Đăng tin sai gây ảnh hưởng việc kinh doanh của người khác, xử lý thế nào?
Câu hỏi
Vừa qua có một tiktoker đăng tải bài viết trên mạng xã hội: "Mình bị đuổi ra khỏi quán vì ngồi… xe lăn". Ngay lập tức, bài viết nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng. Tuy nhiên, không ít người hoài nghi về tính xác thực, có nhiều điểm bất hợp lý trong bài viết và cho rằng tác giả viết để câu view. Trong trường hợp nếu thông tin này hoàn toàn sai sự thật, ảnh hưởng tới việc kinh doanh của người khác thì xử lý thế nào?
Trả lời
Dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng là hành vi vi phạm Luật An ninh mạng. Theo Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018, tùy từng tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân của các trang tin điện tử vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Về chế tài hình sự, hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Ngoài trách nhiệm hình sự, việc đưa thông tin sai sự thật nếu gây thiệt hại đến việc kinh doanh của người khác thì cá nhân vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra theo quy định pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí để khắc phục hậu quả, những tổn thất về vật chất và tinh thần đã gây ra đối với tổ chức, cá nhân bị hại. Vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ dựa trên cơ sở yêu cầu của người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Từ sự việc trên có thể thấy việc chia sẻ, đăng tải, phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, khi hoạt động trên không gian mạng, mỗi công dân phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ các thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Sóc Sơn: Đưa tin sai sự thật, một người dùng Facebook bị phạt 5 triệu đồng
Kinhtedothi - Công an huyện Sóc Sơn đã xử phạt hành chính Nguyễn Thị Dung với số tiền 5 triệu đồng vì hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật trên trang Facebook “Dung Love”.

Youtube gỡ bỏ video chữa bệnh sai sự thật
Kinhtedothi - Trong thông báo đưa ra vào ngày 15/8, YouTube cho biết chính sách mới giúp chống lại thông tin y tế sai sự thật trên nền tảng này, bao gồm video điều trị ung thư không chính xác.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tháo gỡ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội
Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đã có cơ chế làm việc với các mạng xã hội để tháo gỡ thông tin quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu độc; thể chế hóa trong các văn bản pháp luật về trách nhiệm của mạng xã hội, quy định thời gian tháo gỡ…