Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đạo đức cách mạng là "gốc rễ", là cội nguồn sức mạnh của Đảng

Theo Lại Hoa/VOV1
Chia sẻ Zalo

Đạo đức cách mạng luôn là gốc rễ, là "cội nguồn sức mạnh" của Đảng để đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Bởi uy tín và thanh danh của Đảng có được chính là ở những tấm gương đạo đức sáng ngời của đội ngũ cán bộ đảng viên.

Xây dựng những chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng

Xây dựng Đảng về đạo đức có quan hệ mật thiết, hữu cơ với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Đây vừa là một phương diện cơ bản cấu thành nội dung xây dựng Đảng, vừa là nhân tố có tính quyết định đảm bảo thành công cho việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tuy nhiên, thực tế từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, rất nhiều cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đã bị xử lý nghiêm khắc về mặt Đảng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng những chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. 

Trở về sau cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mang trong mình nhiều thương tật, Thầy thuốc, Đại tá Trần Văn Nhân, ở phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên luôn giữ vững phẩm chất người lính cụ Hồ, một Đảng viên gương mẫu. 50 năm tuổi đảng, gần cả cuộc đời dày công nghiên cứu các bài thuốc đông y, Thầy thuốc Trần Văn Nhân đã đi nhiều nơi, tận tình cứu chữa miễn phí cho hàng nghìn người. Dù tuổi đã cao, song trách nhiệm của một đảng viên và tấm lòng lương thiện đã thôi thúc ông hằng ngày làm nhiều việc có ích, góp phần tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Đại tá, Thầy thuốc ưu tú Trần Văn Nhân.   
Đại tá, Thầy thuốc ưu tú Trần Văn Nhân.   

Đại tá Trần Văn Nhân cho biết: "Châm ngôn trong chữa bệnh của tôi, trước hết là phải có cái tâm của người thầy thuốc, không những tây y mà cả đông y và lấy người bệnh là chủ thể".

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, gương mẫu đi đầu, đảng viên trẻ Vi Văn Giới ở thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã thành công với mô hình trồng rừng kết hợp nuôi gà 6 ngón, nuôi ong lấy mật. Từ đó, anh đã hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong thôn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, mang lại nhiều đổi thay cho quê hương.

10 năm được tín nhiệm bầu là trưởng thôn, đảng viên Vi Văn Giới biến lời Bác dạy "đảng viên gương mẫu đi đầu" thành hiện thực, qua việc phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, từ kiến thức và sự quyết tâm: "Để bà con tin bản thân tôi phải là người đi đầu, phải là người làm cho bà con nhìn thấy. Tôi vẫn nhớ mãi câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm", việc làm cho quê hương như bây giờ thì tôi cảm giác rất thoải mái".

Thầy thuốc ưu tú, Đại tá Trần Văn Nhân và đảng viên trẻ Vi Văn Giới chỉ là 2 trong số hàng triệu đảng viên luôn ghi nhớ lời Bác Hồ căn dặn, luôn giữ vững chuẩn mực đạo đức của người đảng viên, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế và chăm lo đời sống cho nhân dân.

GS. TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương
GS. TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương

Ngay khi đào tạo những "hạt giống đỏ" của cách mạng Việt Nam, vào những năm 1925-1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt bài học về tư cách của một người cách mạng lên trước. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" Người nêu rõ 23 điều chuẩn mực, chủ yếu là về lĩnh vực đạo đức. Theo đó, người cán bộ, đảng viên tự mình phải cần kiệm, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất. Sau này, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác lại đề cập 12 điều về "Tư cách của Ðảng chân chính cách mạng". Người nêu bật những tính tốt của người cách mạng cần được bồi đắp: NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM.

GS. TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương phân tích: "12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, đây có thể coi là một hệ thống lý luận và phương pháp, cũng như quan điểm và phong cách về đảng cầm quyền. Điều quan trọng nhất Đảng phải là một tổ chức cách mạng, không phải là một tổ chức làm quan phát tài. Đây chính là động cơ, mục đích chính trị và đạo đức của Đảng, đảng viên".

Cần, kiệm, liêm, chính là tiêu chí xác định "chất người"

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu những yêu cầu cụ thể về đạo đức cách mạng. Trong đó, chuẩn mực đạo đức chung của người cán bộ, đảng viên là: Trung với nước, Hiếu với dân.

Trung với nước là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trung thành với con đường đi lên của đất nước; là suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng. Trung với nước ở Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành lẽ sống tự nhiên, một nhu cầu luôn thường trực và phải được đo bằng kết quả cụ thể, bằng hiệu suất công việc. Hiếu với dân là nội dung rất cơ bản trong quan niệm của Người, thể hiện ở chỗ gần dân, kính trọng dân, học tập dân, dựa vào dân và lấy dân làm gốc, thương dân, tin dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng: "Bác Hồ giải thích rất đơn giản. Ngay từ những ngày mới giành quyền, Bác nói: "không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng" mà "không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường". Cho nên chúng ta phải dựa vào dân. Bác dạy cán bộ ta từ lúc hoạch định đường lối, chính sách và trong quá trình thực hiện phải lấy phương châm "Điều gì lợi cho dân, ta hết sức làm. Điều gì hại cho dân, ta hết sức tránh". Vì cuối cùng nhân dân tin vào lãnh đạo chính là họ được hưởng thụ như thế nào".

Cùng với phẩm chất "Trung với nước, Hiếu với dân", Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng phẩm chất "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Người chỉ rõ hai mặt trong mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức với một quan điểm căn cốt: "Có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Người nói rõ có quyền mà "không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân". Cần, kiệm, liêm, chính không chỉ là chuẩn mực đạo đức cần phải có của con người, mà còn là tiêu chí xác định "chất người". Thực hiện được "cần, kiệm, liêm, chính" thì sẽ tiến đến "chí công vô tư" biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, lo lắng, vất vả trước mọi người, thụ hưởng sau mọi người.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: "Bác nói là đức làm gốc. Cũng như cái cây có gốc. Nếu người có đức mà không có tài thì vô dụng. Nhưng có tài mà không có đức thì không có một cán bộ lãnh đạo nào có thể lãnh đạo được nhân dân. Không lãnh đạo được nhân dân thì sự nghiệp cách mạng sụp đổ".

Không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được dân yêu mến

Cùng với xác định vị trí, vai trò của đạo đức, các chuẩn mực đạo đức cơ bản của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đó là "nói đi đôi với làm", nêu gương đạo đức; tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương về đạo đức Cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương về đạo đức Cách mạng

Người thẳng thắn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".

Thầm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật trong sạch, vững mạnh; là đạo đức, là văn minh; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo đất nước, xứng đáng với trọng trách được nhân dân tin cậy, gửi gắm.

Đạo đức cách mạng luôn là gốc rễ, là "cội nguồn sức mạnh" của Đảng để đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Bởi uy tín và thanh danh của Đảng có được chính là ở những tấm gương đạo đức sáng ngời của đội ngũ cán bộ đảng viên, dám hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân. Chính vì vậy Đại hội XII của Đảng đã chính thức đặt nhiệm vụ "Xây dựng đảng về đạo đức" ngang hàng với xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức".

Đại hội XIII xác định xây dựng đảng về đạo đức là 1 trong 5 nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, tập trung xây dựng đảng về đạo đức, coi đây là "gốc", là nền tảng để xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của đảng trong giai đoạn mới.