong đánh bắt, có thái độ thờ ơ...

Theo nhiều ngư dân, số tiền vay vốn thương mại đóng tàu theo Nghị định 67 quá lớn khiến họ khó có khả năng trả lãi, hơn nữa, trả lãi không đúng kỳ hạn thì không được tiếp tục bù lãi. Một số ngư dân vì đánh bắt không hiệu quả, phải vay nóng một số tiền không nhỏ để trả lãi ngân hàng, lo phí tổn ra khơi, ứng trước tiền cho bạn tàu…, đã nợ càng thêm nợ.

Trong khi chưa có chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhiều ngư dân đang phải "vỡ nợ" vì tàu vỏ thép, mộng làm giàu vỡ tan. Đằng sau những con tàu chục tỷ đồng hoen gỉ, được mua rẻ bèo sau đấu giá thậm chí không có người mua là những giấc ngủ chập chờn hoặc đêm trắng và nguy cơ mất nhà thường trực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần