Vào những năm 1960, các nhà lập trình thông minh đã dừng ở con số "19" khi nhập dữ liệu các năm vào chương trình của họ. Điều đó giúp giảm một nửa lượng bộ nhớ cần thiết và dù đó là do lười biếng hay truyền thống thì hành động đó cũng trở thành một thông lệ trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra vào năm 2000? Liệu ngày có nhảy quay trở lại năm 1900 và gây ra việc sai lạc cũng như mất dữ liệu hàng loạt? Bất chấp sự cường điệu của giới truyền thông, câu chuyện lớn nhất về sự cố máy tính Y2K là không có chuyện gì xảy ra. Tàu hoả đã không tự động trật bánh. Các ngân hàng không đánh mất toàn bộ tiền của chúng ta. Hiện vẫn chưa rõ liệu điều gây thất vọng này đã xảy ra vì sự sẵn sàng hiếm có hay sự phóng đại vấn đề.
Theo tạp chí Forbes, công ty viễn thông AT&T thông báo đã chi 500 triệu USD để sửa các vấn đề liên quan đến Y2K. Trong khi đó, chính quyền Mỹ từng bày tỏ lo ngại về sự thiếu chuẩn bị đối phó sự cố của các trường phổ thông, các doanh nghiệp nhỏ, Trung Quốc và Nga. Dẫu vậy, không có bất kỳ đối tượng nào trong số này thông báo những lỗi lớn sau ngày 1/1/2000. Có chuyên gia nghi ngờ rằng, con số đẹp tròn trĩnh chỉ năm 2000 đã có một tác động đáng kể đến nhận thức của chúng ta về độ lớn của vấn đề, khiến chúng ta nghĩ điều gì đó chắc chắn phải xảy ra. Chúng ta sẽ tìm ra nếu sự cố xảy ra vào ngày 19/1/2038, ngày rõ ràng không tròn số khi các hệ thống máy tính 32 bit hết các con số cần thiết để chạy đúng giờ.
2. Bom giày
Vào tháng 12/2001, Richard Reid đã cố gắng kích hoạt các chất nổ gắn trong giày của hắn trên một chuyến bay từ Paris tới Miami. Để chặn đứng những kẻ đánh bom giày trong tương lai, Cơ quan quản lý an ninh giao thông (TSA) của Mỹ đã cho áp dụng các quy trình an ninh đòi hỏi tất cả các hành khách phải cởi bỏ giày và đưa chúng chạy qua máy quét trước khi lên một chuyến bay. Theo Tony Hsieh, tổng giám đốc điều hành trang web bán giày trực tuyến nổi tiếng Zappos.com, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen mua sắm của ông. Ông nhận thấy bản thân, cũng giống như hàng triệu người thường xuyên phải đi lại khác, đang mua những đôi giày có thể cởi bỏ và đi vào thật nhanh. Ông nói đã trở nên thành thạo đến đáng kinh ngạc khi chỉ sử dụng chân của mình để thực hiện công việc kỳ công này chỉ trong vòng 2 giây.
Ông Hsieh còn cho biết, mới đây đã đề xuất Uỷ ban Olympic quốc tế của Mỹ đưa hoạt động cởi giày không trợ giúp thành một môn thi đấu mới của Thế vận hội mùa đông. (Môn này sẽ khó thực hiện vào Thế vận hội mùa hè vì có quá nhiều người đi xăng-đan. Thêm vào đó, với nhiệt độ cao, mồ hôi từ chân người sẽ tương đối khó ngửi). Thật tuyệt vời khi nhìn thấy TSA phản ứng nhanh đến như vậy và áp dụng một biện pháp chắc chắn sẽ thành công trong việc ngăn chặn các nỗ lực đánh bom giày trong tương lai. Ông chủ trang web Zappos.com bộc bạch: "Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi hiện giờ là đoán xem liệu điều gì sẽ xảy ra khi một tên khủng bố táo tợn quyết định giấu chất nổ bên trong quần lót của hắn. Tôi cho là việc cởi bỏ quần lót cũng sẽ trở thành một môn thi đấu mới tại Olympic".
3. Vắc-xin gây bệnh tự kỷ
Quan điểm sai lầm về việc vắc-xin gây bệnh tự kỉ xuất hiện vào cuối những năm 1990 khi Andrew Wakefield, một bác sĩ phẫu thuật người Anh, lần đầu tiên tuyên bố trước công chúng quan điểm của mình rằng trẻ em có thể bị rối loạn tâm thần do tiêm một mũi vắc-xin phòng các bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR). Mười hai nghiên cứu sau đó khẳng định, không có bằng chứng cho thấy trẻ em tiêm MMR có nguy cơ mắc chứng tự kỉ cao hơn những trẻ khác. Tuy nhiên, quan điểm về một mối liên hệ giữa căn bệnh tự kỉ và vắc-xin đã không mất đi. Thay vào đó, nó xuất hiện trong một giả thuyết khác: thimerosal, một chất bảo quản chứa ethylmercury trong vắc-xin, là nguyên nhân gây bệnh tự kỉ.
Trong suốt thập kỉ qua, các nhóm chống vắc-xin đã đấu tranh dựa trên căn cứ trên. Khoa học tất nhiên đã phải vào cuộc nghiên cứu các giả thuyết của họ. Sáu nghiên cứu đã tập trung kiểm tra nguy cơ tự kỉ ở những người tiêm và không tiêm vắc-xin chứa thimerosal. Không một nghiên cứu nào tìm thấy bất kỳ sự khác biệt nào. Và cũng giống như phần lớn các giả thuyết giả khoa học, các giả thuyết lại chuyển hướng, cuối cùng đọng lại một giả thuyết không kiểm chứng được, và do đó có thể không bao giờ được chứng minh là sai. Ngày nay, giả thuyết thịnh hành là bệnh tự kỷ xuất phát từ việc tiêm phòng ngừa nhiều vắc-xin từ quá sớm. Trong lúc ấy, không ít trẻ em có bố mẹ khiếp sợ MMR đã thiệt mạng vì bệnh sởi và những ai khiếp sợ chất thimerosal có thể đã chết vì bệnh viêm màng não do vi khuẩn - sự hy sinh vì thờ phụng những ý tưởng ít căn cứ.
4. Dân nhập cư
Hai người nhập cư Mexico đang trèo qua bức tường rào ngăn cách biên giới với Mỹ năm 2005 (Ảnh Getty Images) |
Có phải dân nhập cư đang đánh cắp các việc làm của người Mỹ? Có phải họ đang kéo quá đông vào các trường học, bệnh viện và nhà tù của Mỹ, làm tổn hại ngôn ngữ và gây nguy hiểm cho trẻ em Mỹ? Những câu hỏi như vậy luôn luôn đeo đuổi dân Mỹ nhưng sự căm ghét người nhập cư bắt đầu trở nên rõ ràng vào những năm 1930, khi cái gọi là Thế giới thứ ba (châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương) thay thế châu Âu trở thành "nguồn cung cấp người nhập cư". Với một màu da khác, ngôn ngữ khác và tập quán khác, người nhập cư đã phải đối mặt với sự kháng cự đôi khi đầy cảm giác căm thù của người bản địa - hiện tượng vẫn tiếp diễn đến ngày nay.
Một học giả Mỹ gốc Mexico cho rằng, khi chống lại người nhập cư, nước Mỹ đang chống lại tương lai của họ. Theo ông, đặc điểm có một không hai của người Mỹ dựa trên sự cởi mở của họ. Uy quyền của Mỹ dựa vào khả năng thu hút những phần tử tốt đẹp nhất và tươi sáng nhất của thế giới. Nhưng liệu đất nước này còn trao cho những người mới đến một cơ hội để chứng minh giá trị của họ? Nhìn lại phản ứng gay gắt đối với những người nhập cư suốt thập kỉ qua, người ta thấy Mỹ đã thay thế nụ cười hiếu khách, động lòng trắc ẩn và bàn tay rộng mở bằng tiếng quát tháo hăm doạ. Mọi người vẫn còn mơ tới nước Mỹ vì cái tiếng là "mảnh đất của tự do, bình đẳng và công bằng". Tuy nhiên, những nguyên tắc này gần đây đã không còn hiển hiện rõ ràng nữa và do đó, người Mỹ đã bắt đầu huỷ hoại nền tảng cơ bản nhất của mình.
5. Các blogger
Có rất nhiều sự sợ hãi về blog trong suốt một thập kỷ qua. Ngay cả từ "blog" cũng gây hoảng sợ. Không ít người tin rằng, blog đang nhân gấp ngàn lần những con quỷ, đe doạ huỷ hoại truyền thông quốc gia, buộc quốc hội phải đầu hàng và làm biến chất những con người bình thường, tốt đẹp. Nhưng hoá ra là các "blogger" (những người sử dụng blog) bản thân cũng là con người, nhưng dành thời gian và công sức để viết ra những suy nghĩ của họ về bất kỳ chủ đề nào gây cảm hứng hay làm họ tức giận hoặc vui vẻ. Điểm khác biệt là, những người bình thường này có máy tính và mạng Internet nên các rào cản cho việc viết lách của họ đột ngột biến mất. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành "blogger". Tất cả những gì cần là một bộ não và một chủ đề nửa trang nghiêm. (Đạo đức, đối chiếu sự thật, sự chính xác - đều dành cho các nhà báo, những người mà rốt cuộc cũng đang sử dụng blog).
Việc sử dụng blog đang diễn ra một cách tập thể - siêu liên kết các cá nhân trong một chuỗi thổi phồng những câu chuyện và kéo đổ cả những gã khổng lồ. Quá trình đang diễn ra ở vận tốc nhanh chóng mặt. Liệu có phải nó đã khiến chúng ta gầy còm đi, nhanh hơn và đói hơn? Đúng. Nhếch nhác và cáu kỉnh hơn? Có thể một chút như vậy. Nhưng trên hết, sự gia tăng việc sử dụng blog kết hợp với chia sẻ thông tin và thể hiện bản thân với một chút hài hước đã khiến chúng ta tốt hơn.
6. Bệnh SARS, bò điên, cúm gà
Các nhân viên y tế Hàn Quốc chuẩn bị thiêu huỷ những con vịt bị nhiễm virus cúm H5N1 tại một trang trại ở Seoul tháng 12/2003. Ảnh Reuters) |
Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự bùng phát của các bệnh có tên gây hiệu ứng mạnh mẽ và những phản ứng phụ khủng khiếp. Tuy nhiên, căn bệnh được đánh giá bị lo ngại thái quá nhất là bệnh bò điên - một căn bệnh thoái hoá thần kinh, biến bộ não thành pho mát Thuỵ Sỹ - lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ vào tháng 12/2003. Nó dẫn tới những hàng tít gây hoang mang, sợ hãi như "Hãy cảnh giác với thịt bò" và các thuyết âm mưu liên quan đến ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc. Ngày nay, đó hoàn toàn là điều vô nghĩa vì chỉ có 3 ca được xác thực nhiễm bệnh và ca cuối cùng được đưa tin ở trang 25 của tờ New York Times vào tháng 3/2006.
Cúm gà, với tên gọi chính thức là cúm H5N1, là một loại virus lây lan nhanh, giết hại hàng triệu con gà trên thế giới vào năm 2008. Nó đã đẩy các quan chức y tế (và những cây bút chuyên viết tít giật gân) phải tăng tốc, nhưng vào cuối năm, nó đã không theo kịp với sự cường điệu hoá. Đúng, có khoảng 300 người đã chết vì virus cúm H5N1 nhưng hàng chục ngàn người tử vong vì biến chứng cúm trong suốt một mùa thông thường. Bệnh SARS cũng theo một cung đường tương tự: nó cướp đi sinh mạng của gần 1.000 người vào năm 2003, và biến khẩu trang trở thành thứ phụ trang dễ nhận thấy nhất. Các nhà khoa học nói rằng loại virus này không còn được tìm thấy ở người nữa. Mối đe doạ gần đây: cúm lợn (cúm H1N1) cũng có cái tên theo xu hướng gieo rắc sự kinh hoàng (mục đích chơi chữ). Dẫu vậy, bằng chứng sẵn có tốt nhất hiện nay cho thấy nó giống như một bệnh cúm theo mùa tồi tệ - nghiêm trọng nhưng không quá khủng khiếp.
7. Những kẻ lợi dụng web:
Sự gia tăng các trang mạng xã hội kiểu Facebook và MySpace là một câu chuyện hai phần đối với nhiều bậc phụ huynh. Phần một là sự háo hức về cách nó dễ dàng kết nối với mọi người đến như thế nào. Phần hai đơn thuần là nỗi sợ hãi. Dường như có một bể vô tận những con quỷ đang rình rập nhảy xổ ra từ đầu bên kia chiếc modem của chúng ta. Ít nhất, đó là những gì mà các chương trình như "Catch a Predator " hay "Law & Order: SVU" đề cập tới. Có lẽ câu chuyện cần có thêm phần ba: sự thật và hoà giải. Theo Heather Armstrong (một blogger nổi tiếng của Mỹ được tạp chí Forbes nêu tên trong danh sách 30 người phụ nữ "có ảnh hưởng nhất trong giới truyền thông" năm 2009 - PV), thông qua việc viết về các con của mình trên mạng, sử dụng tên thật và ảnh của chúng, cô thấy sự lo ngại về những kẻ lạm dụng web đã có một chút thổi phồng.
Hồi đầu năm nay, một nhóm công tác bao gồm 49 công tố viên liên bang Mỹ nhìn chung cũng kết luận điều tương tự. Việc dẫn con tới một cửa hàng tạp phẩm thậm chí còn nguy hiểm hơn việc viết về chúng trên mạng hoặc để chúng lướt web. Armstrong cho rằng, truyền thông xã hội đã thực sự làm được nhiều điều tốt hơn điều xấu xét về việc kết nối con người, đặc biệt trong cộng đồng trực tuyến của cô (trang Dooce.com - PV), nơi mọi người viết để kết nối với người khác, để cảm thấy bớt cô đơn và để phản ánh những cái ngớ ngẩn của đời sống hàng ngày với hy vọng rằng các độc giả sẽ nhận thấy những điểm tương tự trong đời sống riêng của họ.
8. Nạn tình dục bằng miệng của trẻ vị thành niên
Ảnh Getty Images |
Drew Pinsky, bác sỹ chuyên về các bệnh nghiện nổi tiếng của Mỹ, cho hay, gần như tháng nào ông cũng nhận được ít nhất một cuộc điện thoại đề cập đến cùng một nội dụng như: "Lạy chúa! Trẻ vị thành niên cùng các bữa tiệc cầu vồng và dây thun quấn quanh cổ tay chúng: tình dục bằng miệng đang càn quét đất nước này". Ngay cả các tờ rơi thông tin đại chúng cũng thu hút ông với nội dung tương tự. Tuy nhiên, bác sỹ Pinsky khẳng định đã nói chuyện với hàng ngàn đứa trẻ mỗi tuần khắp nước Mỹ và kết luận rằng: điều đó đang không xảy ra. Theo ông, có thể hiện tượng này từng xảy ra lần nào đó tại một trường trung học ở đâu đó, và kể từ vụ việc, giới truyền thông đã bị ám ảnh với những câu chuyện cùng một chủ đề. Bác sỹ Pinsky nhận định, việc trẻ vị thành niên quan hệ tình dục bằng miệng là "một câu chuyện rất màu sắc và là mồi câu của giới truyền thông, tạo nên những hàng tít hút khách và mọi người có thể nói: "Bạn có thể tin bọn trẻ đang làm gì ngày nay không?".
Tất nhiên, đối với một số người trẻ tuổi, quan hệ tình dục bằng miệng ngang tầm quan trọng với việc giao hợp thực sự - nó chỉ giống như việc âu yếm say sưa. Tuy nhiên, nó gây bối rối cho các thế hệ trước và dẫn họ tới việc tin vào một sự nhầm lẫn lớn rằng, trẻ vị thành niên nổi loạn chống lại người trưởng thành. Bác sỹ Pinsky nói, trong thực tế, các thanh thiếu niên của thập kỷ này vẫn luôn đánh giá cao các bậc lớn tuổi hơn. Và nói chung, bọn trẻ ngày càng trở nên tốt hơn, khoẻ mạnh hơn và an toàn hơn qua thời gian.
9. Bệnh than
Không giống những nỗi sợ hãi khác, bệnh than thực sự bị xem thường vào thời điểm đó. Rất dễ để quên rằng một tuần sau thảm hoạ 11/9, vụ tấn công khủng bố sinh học tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ đã xảy ra. Nó bắt đầu với hàng loạt bức thư độc hại và kết thúc bằng cái chết của 5 người và 17 người khác bị ốm, kể cả trợ lý riêng của Tom Brokaw - cựu biên tập viên chính cho chương trình tin tức buổi tối của đài NBC và một thực tập sinh của kênh truyền hình này. Theo Brokaw, đó là một thử thách vẫn còn gây đau đớn cho tới tận ngày nay. Một ngày nọ, cô trợ lý của Brokaw cầm một lá thư viết tay, trông thô kệch đã được người thực tập sinh mở trước đó và tìm thấy chất bột màu nâu. Đó là một vũ khí sinh học nhưng phải mất thêm 3 tuần người ta mới biết về nó.
Sở cảnh sát New York, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các quan chức y tế địa phương vẫn nhất quyết rằng những thương tổn sau đó trên vai cô trợ lý và chân của người thực tập sinh không thể liên quan đến bệnh than. Thực sự, họ không biết. Cuối cùng, sau khi một người bạn làm bác sỹ của Brokaw nghi ngờ các kết luận của nhà chức trách thì Trung tâm kiểm soát các bệnh dịch mới vào cuộc và xác thực rằng các vết phát ban đó do bệnh than gây ra. Vì vậy, thật dễ hiểu khi cả cô trợ lý của Brokaw lẫn người thực tập sinh đã không thể tha thứ cho các nhà chức trách vì không sẵn sàng, thâm chí thiếu hiểu biết đến như vậy về việc bệnh than trên da trông có thể như thế nào. May mắn thay, một vụ tấn công khác đã không xảy ra. Cô trợ lý và người thực tập cũng hồi phục nhưng những vết thương tinh thần vẫn luôn đeo đẳng họ. Đối với Brokaw, ông thú nhận luôn cảm thấy cắn rứt vì hai người phải gánh chịu hậu quả từ một cuộc tấn công đáng lẽ nhằm vào ông.
10. Toàn cầu hoá
Định nghĩa đơn giản về toàn cầu hoá là sự trộn lẫn các thị trường, công nghệ, các hệ thống thông tin và mạng lưới viễn thông theo một cách làm co cụm thế giới từ kích cỡ trung bình xuống một kích cỡ nhỏ. Toàn cầu hoá bắt đầu cách đây nhiều thập kỷ nhưng tăng tiến đáng kể trong 10 năm qua, khi giá trị của quyền lực vi tính giảm xuống và thế giới trở thành một nơi liên kết chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Người ta chống lại sự chuyển dịch này - ví dụ như các cuộc biểu tình phản đối hội nghị G8 năm 2001 (một trong các vụ bạo loạn đẫm máu nhất lịch sử châu Âu thời gian gần đây) hay cuộc náo loạn mới đây ở Pittsburgh nhân dịp diễn ra cuộc họp G20 - vì họ nghĩ rằng nó trước hết làm lợi cho các tầng lớp doanh nhân giàu có và gây tổn thất cho đa số còn lại. Tuy nhiên, toàn cầu hoá không huỷ hoại mà chỉ làm phẳng thế giới.
Và sau khi xem xét kỹ, quá trình này có thể có lợi cho mọi người, đặc biệt là người nghèo. Toàn cầu hoá đã đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói ở Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như nhân lên gấp bội quy mô của tầng lớp trung lưu khắp toàn cầu. Nó cũng nâng mức sống toàn cầu lên nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử thế giới, và đang tạo điều kiện cho sự tăng trưởng gây sửng sốt. Vào năm 1950, mọi hoạt động kinh tế thế giới được định giá tổng cộng vào khoảng 7 ngàn tỉ USD, tương đương với mức tăng trưởng chỉ diễn ra trong vòng một thập kỷ vừa qua, ngay cả khi có cuộc suy thoái mới đây. Dù những nỗi sợ hãi của con người về sự thay đổi có như thế nào thì toàn cầu hoá vẫn hiện hữu ở đó và nếu được kiểm soát hợp lý, nó sẽ là một điều tốt.