Định hướng cụ thể phát triển nguồn năng lượng
Cả từ góc độ liên ngành và chuyên ngành, có một nội dung mà Dự thảo cần bổ sung đề cập sâu sắc hơn, đó là về đánh giá thực trạng, định hướng, giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện năng và các nguồn năng lượng trên địa bàn Thủ đô. Vấn đề này ngày càng bức xúc và trở thành thước đo, động lực phát triển Thủ đô tương lai theo tinh thần của Dự thảo. Bởi thực tế, tình trạng thiếu điện (thể hiện qua việc cắt cúp điện luân phiên…), cháy nổ, lãng phí trong sử dụng điện năng và các nguồn năng lượng phục vụ kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt trên địa bàn vẫn tồn tại. Điều này trực tiếp và gián tiếp hạn chế tốc độ, hiệu quả phát triển Hà Nội cả về kinh tế - xã hội, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân
Thứ hai, Dự thảo xác định Hà Nội phấn đấu đạt những mục tiêu phát triển giai đoạn tới khá cao: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025: 7,5 - 8,0%; GRDP bình quân/người: 200 - 205 triệu đồng (8.100 - 8.300 USD); tỷ trọng kinh tế số trong GRDP trên 25%. Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%. Đến năm 2025, TP hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, với tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới: 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: 30%.
Tỷ lệ đô thị hóa: 60 - 62%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 45 - 50%; tỷ lệ nước thải làng nghề được xử lý: 100%. Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo quy hoạch và theo tiêu chí đô thị, nhất là khu vực ven đô… Để đạt được tất cả những chỉ tiêu này đồng nghĩa với đòi hỏi sự gia tăng nhanh hơn và áp lực hơn về nguồn cung điện cùng các dạng năng lượng khác.
Tăng nguồn năng lượng sạch gắn ý thức sử dụng tiết kiệm
Thực tiễn trong nước và quốc tế đã khẳng định, phát triển điện nói riêng, ngành năng lượng nói chung, phải đi trước một bước. Đối với một đô thị lớn, hiện đại, yêu cầu tăng cung cấp năng lượng gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các dạng năng lượng, nhất là năng lượng sạch… lại càng trở nên cấp thiết và sẽ ngày càng phải là mục tiêu hàng đầu của Hà Nội trong thời gian tới. Điều này không chỉ là xu hướng và thông lệ tiêu chí xếp hạng đô thị xanh, thành phố thông minh trên thế giới, mà còn xuất phát từ chính áp lực thực tế của địa phương và cả nước. Qua đó để Hà Nội có thể phát triển mạnh và bền vững hạ tầng số, hạ tầng CNTT, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số… như mục tiêu Dự thảo đề ra.
Tuy nhiên, trong Dự thảo, vấn đề cung cấp và sử dụng điện năng và các dạng năng lượng khác trên địa bàn chỉ được đề cập khá ngắn và thu hẹp trong nội dung về “Phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị”, đó là “đẩy nhanh tiến độ cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp, truyền tải điện”. Với tinh thần đó, trong Dự thảo nên bổ sung những nội dung cần thiết về đánh giá tổng quát thực trạng việc cung ứng và nhu cầu sử dụng năng lượng trên địa bàn; chỉ rõ những hạn chế và định hướng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới về phát triển các dạng năng lượng sạch và sử dụng tiết kiệm, an toàn, nhất là điện năng. Đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng điện sạch như điện mặt trời; khuyến khích sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường; xây dựng các tòa nhà xanh, công sở xanh, nhà máy xanh và “xanh hóa” các con đường, quảng trường, không gian đô thị công cộng…
Những giải pháp và nhiệm vụ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các dạng năng lượng sạch đòi hỏi cần đẩy mạnh cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ TP, các sở, ngành và DN. Đổi mới chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ trên địa bàn, nhất là đội ngũ chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành. Nâng cao trình độ công nghệ trong các DN theo hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ hiện đại, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Tập trung kêu gọi, thu hút các DN, tập đoàn lớn vào đầu tư tại Hà Nội, ưu tiên ứng dụng, phát triển công nghệ cao, công nghệ mới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm sử dụng các công nghệ cao trong phân loại và tái chế rác thải sử dụng công nghệ đốt rác phát điện hiện đại và thân thiện với môi trường.